|
|||
Đó là những vấn đề được các nhà báo, phóng viên tập trung đặt câu hỏi để Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời, cung cấp thông tin tại buổi Họp báo Quý II/2017 của Bộ KH&CN diễn ra mới đây, tại Hà Nội. Cơ chế mới thu hút nhà đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, ngày 20/06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 74/2017/NĐ-CP Quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Nghị định gồm 6 chương, 22 điều, mở ra những cơ hội đầu tư mới tại Dự án này. Trả lời câu hỏi của nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam và báo Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch triển khai Nghị định 74, cơ chế thu hút nhà đầu tư mới,… Phó trưởng BQL Khu CNC Hòa Lạc Nguyễn Trung Quỳnh cho biết, kế hoạch xây dựng Khu CNC không chỉ phụ thuộc vào cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển KH&CN mà còn liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, quy hoạch,… và rất nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, giai đoạn trước trong nhiều Luật chuyên ngành thường không quy định tư cách pháp lý cho BQL Khu CNC để xử lý các vấn đề quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hòa Lạc. Nghị định 74 ra đời đã giải quyết được những vấn đề khó khăn như vậy trong quá trình triển khai thực hiện đến thời điểm này. Các cơ chế, chính sách trong thẩm quyền của BQL đã được giải quyết, đặc biệt có thêm một số chính sách ưu đãi đối với Khu CNC Hòa Lạc. Theo Nghị định, Dự án đầu tư tại Khu CNC được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư và thuế. Với dự án đầu tư mới tại Khu CNC có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 30 năm. Ban Quản lý (BQL) được áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của BQL, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn khác trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, lao động và các lĩnh vực khác. UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu CNC. Ông Quỳnh cho biết, BQL đã và đang có cơ chế để xã hội hóa và thu hút đầu tư các nguồn vốn từ bên ngoài cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội tại Khu. Hiện cơ sở hạ tầng xã hội đã bước đầu được triển khai như trường học, nhà hàng, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, nhà ở... Quan điểm của BQL là phải đảm bảo cơ sở hạ tầng để các nhà khoa học đến làm việc và sinh sống tại Khu với môi trường cảnh quan được quy hoạch theo hỗ trợ của Chính phủ. Khu CNC đang hướng đến mục tiêu phát triển thành một thành phố KH&CN, một đô thị sinh thái và thông minh, phát triển mạnh mẽ tiềm lực KH&CN. Theo ông Nguyễn Trung Quỳnh, BQL đã, đang và sẽ chọn những nhà đầu tư đủ năng lực về công nghệ cũng như về tài chính để xây dựng, đầu tư vào Khu. BQL đã cấp giấy phép cho 79 Dự án đầu tư, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Khu CNC Hòa Lạc đón nhận tín hiệu đầu tư tốt khi một loạt các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại đây, tiêu biểu trong số đó là Tập đoàn Nidec, Nhật Bản. Hai bên đã ký kết ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư vào Khu CNC Hoà Lạc với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD tại Khu CNC Hòa Lạc, dự kiến triển khai xây dựng đầu năm 2018. BQL cũng đang chuẩn bị cấp giấy phép cho nhà đầu tư Hàn Quốc với quy mô đầu tư trên 200 triệu USD. “Đó là tín hiệu vui mừng thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Khu CNC Hòa Lạc. Tôi tin rằng với những Tập đoàn lớn như vậy đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc, vấn đề thu hút đầu tư sẽ có triển vọng rất tốt trong thời gian tới”, ông Quỳnh chia sẻ. Chỉ số cải cách hành chính tăng 14 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc Hoạt động cải cách hành chính (CCHC) và Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (Global Innovation Index 2017 - GII 2017) cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Năm 2016, chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) của Bộ KH&CN tăng 14 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ (xếp sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính). Năm 2016, trên cơ sở triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các nội dung đảm bảo yêu cầu, tiến độ theo kế hoạch, xác định đầy đủ nhiệm vụ CCHC trên các lĩnh vực. Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, theo kết quả công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (Global Innovation Index 2017 - GII 2017) ngày 15/6/2017, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp. Dưới sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trực tiếp tại Nghị quyết số 19/NQ - CP là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các bộ ngành và địa phương thực sự hết sức nỗ lực trong cải thiện chất lượng của môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Những kết quả này ngay lập tức được ghi nhận trong xếp hạng về GII của Việt Nam năm 2017. Bằng Nghị quyết 19 năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu thông qua 4 đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín: về mức độ thuận lợi kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử. Đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế. Trả lời câu hỏi của báo Dân trí, ông Bùi Thế Duy – Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết: GII là chỉ số tổng thể nói lên khả năng đổi mới sáng tạo của một quốc gia, trong đó đối với Việt Nam, nó thể hiện môi trường đóng góp của ngành KH&CN nói chung. Đóng góp của KH&CN không đứng một mình mà nó song hành với tất cả các ngành/lĩnh vực khác. Ông Duy cũng cho rằng, GII của Việt Nam năm 2017 tăng, trong đó có chỉ số liên quan trực tiếp đến KH&CN thì không chỉ thể hiện kết quả ở năm 2016 mà còn thể hiện kết quả tích lũy của các năm trước. Đối với KH&CN khi tác động vào, nó là cả một quá trình. Tạo lập Hệ trí thức Việt số hóa Tại buổi Họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao Động, ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017. Mục tiêu là tạo lập hệ tri thức cho người Việt, của người Việt, làm nền tảng cho sức sáng tạo, làm chủ tri thức, làm chủ công nghệ trong tất cả lĩnh vực.
Ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia: Mọi người dân có thể vừa tham gia vừa khai thác, làm giàu hệ tri thức theo công nghệ tạo nội dung từ chính cộng đồng. Với mục tiêu như vậy, Đề án đã có lộ trình cụ thể, rõ ràng từ nay đến cuối năm 2017 và các năm tiếp theo. Trong tháng 7, đề án sẽ thiết lập một nhóm các doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác để tạo nền tảng có thể tích hợp, lưu trữ, hỗ trợ truyền bá phổ biến kiến thức KH&CN và tri thức Việt số hóa. Tháng 8, nhóm doanh nghiệp nòng cốt này sẽ thiết lập các quy định, quy chế về quá trình phối hợp kiến tạo nền tảng, thu thập chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tiếp cận thông tin, để các start up có thể xây dựng các ứng dụng dựa trên nền tảng dữ liệu này. Đặc biệt, dự kiến ngày 7/9 sẽ chính thức diễn ra lễ khởi động triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” trên quy mô toàn quốc. Trong năm 2017, đề án ưu tiên thiết lập nền tảng, tích hợp dữ liệu tập trung thử nghiệm tại 2 lĩnh vực là nông nghiệp và y tế ở một số địa bàn. Đến năm 2018, kế hoạch hệ tri thức Việt số hóa sẽ mở rộng ra các ngành, lĩnh vực và địa phương khác. Ứng dụng cũng được đa dạng hóa trên nhiều phương tiện khác nhau như website, máy tính, ứng dụng di động và các phương tiện khác. Sản phẩm cũng đa dạng hơn rất nhiều. Đến 2019 tiếp tục mở rộng nội dung và khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa. Ngoài ra, ông Định cũng cho biết, người dân có thể thụ hưởng các thành quả công nghệ ngay từ bây giờ bởi đã có nhóm triển khai công nghệ nền tảng phát triển nội dung hệ tri thức Việt số hóa. Đặc trưng của Hệ tri thức Việt số hóa là mọi người dân có thể vừa tham gia vừa khai thác làm giàu hệ tri thức theo công nghệ tạo nội dung từ chính cộng đồng. Quá trình đặt câu hỏi cũng là quá trình kiến tạo nên tri thức mới hữu hiệu. Điều quan trọng, các thông tin trên hệ tri thức có sự kiểm chuẩn, được kiểm tra về mặt nội dung chứ không phải thông tin thông thường tìm kiếm trên các trang mạng. “Chúng tôi cũng mong nhận được sự quan tâm, đồng hành từ các nhà báo - những người tiên phong trong việc đưa tri thức đến với xã hội”, ông Định chia sẻ. Một số vấn đề quan trọng khác như kế hoạch của Bộ KH&CN thời gian tới để tiếp tục thăng hạng chỉ số GII; Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3; cơ chế, chính sách đối với các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trẻ; hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội;… các nhà báo, phóng viên đặt ra cũng đã được Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời và cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên |