Sôi động “bên ngoài”
SpeedUp 2017 là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phát động từ đầu tháng 1-2017, cho phép startup nhận được nguồn vốn hỗ trợ tối đa tới 2 tỷ đồng, trong thời hạn 2 năm. Đây được xem là hoạt động tiếp tục thúc đẩy chương trình khởi nghiệp đã được phát động rầm rộ từ năm 2016 và còn vì thực tế từ đầu năm đến nay, rất ít startup đến gõ cửa hỏi hỗ trợ.
Trong khi đó, theo thống kê mới đây của Topica Founder Institute (TFI), cộng đồng các startup Việt Nam đã gọi được số vốn kỷ lục 205 triệu USD trong năm 2016. Cụ thể, số thương vụ gọi vốn của cộng đồng startup Việt trong năm 2016 giảm khoảng 25% so với năm 2015. Tuy vậy, lượng vốn gọi được lại đạt mức kỷ lục 205 triệu USD, tăng 46% so với năm trước. Trong đó, các startup thuộc ngành Fintech (Công nghệ tài chính) dẫn đầu về khả năng gọi vốn với 129 triệu USD. Các startup gọi được nhiều vốn nhất trong năm 2016 bao gồm Payoo, VNPT E-pay và Tiki.
Những thương vụ chuyển nhượng này được liệt vào danh sách nổi bật khi E-pay nhượng lại 62,5% cổ phần cho UTC Investment, với tổng giá trị 34 triệu USD. VNG mở màn việc quay lại với thị trường thương mại điện tử nội địa bằng việc mua lại 38% cổ phần Tiki, nâng giá trị công ty này lên 45 triệu USD. 7 thương vụ gọi vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong năm 2016 có giá trị trên 10 triệu USD, trong đó có 4 thương vụ có giá trị trên 15 triệu USD.
Tức là ở một “phân mảng” khác, giới startup luôn năng động đi tìm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Lý giải việc này, các startup cho rằng nhà đầu tư nước ngoài thẩm định dự án nhanh gọn. Điều này cho thấy trong năm qua, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục lấn át hoàn toàn khối nội cả về lượng và chất khi vượt trội về số thương vụ cấp vốn cũng như về lượng vốn. Cần lưu ý, báo cáo của TFI mới chỉ cho thấy những thương vụ được công bố rộng rãi, còn có những thương vụ chưa hoàn toàn công khai, nhiều thương vụ “ẩn” chưa được liệt kê...
Trong khi đó, tại TPHCM, mục tiêu của chương trình là kết nối cộng đồng doanh nghiệp, trường, viện, nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo, các tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ… để hình thành và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nên TP sẽ hỗ trợ đến 2 tỷ đồng cho mỗi dự án khởi nghiệp. Việc này được công bố vào cuối năm 2016, đã trở thành tin vui với cộng đồng startup trong nước vì ít nhất đã cho thấy Nhà nước thực sự quan tâm đến vấn đề này. Nhưng đến nay, Chương trình SpeedUp 2016-2020 do Sở KH-CN tổ chức nói trên vẫn chưa tạo được sức hút như kỳ vọng.
Hiểu rõ hơn “bên trong”
Trở lại với ngày hội thảo của SpeedUp 2017, yêu cầu của chương trình là startup hoặc doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh ở TPHCM, nhưng tuổi thành lập không quá 5 năm. Lĩnh vực tùy chọn, song Sở KH-CN ưu tiên các dự án thuộc về các mảng cơ khí - tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin (CNTT); hóa - dược - nhựa - cao su; Chế biến tinh thực phẩm; Công nghệ Sinh học (CNSH). Kinh phí từ nguồn của sở, nhưng sở sẽ thông qua sự thẩm định của các cơ sở ươm tạo để chọn ra dự án cấp vốn. Nói cách khác, việc startup có được hỗ trợ hay không sẽ tùy thuộc quyết định của các vườn ươm hoặc vườn tăng tốc. Thêm vào đó, những dự án nào đã có sẵn nhà đầu tư khác (không thuộc Nhà nước) sẽ được ưu tiên cấp vốn từ SpeedUp.
Ông Chu Bá Long, Phó phòng Quản lý công nghệ thuộc Sở KH-CN, cho biết một doanh nghiệp lâu năm (trên 5 năm, không đạt điều kiện đăng ký SpeedUp) vẫn có thể nhận được các hỗ trợ, ưu đãi nếu chịu đăng ký làm chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Hơn nữa, doanh nghiệp KHCN sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng cho vay vốn, hưởng các ưu đãi về chi phí thuê đất để sản xuất nằm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Cũng theo ông Long, để có thể đạt được chứng nhận doanh nghiệp KHCN, trước hết phải là một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các startup nếu muốn nhận được tiếp các ưu đãi hỗ trợ này cũng sẽ phải thực hiện tương tự. Doanh nghiệp cũng phải là chủ sở hữu hợp pháp các bản quyền sở hữu trí tuệ hoặc là pháp nhân được chuyển giao công nghệ do đơn vị khác nghiên cứu. |