Bản in
Hiệu quả ứng dụng và chuyển giao KH&CN
Những năm qua, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện các dự án chuyển giao KHCN cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc.

Nhờ sự chuyển giao này, trung tâm đã  từng bước thực hiện vai trò cầu nối, đưa KHCN gắn với sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn.

Tăng lợi nhuận

Tính đến nay, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng đã ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học phục vụ sản xuất như: Nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen; tổ chức nhân ươm các giống hoa, cây dược liệu, cây lâm nghiệp… đã phân lập, sản xuất các giống nấm, các chế phẩm sinh học đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh cung cấp cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Với việc thực hiện dự án Nông thôn Miền núi “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất hoa theo hướng công nghiệp tại Đà Lạt”, Trung tâm đã đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên, tập huấn chuyển giao các quy trình kỹ thuật nuôi cấy invitro, nhân ươm cây giống, kỹ thuật trồng, thu họach, bảo quản các loại hoa thương phẩm cho nông dân; xây dựng các mô hình sản xuất hoa thương phẩm theo hướng công nghiệp như mô hình hoa cúc 12ha; mô hình hoa hồng 4ha; mô hình hoa địa lan 2ha tại phường 7, 8 và 12 TP Đà Lạt.

Ông Võ Khiếm - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng - cho biết, nhờ ứng dụng đúng quy trình kỹ thuật, nên các dự án đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhờ vậy đã tăng lợi nhuận từ sản xuất hoa cúc mỗi vụ (3 tháng) là 50 triệu đồng/ha; hoa hồng (năm đầu) lợi nhuận tăng 280 triệu đồng/ha, hoa địa lan thu khoảng 900 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.

Chuyển giao quy trình kỹ thuật phù hợp

Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng các mô hình chuyển giao KHCN cho vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh như chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau an toàn; kỹ thuật thâm canh cây chè cành, càphê, cây chuối La Ba; ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý đất đai; cài đặt, chuyển giao CSDL điểm thông tin KHCN tại các huyện, xã. Qua đó, đã giúp nhân dân tại các địa phương có điều kiện thuận tiện tiếp cận với thông tin kinh tế-xã hội, KHCN, tìm kiếm các quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống.

Chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN cho vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng, ông Khiếm cho hay: “Khi triển khai các dự án chuyển giao kỹ thuật cần có sự tham gia phối hợp của chính quyền, các đoàn thể địa phương. Bên cạnh đó, nên lồng ghép với các dự án đầu tư khác đã và đang triển khai trên cùng địa bàn để kế thừa những kết quả đã có, huy động thêm các nguồn lực để triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất. Đồng thời, việc chọn lựa, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cần bảo đảm tính tiên tiến, phù hợp với trình độ, điều kiện canh tác của nông dân. Phương pháp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân nên cụ thể từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, theo từng công đoạn sản xuất, trên từng mô hình. Từ đó, giúp nông dân sẽ dễ dàng tiếp thu và áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật trong sản xuất”.


Phương Nga