|
|||
Kỳ 1: Cơ chế tài chính mới thúc đẩy hoạt động KH&CN địa phương Ngân sách sự nghiệp (NSSN) KH&CN của tỉnh, thành phố thường chia làm 2 phần: kinh phí dành cho các NV KH&CN (thường chiếm khoảng từ 60 - 70% tổng NSSN KH&CN của tỉnh, thành phố) và kinh phí thực hiện các hoạt động KH&CN khác. Sự khác nhau trong quản lý và sử dụng NSSN KH&CN thường nằm ở phần kinh phí dành cho các NV KH&CN. Với một số địa phương, phần kinh phí này sau khi có quyết định của UBND tỉnh, sở Tài chính ra thông báo giao về tài khoản của sở KH&CN để quản lý và cấp phát cho các đơn vị chủ trì thực hiện NV KH&CN. Cũng có một số địa phương, phần kinh phí này được giao cho sở Tài chính quản lý. Để đa dạng hóa nguồn đầu tư, vừa qua một số địa phương đã chủ động tiến hành những biện pháp đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động KH&CN, mang lại kết quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh hoạt động KH&CN. Đà Nẵng, Bến Tre,… đưa ra khái niệm “đề tài doanh nghiệp” là “đề tài nghiên cứu áp dụng tiến bộ KH&CN do doanh nghiệp thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp như cải tiến thiết bị, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, tạo sản phẩm mới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động”. Đà Nẵng quy định hỗ trợ từ NSSN KHCN cho mỗi “đề tài doanh nghiệp” không quá 150 triệu đồng và không thu hồi. Một số tỉnh, thành cho phép giám đốc sở KH&CN sử dụng một phần kinh phí được duyệt cho các NV KH&CN hàng năm của tỉnh, thành phố (không quá 30% ở Tp. HCM, không quá 10% ở Bến Tre,…) để cấp cho các đề tài, dự án đột xuất ngoài kế hoạch, nếu nhu cầu kinh phí cho việc thực hiện các đề tài, dự án đó không vượt quá 300 triệu đồng (các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) và 600 triệu đồng (các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên hoặc KH&CN) ở Tp.HCM hoặc dưới 200 triệu đồng cho cả 2 loại ở Bến Tre. Các tỉnh An Giang, Bến Tre, Thừa Thiên Huế dành một phần kinh phí được phân bổ cho các NV KH&CN của tỉnh để hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ cấp cơ sở. Tỉnh Thừa Thiên Huế không quy định cụ thể kinh phí cho nhiệm vụ này, cũng không quy định cụ thể NSSN KH&CN tỉnh hỗ trợ cho các nhiệm vụ cấp cơ sở bao nhiêu phần trăm dự toán, bao nhiêu tiền. Trong khi đó, Bến Tre quy định các nhiệm vụ cấp cơ sở có kinh phí thực hiện không vượt quá 100 triệu đồng, An Giang quy định hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng dự toán của nhiệm vụ cấp cơ sở hoặc kinh phí hỗ trợ không quá 15 triệu đồng. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các NV KH&CN cấp cơ sở cho các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh Bến Tre và Thừa Thiên Huế còn khuyến khích các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh sử dụng kinh phí sự nghiệp ngành cho hoạt động nghiên cứu và triển khai. Cùng với đó, Đà Nẵng bổ sung thêm chế tài xử phạt việc “chậm trễ báo cáo tiến độ, kết quả và bàn giao sản phẩm từ một tháng trở lên so với hợp đồng mà chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của sở KH&CN” bằng cách “nộp phạt từ 30 % đến 100% phụ cấp trách nhiệm của chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN và kinh phí quản lý nhiệm vụ KH&CN” (của cơ quan chủ trì NV KH&CN). Việc chậm trễ trong triển khai thực hiện NV KH&CN, trong đó có việc chậm trễ báo cáo tiến độ xảy ra thường xuyên, với hầu hết các NV KH&CN, ở nhiều địa phương, nhưng các TTLT lại chưa có hướng dẫn chế tài xử lý. Vì vậy, quy định của Đà Nẵng là một gợi ý tốt cho các địa phương. Qua phân tích văn bản và tình hình thực tế của các địa phương, có thể thấy, về cơ bản các TTLT 93 và 44 đã có những bước tiến tích cực, giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cải thiện công tác quản lý các NV KH&CN. Đây là căn cứ pháp lý cho các tỉnh, thành phố soạn thảo và ban hành quy định về quản lý tài chính cho các NV KH&CN địa phương. KH&CN địa phương rất cần có một bộ tài liệu hướng dẫn đầy đủ và đồng bộ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, không chỉ về cơ chế tài chính cho NV KH&CN, mà cả cơ chế tài chính nói chung và tất cả các hoạt động KH&CN khác của địa phương. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá những cơ chế tài chính cho các NV KH&CN đã được ban hành, triển khai thực hiện, cả ở trung ương lẫn địa phương để bổ sung cho đầy đủ, làm rõ hơn các khái niệm, định mức, sửa đổi hoặc loại bỏ những điểm không còn phù hợp là hết sức cần thiết. Đỗ Nam Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế
|