|
|||
Ngày hội được tổ chức bởi tạp chí Tia Sáng, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Học viện Sáng tạo S3 và Học viên STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, mục đích nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng lồng ghép liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Mô hình này đã được triển khai tại các nước Âu-Mỹ nhưng còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Ở lần thứ ba tổ chức tại Hà Nội, Ngày hội đã mở rộng đến đối tượng học sinh trung học. Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, người đã có hai lần tham dự Ngày hội STEM tại Hà Nội, cho rằng, từ phụ huynh học sinh đến giáo viên đều có thể tham khảo cách truyền đạt về khoa học cho đại chúng ở ngày hội “từ những gì thật cao xa đến những gì thật gần gũi”. Ông hi vọng với chủ đề “Hành tinh tương lai”, Ngày hội STEM năm nay có thể truyền cảm hứng cho các em giải quyết những vấn đề của thế giới khi lớn lên. Trong khi đó, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, Giáo dục STEM đã được đưa vào nhiệm vụ năm học của các Sở Giáo dục từ hai năm nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kết hợp với Hội đồng Anh thí điểm Giáo dục STEM trong chương trình chính khoá ở 15 trường Tiểu học và THCS. Cũng theo ông Vũ Đình Chuẩn, chương trình giáo dục tổng thể sắp tới cũng “quán triệt” tinh thần giáo dục STEM, đưa phương thức giáo dục này sâu hơn vào chương trình chính khoá, thay vì câu lạc bộ khoa học ở các trường phổ thông. Cũng phát biểu tại lễ khai mạc, GS. Patrick Boiron, Hiệu trưởng USTH, trường đại học đầu tiên tham dự chương trình ngày hội STEM với vai trò cung cấp địa điểm và tổ chức nội dung, khẳng định, USTH sẽ đồng hành với các trường THPT trên cả nước trong việc tổ chức những ngày hội tương tự. Ông chia sẻ rằng trong quá trình tới thăm và chiêu sinh ở 20 trường phổ thông chuyên trên cả nước, ông thấy các em học sinh có nhiều ý tưởng hay nhưng chưa có kinh nghiệm và năng lực để triển khai chúng trên thực tế. Ông hi vọng, USTH, với hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại theo chuẩn quốc tế và triết lý giáo dục gần với tinh thần STEM, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và thực tiễn, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể biến ý tưởng của mình thành sản phẩm hoàn chỉnh. Trong lễ khai mạc, các em học sinh hết sức hứng thú với Science Show dành cho khối Tiểu học và THCS gồm các thí nghiệm liên quan đến khí Nitơ lỏng: làm quả bóng bay co lại, làm bông hoa hồng đóng băng, làm kem ngay tức thì, dùng chuối đóng đinh. Bên cạnh đó, các em còn được xem robot NAO (robot do công ty SoftBank của Pháp phát triển với 25 khớp nối linh động) trình diễn điệu nhảy Haka truyền thống của New Zealand, nhảy Gang Nam Style, tập thái cực quyền và chống đẩy... Dù diễn ra trong vòng 15 phút ngắn ngủi nhưng Science Show khiến các em học sinh hoàn toàn bị cuốn hút, tràn lên khu vực gần sân khấu để quan sát. Một Science Show khác dành cho học sinh THPT trình diễn các thí nghiệm “quen mà lạ” với chương trình học ở trường của các em do các sinh viên USTH tự thiết kế nội dung, trong đó người tham gia được thử sức kéo thanh sắt khỏi cuộn nam châm điện (dĩ nhiên là không thể kéo được!), thử dùng súng bắn điện, quan sát một cuộn dây Tesla nhỏ gọn trong lòng bàn tay làm sáng bóng đèn ở gần nó… Các em cũng được điều khiển mô hình chiếc xe tự hành trên Sao Hoả mô phỏng theo chiếc Curiousity của NASA do chính các sinh viên của USTH tự thiết kế, thử nghiệm và sản xuất trong vòng hai tuần. Bên cạnh các Science Show nhằm hâm nóng bầu không khí Ngày hội là các lớp học theo ca và theo chủ đề dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, bao gồm: Năng lượng điện và cách tạo ra điện từ một số thức ăn, các trò chơi với điện; Năng lượng mặt trời, lắp mô hình xe ô tô mặt trời; Mạch điện thông minh Trải nghiệm Origami – Tìm hiểu về khối tứ diện; Trải nghiệm Kapla – Thế giới của những viên gạch gỗ; Tessellation - Ứng dụng trong thời trang; Lập trình để xây dựng một bộ phim hoạt hình; cùng hoạt động Labtour (thăm các phòng thí nghiệm của USTH và thực hiện một số thí nghiệm nhỏ) dành riêng cho học sinh trung học phổ thông. Các hoạt động trình diễn lắp ghép và lập trình nên một chú robot thông minh hay trưng bày máy in 3D cũng thu hút đông đảo người xem… Trong khi các em học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm STEM thì các vị phụ huynh tới các lớp nói chuyện khoa học về chủ đề: Công nghệ Nano và cuộc sống với phần trình bày của TS. Trần Đình Phong (USTH); Khoa học dinh dưỡng và vấn đề béo phì với phần trình bày của TS. Lê Đoàn Thanh Lâm (ĐH Bách Khoa); Giáo dục STEM và Cách mạng Công nghiệp 4.0 - cơ hội nào cho học sinh Việt Nam với phần trình bày của ông Nguyễn Thế Trung (Tổng giám đốc Công ty công nghệ DTT); Học STEM cùng học sinh như thế nào? với phần trình bày của TS. Đặng Văn Sơn (Học viện Sáng tạo S3) và ông Đỗ Hoàng Sơn (Giám đốc Công ty Long Minh). Ngày hội đã đón hơn 2.000 lượt người tới dự. Anh Đặng Văn Sơn, Trưởng ban tổ chức, cho biết, form đăng ký online các hoạt động dành cho học sinh dưới 15 tuổi đã phải đóng vào tối thứ Sáu, 12/5, với số lượt đăng ký gấp gần bốn lần so với dự kiến. Ngoài ra, số học sinh THPT tham gia Ngày hội không chỉ đến từ Hà Nội mà còn từ trường chuyên của nhiều tỉnh ở miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang… Ngày hội năm nay được tài trợ bởi Vinschool, Viettel, Hanel và PhuThai Group. Tin, ảnh: Đăng Minh |