|
|||
Cách nay hơn 3 năm, khi mà bãi rác Đông Thạnh và Gò Cát buộc phải đóng cửa vì đã quá tải, Khu xử lý rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi còn đang trong quá trình xây dựng, lúc ấy, ông David Dương đã quyết định đầu tư xây dựng Khu xử lý rác Đa Phước với công việc đầu tiên là làm sạch khu đất, nhổ đến từng cọng rễ cây cuối cùng vì sợ rằng chúng sẽ đâm thủng tấm lót nền chống thấm, nước rỉ rác sẽ thấm vào đất. Sau khi triển khai lót nền, công ty tiến hành lắp đặt hệ thống thu gom nước và khí thải rồi mới bắt đầu tiếp nhận rác. Hiện toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt mà Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận mỗi ngày đều được chôn lấp hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, nhà xưởng phục vụ cho việc chọn lựa và tái chế rác thực phẩm thành phân compost, tái chế rác nhựa thành hạt nhựa… đã được xây dựng xong. "Ông hoàng ve chai", "ông vua rác"… là những cái tên thân mật mà nhiều người dành cho David Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng GĐ Công ty California Waste Solution (CWS), một trong 100 công ty hàng đầu của ngành công nghiệp chất thải ở Hoa Kỳ. Năm 1981, gia đình họ Dương thành lập Công ty quản lý và tái chế Cadigo, tiền thân của CWS sau này. Năm 1992, CWS thắng hợp đồng đầu tiên ở Oakland rồi trở thành một doanh nghiệp chủ chốt của khu vực. CWS được giao xử lý hầu hết các vật liệu tái chế cho các thành phố Oakland, San Jose, Sacramento, Contra Costa... CWS hiện có 4 nhà máy thu gom và xử lý chất thải rắn tại Hoa Kỳ, ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên cả thị trường Hoa Kỳ và quốc tế.
Năm 2005, sau khi tìm hiểu kỹ về chủ trương "xã hội hóa đầu tư" của chính quyền TP Hồ Chí Minh, David Dương đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước rộng 128ha. Công ty Vietnam Waste Solution (VWS) 100% vốn nước ngoài do ông làm Chủ tịch HĐQT được thành lập từ đó. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD, bao gồm các hạng mục: nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng rác thải; hệ thống xử lý nước thải; trạm trung chuyển; trạm rửa xe tải rác tự động; trạm quan trắc địa môi trường, bảo vệ không gây ô nhiễm khu vực dự án; dây chuyền chế biến phân bón compost từ rác hữu cơ; nhà máy sản xuất điện từ khí metal của rác thải... Trong giai đoạn I, hạng mục bãi chôn lấp 30,6ha đã được xây dựng và vận hành theo quy định và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe cấp II của bang California với công suất 10.000 tấn rác/ngày. Hiện Khu liên hợp đang nhận xử lý 3.000 tấn rác/ngày cho TP Hồ Chí Minh và 20 tấn rác/ngày cho Long An.
Ngoài Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, VWS đã quyết định đầu tư thêm dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An), rộng 1.760ha, chuyên xử lý cả chất thải rắn sinh hoạt và chất thải độc hại. Dự án đã được Chính phủ quy hoạch là Khu xử lý chất thải cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ năm 2002. Dự án có tổng vốn đầu tư 700 triệu USD, thời gian đầu tư 20 năm, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của Hoa Kỳ. Ông David Dương nói: Dù đầu tư cho môi trường là quá trình lâu dài, song VWS theo đuổi chiến lược chuyên biệt, cung cấp cho thị trường Việt Nam một giải pháp tổng thể, từ khâu đầu tư, thiết kế đến quản lý, vận hành. |