Bản in
Bắc Ninh: Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp
5 năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, giá trị sản phẩm tăng bình quân 3%/năm, giá trị sản phẩm nông nghiệp trồng trọt trên 1 ha đạt 71 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2006.

Ông Lê Xuân Vừng - Giám đốc Sở KH&CN cho biết như vậy tại Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN 5 năm (2006 – 2010) tỉnh Bắc Ninh.
Nhờ ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ, Bắc Ninh đã tuyển chọn và nhân rộng nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, đã trình diễn, khảo nghiệm hàng trăm giống lúa mới, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh nhiều giống có năng suất cao và ổn định (PTE1, TL2, TL6, PD2, Hương cốm, nếp 9603,…). Nhiều giống lúa lai đạt năng suất từ 75-80 tạ/ha/vụ. Các loại giống mới và biện pháp kỹ thuật thâm canh đã đưa năng suất lúa tăng từ 54,8 tạ/ha năm 2006 lên 59,3 tạ/ha năm 2010.
Chương trình phát triển cây màu, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày đã chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình đưa các giống lạc, ngô đậu tương và kỹ thuật mới giúp tăng nhanh năng suất, chất lượng cây trồng. Cụ thể từ năm 2006 - 2010: lạc từ 18,3 tạ/ha lên 22 tạ/ha; ngô tăng từ 31,9 tạ/ha lên 41,2 tạ/ha; năng suất ngô tăng 0,3 tạ/ha và sản lượng tăng gần 2.600 tấn/năm.
Các giống khoai tây Diamant, Mariella,… được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, áp dụng kỹ thuật bảo quản trong kho lạnh,… được đưa vào sản xuất đã đẩy năng suất khoai tây đạt hơn 140 tạ/ha năm 2010, tăng 2 tạ/ha so với năm 2006, doanh thu đạt 50 – 60 triệu đồng/ha/vụ, đưa khoai tây trở thành loại cây trồng chính, hiệu quả cao vào vụ đông.
Đặc biệt, tỉnh đã tạo lập, hình thành các vùng sản xuất tập trung nhiều loại cây màu, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày như: 18 vùng sản xuất lúa hàng hóa, 35 vùng sản xuất khoai tây, 36 vùng sản xuất rau xanh, 7 vùng sản xuất cây hoa cảnh. Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung này đã tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật, đưa các giống mới vào sử dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực.
Những kết quả nói trên có sự đóng góp không nhỏ của KH&CN, đây sẽ là tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh giai đoạn tiếp theo, ông Lê Xuân Vừng khẳng định.
 
Hạnh Nguyên