Bản in
Hà Nội: Trồng hoa công nghệ cao
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình trồng hoa công nghệ cao, từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường hoa cao cấp của Hà Nội, đồng thời góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa khu vực nông nghiệp nông thôn.

Được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN - PTNT), dự án “Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao (CNC)” đã được triển khai tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Flora Việt Nam.
Đột phá từ công nghệ

Đến nay, mô hình đã được triển khai nhân rộng trên diện tích 10.000 m2, với hệ thống nhà kính, nhà lưới, máy móc đảm bảo trồng các giống hoa chất lượng cao như lan Hồ điệp, lan Vũ nữ, hoa ly, hoa loa kèn chịu nhiệt…

Hoa được trồng theo phương pháp nuôi cấy mô nên cho nhiều bông, cánh hoa to, và màu sắc đẹp. Bên cạnh đó là hệ thống nhà lạnh để sơ chế, bảo quản nên chất lượng hoa được nâng cao. Ngoài ra, công ty TNHH Flora Việt Nam còn triển khai mô hình trồng hoa ly và hoa loa kèn chịu nhiệt cho nông dân trong vùng với diện tích từ 3 – 4 ha/vụ, trong đó người dân được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hiện công ty vẫn đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, cải tạo đất, mở rộng diện tích trồng hoa cao cấp thêm 10 ha trên địa bàn huyện Đan Phượng và 30 ha tại tỉnh Sơn La.

Mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường hàng triệu cành hoa lan Hồ điệp, lan Vũ nữ và hàng chục vạn bông ly, loa kèn, đem lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động thường xuyên. Hiện thị trường tiêu thụ hoa đã được mở rộng, ngoài Hà Nội còn có mặt ở khắp các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra.

Bà Bùi Bích Hường – Giám đốc Công ty TNHH Flora Việt Nam cho biết: đến thời điểm hiện nay, công ty đã có khoảng 20 vạn giò lan Hồ điệp, lan Vũ nữ đang trổ bông chuẩn bị cho dịp Tết Tân Mão. Năm nay, do giá nhân công và nguyên liệu đầu vào đều tăng nên giá hoa sẽ tăng từ 10 – 15%.

Mạnh dạn đầu tư

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Lý, Giám đốc Trung tâm Hoa – Cây cảnh (Viện Di truyền Nông nghiệp), mô hình hoa CNC là hướng đi tiềm năng cho các vùng ngoại thành hiện nay, cho thu nhập cao và thân thiện với môi trường. Để hình thành được các vùng hoa CNC, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ cho người dân từ khâu giống, chăm sóc, tới thu hoạch, bảo quản hướng tới sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững.

Việc Hà Nội xác định mục tiêu phát triển trồng hoa CNC là đúng hướng, khi diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nên cần phải nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.

Theo đánh giá của chị Bùi Thị Bích: các vùng ngoại thành như Đan Phương, Hoài Đức… đều có tiềm năng lớn để phát triển các vùng hoa CNC. Để thực hiện được điều đó, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cho người dân vì chi phí khá cao, khoảng 1,8 triệu đồng/m2 nhà lưới.

Để thực hiện các dự án trồng hoa CNC phải tạo được sự chuyển biến đồng bộ trong cả đội ngũ quản lý, kỹ thuật và người dân. 

Ánh Tuyết