Bản in
Nhiều khởi sắc từ chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn, miền núi
Sau 6 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2004 – 2010 đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, diện mạo của khu vực nông thôn, miền núi đã có nhiều bước khởi sắc.
Những kết quả thu được
 
Chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2004 – 2010 đã triển khai được 288 dự án tại 60 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các dự án thuộc chương trình đã giúp các địa phương tiếp cận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề về: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhân giống và đưa vào sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có của địa phương; phát triển các sản phẩm lợi thế của Việt Nam như cây ăn quả có múi đặc sản, hoa các loại; phát triển cây công nghiệp, cây dược phẩm, cây ăn quả; trồng và bảo vệ rừng; bảo quản, chế biến nông, lâm, hải sản; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản với các hình thức nuôi công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn; xử lí môi trường nông thôn và môi trường làng nghề, cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến nay, chương trình đã chuyển giao được 856 công nghệ và tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất. Chương trình đã huy động trên 1.250 lượt cán bộ khoa học từ 68 tổ chức KH&CN của trung tâm và địa phương trong cả nước về phục vụ. Đồng thời, đã đào tạo được 1.566 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho khoảng 35.136 lượt nông dân, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 800 cán bộ quản lý KH&CN địa phương. Chương trình cũng thu hút được nguồn lực từ các tổ chức khoa học và công nghệ, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện. Dự kiến, đến năm 2015 chương trình sẽ chuyển giao và ứng dụng ít nhất 900 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kĩ thuật mới vào các khâu: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn, miền núi và hải đảo.
 
Nhiều dự án tiêu biểu
 
Trong suốt 6 năm qua, chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn, miền núi đã triển khai được nhiều dự án tiêu biểu như dự án “xây dựng mô hình thâm canh và tổ chức tiêu thụ bưởi da xanh theo hướng hàng hóa an toàn và chất lượng tại huyện Chợ Lách, Bến Tre”. Dự án này đã giúp địa phương tiếp nhận công nghệ nhân giống, thâm canh sản xuất bưởi da xanh theo hướng GAP, tăng năng lực cạnh tranh của bưởi da xanh trên thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập lên 400 triệu đồng/1ha/năm góp phần xây dựng vùng chuyên canh sản xuất bưởi hàng hóa ở quy mô 3000ha. Hay như dự án “ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất hữu cơ vi sinh vật chức năng phục vụ vùng tiêu trọng điểm tại Bình Dương và các tỉnh phía Nam” đã xây dựng được một cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh vật chức năng có công suất 10.000 tấn/năm, sau khi dự án kết thúc đã nâng công suất lên 30.000 tấn/năm, đem lại doanh thu đạt 15 tỷ đồng.
Chương trình đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.
Theo ông Huỳnh Minh Hoàng, Phó giám đốc Sở KH&CN Bạc Liêu, việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới đã tác động tích cực tới sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là những điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao, cải thiện đời sống nhân dân.
Trong những năm tới, KH&CN phải tiếp tục nâng cao năng lực tiếp thu ứng dụng tiến bộ KH&CN, làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; nâng cao năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh; phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại nhằm phát triển mạnh tiềm lực KH&CN của tỉnh. Hoạt động KH&CN phải đề xuất được các giải pháp huy động và phát huy các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho các ngành, địa phương và toàn tỉnh.
Ánh Tuyết