|
|||
Những năm qua, nhận thức được tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương, tỉnh đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững và hiệu quả.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, trong hoạt động nông nghiệp, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu khả quan, tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 là 6,7%. Dưới sự chỉ đạo có trọng tâm của tỉnh, ngành nông nghiệp đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở vùng nông thôn làm tiền đề đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tập trung khai thác tối đa quỹ đất sản xuất của từng địa phương để tăng diện tích cây trồng chủ lực, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng ngắn, dài ngày như: lúa nước, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, mía… gắn với các nhà máy chế biến, nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Riêng năm 2010, giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng năm 2010 tăng lên hơn 80.000ha; diện tích cây hàng năm mở rộng lên gần 240.000ha, trong đó diện tích lúa đông xuân tăng hơn 4.500ha; sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt gần 400 kg/người. Diện tích cây công nghiệp dài ngày năm 2010, tăng gần 27.000ha; sản lượng cao su mủ khô tăng lên 71.820 tấn, cà phê lên gần 145.000 tấn; sản lượng tiêu lên hơn 22.400 tấn.
Cùng với tốc độ tăng trưởng diện tích, tác động các dự án phát triển giống lúa nước năng suất, chất lượng cao; chương trình phát triển giống cây trồng tạo ra cơ cấu giống thích nghi điều kiện thổ nhưỡng từng vùng để thay thế giống cũ, thoái hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất… góp phần làm cho năng suất các loại cây trồng tăng.
Công tác xây dựng phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của tỉnh được chú trọng. Thành công của thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đã mở rộng cánh cửa cho ngành nông nghiệp Gia Lai tiếp tục xây dựng thương hiệu một số mặt hàng nông sản có chất lượng đặc biệt, mang tính chất đặc trưng vùng miền của tỉnh như: khoai lang Lệ Cần, gạo tám thơm Pờ Tó.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được quan tâm đầu tư đúng mức, dự án lai đàn bò, nạc hóa đàn heo, chương trình phát triển giống vật nuôi… đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, giống bò chuyên thịt, heo nái ngoại tổng hợp chất lượng cao. Nhờ vậy, tỷ lệ bò lai đến thời điểm này đạt 35% so với tổng đàn gần 340.000 con. Đặc biệt tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi bò lai tập trung tại các huyện, thị xã như: ĐakPơ, An Khê, Kbang, heo hướng nạc ở thành phố Pleiku và các vùng phụ cận huyện Chư Pah, Đắk Đoa.
Công tác khuyến nông được chú trọng đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp với các địa phương phổ biến và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, điển hình tiên tiến vào sản xuất nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư từ nguồn vốn Trung ương.
Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động lâm nghiệp Gia Lai tiếp tục phát triển toàn diện và chuyển dịch theo hướng bền vững. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng mới được gần 22.000ha rừng tập trung góp phần vào sự thành công của chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng trên phạm vi cả nước, nâng cao độ che phủ của rừng, cải thiện môi trường sống giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được thực hiện tốt. Hoạt động khai thác, chế biến gỗ được quan tâm kiểm tra dần đi vào nề nếp.Rà soát quy hoạch sử dụng bền vững 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất gắn với việc triển khai đồng bộ chương trình giao khoán bảo vệ rừng, giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất.
Trong định hướng phát triển những năm tới, ngành nông nghiệp Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và các mô hình sản xuất phù hợp với trình độ và tập quán canh tác đồng bào dân tộc. Phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng bình quân 6,6%/năm. Mở rộng diện tích lúa 2 vụ đến năm 2015 lên 28.000ha, ngô đạt 60.000ha, sản lượng lương thực đạt 637.000 tấn. Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi rừng nghèo, diện tích đất trống và đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cao su, tiêu để đến năm 2015 tổng diện tích cây cao su đạt 12.000ha, diện tích cây tiêu đạt 6.000ha.
VEN Miền Trung |