Bản in
Nghiên cứu các giải pháp phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 khu vực Đông Nam Bộ
Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Net Zero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội thảo “Triển khai Chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho Vùng Đông Nam Bộ” do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức ngày 28/12/2024.

Thúc đẩy công nghệ mới, công nghệ xanh

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình KH&CN cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30.

Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình KH&CN quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp KH&CN, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, Chương trình sẽ lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học tại Vùng Đông Nam Bộ.

Hội thảo cũng là dịp để trao đổi, tìm kiếm giải pháp hiệu quả và thực tế nhằm triển khai thành công chương trình KH&CN hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại vùng Đông Nam Bộ - khu vực có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cũng như sự quyết liệt vào cuộc, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, sẽ biến những thách thức thành cơ hội, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo, tìm ra các kết quả, giải pháp KH&CN thiết thực để sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giới thiệu các mục tiêu và những nội dung chính của Chương trình, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ cho biết: Chương trình "Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam" được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cùng với đó, giải quyết các thách thức về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ carbon thấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau; thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN về nghiên cứu và phát triển KH&CN liên quan đến nội dung giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…

 Ông Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu chương trình.

Chương trình KH&CN Net Zero được kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện Việt Nam để giảm đáng kể lượng phát thải của Việt Nam, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Chia sẻ về kế hoạch triển khai Chương trình, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước bày tỏ, việc tổ chức thực hiện Chương trình sẽ tuân theo một mô hình quản lý khoa học, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp. Ông cũng đưa ra các điều kiện để tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình, bao gồm các quy định pháp lý liên quan.
 
Chia sẻ về kế hoạch triển khai Chương trình, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước bày tỏ, việc tổ chức thực hiện Chương trình sẽ tuân theo một mô hình quản lý khoa học, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp. Ông cũng đưa ra các điều kiện để tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình, bao gồm các quy định pháp lý liên quan.
 

Ông Đào Ngọc Chiến chia sẻ về kế hoạch triển khai chương trình.
 
Viện trưởng Viện khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Chủ nhiệm Chương trình, ông Đỗ Văn Mạnh đã giới thiệu chi tiết các giải pháp KH&CN hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Ông nhấn mạnh, đây là Chương trình có nhiều nét mới, được triển khai theo hướng “tiếp cận từ mục tiêu”, huy động nguồn lực, trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp kết hợp các nhà khoa học, chuyên gia từ khối viện, trường đại học và nhà nước để giải quyết mục tiêu cụ thể của quốc gia: Đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam đến năm 2050.
 
Đẩy mạnh triển khai KH&CN phục vụ mục tiêu Net Zero tại Đông Nam Bộ
 
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về kiểm kê khí nhà kính gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “thành phố không carbon”, “kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng cơ chế tín chỉ chung; triển khai “Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu/khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đồng thời, tỉnh đang triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, định hướng đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực. Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Bộ.
 
Ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định, Hội thảo có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ có thêm thông tin, học hỏi kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, thúc đẩy các giải pháp phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 
Ông Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại Hội thảo.
 
Ông Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE); Phó Chủ nhiệm Chương trình KC.16/24-30 chia sẻ: Khu vực Đông Nam Bộ có vị trí kinh tế trọng điểm, dễ thu hút đầu tư và công nghệ từ các đối tác quốc tế và có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Để triển khai nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu Net Zero tại Vùng Đông Nam Bộ, ông Phùng Chí Sỹ đã đưa ra một số khuyến nghị như: liên kết các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để thực hiện các nghiên cứu ứng dụng; hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ và huy động nguồn lực tài chính; ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh; xây dựng lộ trình pháp lý rõ ràng để thúc đẩy các giải pháp phát thải thấp; tận dụng các nguồn quỹ quốc tế như Quỹ Khí hậu Xanh; huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ; xây dựng chương trình giáo dục và truyền thông nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về phát triển bền vững và Net Zero; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành liên quan đến công nghệ xanh.
 
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự Hội thảo, mục tiêu Net Zero là một thách thức lớn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này vào năm 2050.
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh khẳng định: Cách tiếp cận của Chương trình có nhiều điểm khác biệt so với các chương trình khác. Nếu các chương trình khác tập trung nâng cao năng lực, nâng cao tiềm năng trong lĩnh vực thì Chương trình này hướng tới mục tiêu quốc gia, vì vậy các nhiệm vụ của Chương trình cùng hướng đến mục tiêu chung giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.
 
Dự kiến trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ ban hành một số chương trình khác để hướng tới các mục tiêu quốc gia. Đối với Chương trình này, bên cạnh nhiệm vụ để giải quyết các vấn đề của Việt Nam đang phải đối mặt như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đây cũng là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào thị trường quốc tế, đi tắt đón đầu bước qua giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống, đi vào công nghệ xanh, kinh tế xanh. Do đó, cần chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi quản lý từ sản xuất truyền thống sang sản xuất đáp ứng yêu cầu về phát thải, vì vậy doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ.
 
Để triển khai Chương trình đạt hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức thay đổi hành vi ứng xử để giảm phát thải. Bên cạnh đó, Chương trình cần tập trung vào những nhiệm vụ có tính liên kết và những nhiệm vụ lớn để có sức lan toả, tác động; tăng cường thêm nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế để cùng thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0.
 
Tại Hội thảo, Bộ KH&CN kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ đề xuất các các nhiệm vụ KH&CN trong khuôn khổ Chương trình KH&CN Net Zero gửi về Bộ KH&CN trước ngày 10/01/2025 (Đợt 1) để triển khai các nhiệm vụ KH&CN trong năm 2025.
 
Bài ảnh: Đăng Minh