Bản in
Liên Hiệp hội tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp Start-up mạo hiểm
Các Hiệp hội là cầu nối quan trọng trong tín hiệu thị trường, thành quả KH&KT và các doanh nghiệp Start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngày 11/5, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Tăng cường vai trò của tổ chức hội trong việc kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” thu hút giới học giả và đông đảo doanh nghiệp quan tâm.

Phát biểu tại hội thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA nhận định: “Sự kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp trong thời buổi KHCN ngày càng phát triển là điều vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

TSKH Nghiêm Vũ Khải đánh giá, những năm gần đây, Chính phủ rất coi trọng vấn đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đặc biệt lấy doanh nghiệp làm trung tâm; qua đó thu hút các tổ chức và nhà khoa học.

Trước nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Dư địa về tài khóa, tiền tệ, nguồn lực rất hạn hẹp so với trước đây”, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng đây chính là cơ hội cho KHCN vì chúng ta không thể lùi thêm được nữa.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Việt Nam, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up)  ngày càng sôi động trong vài năm trở lại đây.

Đây là mô hình tăng trưởng kinh tế mới dựa trên công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại và sự bùng nổ của công nghệ thông tin.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để phát triển các doanh nghiệp mạnh về ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu  KH&CN, cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngay từ giai đoạn khởi nghiệp.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa thực sự có một môi trường thuận lợi để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hay nói cách khác hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam dù đã có sự tham gia của đầy đủ các thành phần nhưng vẫn chưa thực sự phát triển.

Các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, đã có cơ sở thực tiễn và nguồn đầu tư sẵn có để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng còn thiếu cơ chế để huy động và phát triển các tiềm  năng đó.

Ông Quất cho hay, trong phương hướng thực hiện giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN hướng tới một số đề án hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, gồm cả doanh nghiệp Start-up và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là xây dựng khung pháp lý nhằm quản lý và khuyến khích phát triển hoạt động đầu tư mạo hiểm.

TS Trần Duy Khanh – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC công bố thông ti từ VCCI cho thấy, Việt Nam hiện có trên 450 hiệp hội doanh nghiệp (trang web của Bộ Công Thương thống kê được hiện có khoảng 120 hội và hiệp hội doanh nghiệp có địa chỉ cụ thể). Song theo báo cáo của Ngân hàng thế giới vào năm 2017, xếp hạng quản trị doanh nghiệp Việt Nam rất thấp (35/100 điểm).

Điều đó cho thấy, chức năng chính của các Hiệp hội là tư vấn, hỗ trợ, là cầu nối cho các doanh nghiệp được tiếp xúc thị trường, các doanh nghiệp được tiếp cận các công trình khoa học công nghệ phục vụ sản xuất...để đẩy mạnh nâng cao sản xuất, nâng cao chất lượng là chưa được thực hiện.

TS. Trần Duy Khanh nhận định: “Không có các Hiệp hội thì nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp không thể gần nhau bởi không có cái nhìn chung. Cần có nhiều mô hình các tổ chức trung gian đưa nhà khoa học và doanh nghiệp gần nhau”.

“Thông qua chức năng, nhiệm vụ Hiệp hội, các nhà khoa học, quản lý tham gia với các doanh nghiệp bằng hoạt động tư vấn xây dựng chiến lược, tư vấn ứng dụng, chuyến giao tiến bộ KHCN, tư vấn đào tạo công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn chính sách, thị trường và sản phẩm…” - TS Khanh nói.

Đồng thời, Hiệp hội cũng cần tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến của các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho Nhà nước về các vấn đề pháp luật, chính sách phù hợp.

Theo TS Khanh, đổi mới và nâng cao công nghệ trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp, do vậy, sự liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, các nhà khoa học là xu thế tất yếu.