|
|||
Trong Chương trình giao lưu trực tuyến "Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) và báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 15/6 mới đây, TS. Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ đã chia sẻ về bức tranh tổng quát hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN), những cơ chế, chính sách của Nhà nước về hoạt động này. Đặc biệt là các nội dung chính, điểm khác biệt của Luật CGCN (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào ngày 19/6 tới. Thưa ông, xin ông cho biết bức tranh tổng quát về hoạt động CGCN hiện nay cũng như những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động này? Vai trò của Bộ KH&CN trong việc triển khai hoạt động ứng dụng, CGCN tại Việt Nam thời gian qua? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Luật CGCN 2006 đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất, đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Thông qua hoạt động CGCN, một số ngành, lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, tự động hóa và vật liệu mới đã tiếp nhận, làm chủ những công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH đất nước. Thông qua CGCN của dự án FDI, nhiều công nghệ tiến tiến, công nghệ mới đã được chuyển giao vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, điện tử, viễn thông, xây dựng cầu, đường... Nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên được khai thác và sử dụng tương đối hiệu quả. Đi liền với CGCN, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trong một số ngành, lĩnh vực đã tiếp thu được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, CGCN còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, năng lực công nghệ trong nước được nâng cao. Tuy nhiên, những kỳ vọng về việc tiếp nhận được công nghệ tiên tiến, hiện đại từ nước ngoài qua dự án FDI chưa đạt được. Trình độ công nghệ trong một số ngành vẫn ở mức trung bình, năng suất lao động thấp, mức độ lan tỏa công nghệ từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Thưa ông, công tác thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; công tác giám sát kiểm tra đối với hoạt động CGCN để bảo đảm môi trường, hạn chế tình trạng đưa các công nghệ lạc hậu thời gian qua được triển khai như thế nào, còn khó khăn hạn chế gì? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Thời gian qua, việc thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư được thực hiện theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Theo Luật Đầu tư, chỉ có dự án sử dụng CNCG mới phải thẩm định công nghệ và nội dung công nghệ nêu trong hồ sơ dự án đầu tư thường rất sơ lược, phần giải trình về công nghệ mới chỉ nêu sơ bộ về phương án công nghệ lựa chọn. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư là đầu mối để tổ chức kiểm tra, giám sát dự án đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua việc kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Một phần cũng để bảo đảm yêu cầu không để các doanh nghiệp hàng năm phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra của các ngành, lĩnh vực khác nhau. Điều này dẫn tới việc chỉ khi có sự cố xảy ra mới thành lập đoàn kiểm tra để xem xét, xử lý. Ý kiến của ông như thế nào đối với quan điểm cho rằng thị trường công nghệ hiện nay vẫn chưa đủ sức thu hút, thúc đẩy nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, đặc biệt là việc hình thành và phát triển các tổ chức trung gian trong hoạt động CGCN, cũng như một số hoạt động dịch vụ CGCN như dịch vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Thị trường nói chung và thị trường KH&CN nói riêng muốn phát triển phải có đủ các yếu tố cấu thành và có biện pháp để phát triển các bộ phận cấu thành nên thị trường. Để phát triển thị trường KH&CN, dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) đã bổ sung một số biện pháp nhằm phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu. Ví dụ như Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích hoạt động nhập khẩu, giải mã, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH của quốc gia, ngành, vùng, địa phương; mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng... Còn đối với tổ chức trung gian, nhà nước đặc biệt quan tâm và hỗ trợ các tổ chức này trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian; hỗ trợ, nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ. Cùng với việc CGCN từ đối tác nước ngoài, việc thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nghiên cứu và CGCN cũng rất quan trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Đúng là chúng ta cần phải có những chính sách thiết thực để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tự nghiên cứu công nghệ hoặc đặt hàng các viện nghiên cứu để có các kết quả đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong dự thảo Luật cũng đã có một điều quy định về việc phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, trong đó nêu rõ: Khuyến khích phát triển các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị do Việt Nam tạo ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
TS. Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ giao lưu cùng bạn đọc (Ảnh: NH) Doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao, ứng dụng và hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ Ông có thể cho biết những chính sách của nhà nước về CGCN nói chung và CGCN trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung vẫn là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động CGCN; phát triển thị trường KH&CN, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững KT - XH. Đẩy mạnh CGCN tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy CGCN trong nước. Trong đó, ưu tiên CGCN cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến KT - XH, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người. Riêng đối với nông nghiệp, chính sách của nhà nước cũng hết sức chú trọng đến việc bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động CGCN trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động CGCN ở địa bàn có điều kiện KT - XH khó khăn, đặc biệt khó khăn. Trong dự thảo Luật đã dành một điều để quy định về CGCN trong nông nghiệp với những phương thức đặc thù, dành riêng cho CGCN trong ngành nông nghiệp. Theo ông, cần có những biện pháp cụ thể gì để khuyến khích thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Hiện nay, trong dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) có quy định cơ chế hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, cụ thể: Một, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thực hiện tại địa bàn KT - XH khó khăn, đặc biệt khó khăn và lĩnh vực ưu đãi đầu tư có hoạt động CGCN thực hiện cùng với tổ chức KH&CN. Hai, doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình. Ba, được dùng quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản và làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch vay vốn đầu tư. Bốn, doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ được hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng. Tôi cho rằng các quy định trên nếu được thực thi sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp. Xin ông cho biết những điểm khác biệt, điểm mới của Luật CGCN sửa đổi lần này so với Luật CGCN 2006? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) có những điểm mới như sau: Thứ nhất, Luật dành một chương để quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư nhằm ngăn chặn công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam. Thứ hai, về phát triển thị trường KH&CN, dự thảo Luật quy định một số cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Thứ ba, Dự thảo Luật quy định một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cụ thể là giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới, sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng, CGCN địa phương. Thứ tư, để thúc đẩy CGCN trong nông nghiệp, Dự thảo Luật đã dành 1 điều quy định về hoạt động CGCN trong nông nghiệp, trong đó quy định hình thức CGCN đặc thù trong nông nghiệp. Thứ năm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thẩm định, CGCN. Khi Luật CGCN (sửa đổi) được thông qua, các doanh nghiệp sẽ được hưởng những quyền lợi gì, thưa ông? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Tùy từng hoạt động có liên quan, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Ví dụ: Doanh nghiệp tham gia hoạt động giải mã, đầu tư hạ tầng cho hoạt động giải mã được hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất khi vay vốn. Doanh nghiệp có dự án thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ với tổ chức KH&CN được ưu đãi thuế. Được sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Cơ chế giám sát việc CGCN sẽ như thế nào và sẽ liên quan đến trách nhiệm của những cơ quan nào, thưa ông? Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam: Dự thảo Luật quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát công nghệ, CGCN như sau: Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước về KHCN để kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra hoạt động CGCN. Hạnh Nguyên (lược ghi) |