Bản in
Nhà khoa học trẻ duy nhất được xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Khoa học phải gắn với ứng dụng!
Nhà nghiên cứu trẻ, TS. Bùi Hùng Thắng (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) là đề cử duy nhất cho Giải trẻ Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 với công trình “Mô hình cải tiến về độ dẫn nhiệt của chất lỏng chứa thành phần ống nano cacbon".

 

Duy trì lửa đam mê

 

Cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với Thắng đó là sự năng động, nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ. TS. Bùi Hùng Thắng chia sẻ: “Con đường đến với nghiên cứu khoa học rất tình cờ nhưng sự tình cờ đó đã đưa tôi đến sự say mê, yêu thích”.

 

Thắng nhớ lại, anh đăng ký vào ngành CNTT Đại học Khoa học và Công nghệ ngay năm đầu tiên trường ĐH này tuyển sinh. Tuy nhiên, sau khi nghe  GS.VS Nguyễn Văn Hiệu thuyết phục, chàng trai trẻ quyết định chuyển từ ngành CNTT sang ngành Vật lý. Và Vật lý dường như là "định mệnh" của Thắng khi anh được bộc lộ hết đam mê của mình.

 

Khi được hỏi, tại sao không chọn con đường nghiên cứu, học tập tại nước ngoài mà lại gắn bó tại Việt Nam, Thắng không ngần ngại cho biết: Quan điểm nước ngoài hay trong nước hiện không còn quá nặng nề với những nhà khoa học trẻ. Bởi hiện tại, điều kiện làm việc trong nước, đặc biệt tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khá cập nhật với thế giới.

 

Ngoài ra, với thế giới phẳng như hiện nay, việc giao lưu, tiếp cận kho tri thức nhân loại và các đồng nghiệp ở nước ngoài rất dễ dàng thực hiện thông qua Internet.

 

“Với người làm khoa học, điều kiện chỉ là một phần, quan trọng là làm sao duy trì được lửa đam mê”- Thắng nhấn mạnh.

 

 

TS Bùi Hùng Thắng và các cộng sự tại phòng thí nghiệm.

 

Chính vì vậy, chưa đầy 10 năm làm nghiên cứu, TS Bùi Hùng Thắng đã có trong tay 25 công bố trên các tạp chí quốc tế (16 công bố ISI), và 4 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.

 

Năm 2017 đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình nghiên cứu của anh khi anh là gương mặt duy nhất được đề cử xét tặng giải trẻ Tạ Quang Bửu, giải dành cho các nhà khoa học độ tuổi dưới 35, với công bố “Mô hình cải tiến về độ dẫn nhiệt của chất lỏng chứa thành phần ống nano carbon” (A modified model for thermal conductivity of carbon nanotube-nanofluids) trên tạp chí Physics of Fluids.

 

Khoa học phải gắn với ứng dụng

 

Với Thắng, khoa học phải gắn liền với ứng dụng. Cũng từ phương châm này, nhà khoa học trẻ đã chọn cho mình lĩnh vực nghiên cứu vật liệu ống nano cacbon (CNTs). Đây là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng rất phong phú bởi hội tụ nhiều tính chất độc đáo về cơ học, vật lý, hóa học như độ bền, độ dẫn điện, dẫn nhiệt. 

 

TS. Thắng lý giải, anh chọn CNTs và chủ yếu khai thác nó để chế tạo các loại vật liệu có độ dẫn nhiệt cao nhằm áp dụng trong hệ thống truyền nhiệt, tản nhiệt cho các linh kiện và thiết bị công suất lớn. Vật liệu ống nano cacbon đã được giới khoa học-công nghệ quốc tế đặc biệt quan tâm kể từ khi phát hiện vào năm 1991.

 

Trong quá trình nghiên cứu, TS Bùi Hùng Thắng đã phát hiện ra những điểm còn thiếu sót từ các mô hình tính toán lý thuyết về chất lỏng chứa thành phần ống nano cacbon. Anh cũng là người đặt bài toán và thực hiện các phép tính toán để đưa ra mô hình cải tiến cũng như tiến hành so sánh kết quả của mô hình tính toán với kết quả thực nghiệm của các nhóm nghiên cứu trên thế giới.

 

Về mặt lý thuyết, TS Bùi Hùng Thắng đã xây dựng thành công mô hình tính toán về độ dẫn nhiệt của chất lỏng chứa thành phần CNTs. Theo đó, kết quả nghiên cứu về mô hình tính toán lý thuyết của đề tài đã giúp nhóm nghiên cứu có 4 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế (trong đó, 3 bài công bố trên tạp chí đạt chuẩn ISI).

  

TS Bùi Hùng Thắng.

 

Điều đáng nói, công trình nghiên cứu đã được hình thành trong quá trình thực hiện đề tài Độc lập cán bộ trẻ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Việt Nam “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu ống nano cacbon trong chất lỏng tản nhiệt cho linh kiện điện tử công suất” mã số VAST.ĐLT.05/13-14, khi đó anh đang là thạc sĩ nhưng là tác giả chính của công trình dự thi, làm chủ nhiệm, thực hiện trong giai đoạn 1/2013 – 12/2014.

 

Trong quá trình thực hiện đề tài này, anh cũng đồng thời là nghiên cứu sinh của GS.TS. Phan Ngọc Minh với tên đề tài luận án “Nghiên cứu tính chất của một số vật liệu tổ hợp nền hữu cơ pha trộn ống nano cácbon và thử nghiệm ứng dụng tản nhiệt trong lĩnh vực điện tử”.

 

Với những kết quả đạt được, TS Bùi Hùng Thắng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào ngày 18/5/2015 với thành tích xuất sắc.

 

Trong quá trình thực hiện đề tài, TS Bùi Hùng Thắng cũng đã đạt được một số giải thưởng khoa học về chất lỏng chứa thành phần CNTs như: Giải nhất Hội nghị Khoa học thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014 với công trình “Nghiên cứu ứng dụng ống nano cacbon trong chất lỏng tản nhiệt cho linh kiện điện tử công suất”;

 

Giải thưởng Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2015 do TW Đoàn Thanh niên tổ chức với công trình “Modun đèn LED chiếu sáng công cộng sử dụng công nghệ tản nhiệt bằng chất lỏng nano cacbon” và danh hiệu nhà Khoa học trẻ tiêu biểu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2015.

 

Đây cũng là cơ sở để tháng 4/2017, Sở KH&CN Hà Nội chọn anh chủ trì một dự án sản xuất thử nghiệm về sản xuất mô đun đèn LED cấp thành phố, kinh phí sẽ do UBND thành phố Hà Nội cấp 30%, 70% còn lại của hai doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

 

Thời gian thực hiện trong vòng hai năm và yêu cầu là 500 sản phẩm có chất lượng như sản phẩm mẫu, trong đó có 150 sản phẩm sẽ được bàn giao lại để phục vụ cho việc chiếu sáng đường phố Hà Nội.

 

Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản về CNTs, TS Bùi Hùng Thắng còn triển khai một số ứng dụng từ loại vật liệu này. Hiện tại, nhóm nghiên cứu của TS Bùi Hùng Thắng đang bắt tay cùng công ty TNHH Minh Quang để sản xuất thử nghiệm bộ khuôn mẫu đầu tiên để đúc giàn tỏa nhiệt của mô đun đèn LED tản nhiệt.

 

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho hiệu quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến thực tế bởi với những gì mà Viện Khoa học vật liệu đang triển khai có thể thấy rằng, công nghệ và thiết bị của Viện hoàn toàn có khả năng chế tạo CNTs với số lượng lớn. Giá thành CNTs do Viện sản xuất vào quãng 200 đến 300 USD/kg thay vì 1.000 USD/kg nhập ngoại như trước.

 khampha.vn