Bản in
Khi kinh tế “khỏe” sẽ kéo khoa học phát triển
“Khi kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế mà tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thì bắt buộc các DN phải đổi mới công nghệ và nhu cầu về đổi mới công nghệ, về KHCN càng nhiều, nó sẽ kéo ngành KHCN phải phát triển hơn nữa”, đây là những chia sẻ của TS Hồ Ngọc Luật, Trưởng ban Khoa học công nghệ (KHCN) địa phương (Bộ KHCN) trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam.

Thưa ông nếu có một đánh giá tổng quát về sự phát triển KHCN trong các vùng miền của đất nước, thì ông có nhận định như thế nào về mức độ phát triển, sự chênh lệch giữa các vùng miền với nhau ?

Về các vùng miền, đầu tiên phải kể đến 13 tỉnh Tây Nam bộ, KHCN bám rất sát cuộc sống. Vùng thứ hai liên quan đến phục vụ trong công nghiệp là vùng Đông Nam bộ. Kế đến là lõi của đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh và một phần “bươn trải” của KHCN với cuộc sống nữa là dải Bắc Trung bộ và ven biển miền Trung.
Qua thứ tự trên có thể có một nhận định như thế này về KHCN: Chỗ nào có kinh tế phát triển và sôi động thì KHCN được lôi kéo. Vì thế khi kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế mà tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thì bắt buộc các DN phải đổi mới công nghệ và nhu cầu về đổi mới công nghệ, về KHCN càng nhiều, nó sẽ kéo ngành KHCN phải phát triển hơn nữa, thì rõ ràng ở đây là mối quan hệ biện chứng. Phát triển KHCN quốc gia là nhu cầu phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc gia với khía cạnh từ mong muốn cho đến thực tại là mức độ “khỏe” của nền kinh tế đó, “khỏe” theo khía cạnh lành mạnh thì nó tạo môi trường cho KHCN phát triển.

Thưa ông, một trong những vấn đề đang cản trở sự phát triển của KHCN địa phương, đó là các địa phương chưa tổng hợp được thực trạng đầu tư, hỗ trợ tài chính cho hoạt động KHCN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tài chính cho hoạt động KHCN gồm nhiều nguồn, trong đó nguồn cơ bản nhất là từ ngân sách. Đến nay, ngoài phần đầu tư này, các địa phương hầu như chưa tổng hợp được thực trạng đầu tư, hỗ trợ của các nguồn tài chính khác cho hoạt động KHCN trên địa bàn. Trên bình diện chung, hoạt động KHCN vẫn chủ yếu trông chờ từ Nhà nước mà ít thu hút được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp rất lớn hiện nay.

Chưa nói đến, đa số tỉnh, thành phố lại không trích đủ 2% tổng chi ngân sách cho hoạt động KHCN, hầu hết mới dành dưới 1%, thậm chí có tỉnh chỉ dành 0,2%, tức là ít hơn 10 lần so với quy định chi ngân sách dành cho KHCN. Trong khi đó, từ năm 2000 đến nay, Quốc hội và Chính phủ luôn duy trì tổng chi ngân sách ở mức 2% cho KHCN và trong tổng số 2% trên, khoảng 40-45% được dành cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chính các địa phương chưa sử dụng đúng mục đích nguồn tiền này. Vì vậy, dù mỗi năm thực hiện từ 1.300- 1.500 nhiệm vụ KHCN nhưng tỷ lệ thành công của các nghiên cứu cơ bản chỉ khoảng 15% và nghiên cứu ứng dụng khoảng 40%.

Hiện nay cả nước đã hình thành 3 khu công nghệ cao (CNC) quốc gia là Hòa Lạc, TP. HCM, Đà Nẵng, thế nhưng để phát huy vai trò của các vùng công CNC ấy vào đời sống, hỗ trợ DN cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng thì dường như thời gian qua chúng ta mới chỉ đạt được kết quả về xây dựng cơ sở hạ tầng là chính. Về vấn đề này ông suy nghĩ gì?

Với công nghệ cao thì mong muốn phát triển từ Nghị quyết Trung ương II, khóa VIII năm 1996 rất rõ. Đảng và Nhà nước đã thấy đó là một hướng hoàn toàn đúng và cần phải phát triển cho nên từ chủ trương đã bắt đầu đầu tư xây dựng các khu CNC. Sự phát triển CNC cũng thể hiện được sức hút của một nền kinh tế mạnh.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, chúng ta đang thiếu sức mạnh để thu hút vào các khu CNC. Tại sao với các nền kinh tế khác, khu CNC nhanh chóng phát triển vì lúc ấy môi trường của các nước nó đang mới phát triển, còn hoang sơ, cho nên các vùng ấy mở ra là các DN sẵn sàng nhưng bây giờ chúng ta phải thực sự có cái gì “mới” hơn so với các khu CNC của các nước thì người ta mới sẵn sàng đến với ta. Hoặc là nền kinh tế của chúng ta phải đủ mạnh, công lực có 1 sức mạnh thì lúc ấy các DN của chúng ta mới sẵn sàng nghĩ rằng trong sự cạnh tranh lành mạnh, mình phải “nhảy” vào đó mới có các công nghệ mới để phát triển DN cũng như để phát triển KHCN, sản phẩm mới. Chứ hiện nay mức độ thúc ép để có cạnh tranh lành mạnh, để đổi mới công nghệ chưa thực sự như mong muốn. Mặc dù trong đường lối, cơ chế chính sách, chủ trương chúng ta có nhưng thực tiễn vào cuộc sống những điều ấy chưa rõ cho nên sự nhiệt tình tham gia của các tập đoàn, DN vào CNC của chúng ta còn rất yếu.

Việc xây dựng và đưa đất nước phát triển đi lên có vai trò đặc biệt của khoa học, tuy nhiên hiện tại thu nhập của các nhà khoa học còn rất thấp. Vậy theo ông, Nhà nước, trong thời gian tới cần phải có những chế độ ưu đãi như thế nào?

Đúng vậy, với các nhà khoa học thực sự với thu nhập hiện nay thì sự đóng góp, toàn tâm toàn ý để sáng tạo là chưa được ghi nhận. Nhưng tôi hy vọng rằng, vấn đề này sẽ được “gỡ” dần trong thời gian tới khi Luật Sở hữu trí tuệ của chúng ta đang bắt đầu dần dần vào nề nếp. Khi người ta có sản phẩm và được công nhận, người ta phải được thu nhập từ sản phẩm đó. Bản thân người dùng kết quả của người ta phải có trách nhiệm trả lại công sức sáng tạo cho người ta. Chúng ta đang thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ và mối quan hệ ba bên giữa nhà nước - nhà khoa học và các DN sử dụng sáng tạo đó sẽ dần dần được cải thiện, tạo mối quan hệ lành mạnh hơn và lợi ích được phân bố bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, khi các tổ chức KHCN nghiên cứu triển khai thực hiện quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115, ngoài chức năng của một cơ quan dịch vụ công của Nhà nước về KHCN, thì anh sẽ có quyền được mở rộng các dịch vụ và được thu nhận kinh phí từ các nhiệm vụ đó, qua đó có thể trả lương cho nhà khoa học gấp 2 lần, 3 lần hay hơn nữa. Nó sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học sáng tạo. Tuy nhiên chủ trương là thế nhưng trong quá trình thực hiện, mọi cái vẫn còn nhiều khó khăn. Thực sự khi kinh tế lành mạnh, môi trường sẽ tốt còn không ta phải gỡ dần, các ngành các cấp cùng gỡ để khoa học có “đất sống”, để sức sáng tạo thực sự được phát huy thì lúc ấy đóng góp của khoa học càng lớn.

Xin cảm ơn ông!