Bản in
Truyền thông quốc tế và hội tụ văn hóa
Chiều ngày 07/04 tại Hà Nội, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) phối hợp cùng Đại học Stirling (Vương Quốc Anh) tổ chức hội thảo khoa học “Truyền thông quốc tế và hội tụ văn hóa”.

Theo Ban tổ chức, với sự hội nhập và toàn cầu hóa, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có tác động to lớn đến mọi mặt đời sống của xã hội, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông. Truyền thông mới dựa trên nền tảng công nghệ số với những đặc trưng như: tính tức thời, giá trị kết nối xã hội, xu hướng đa thiết bị đã tạo điều kiện trao đổi và tương tác trên tầm quốc tế không chỉ đối với các cơ quan, doanh nghiệp mà cả mỗi cá nhân.

Ở cấp độ nhà nước, việc truyền thông về phát triển kinh tế - xã hội; thể thao, văn hóa, ứng dụng đổi mới sáng tạo, các dự án start-up kêu gọi đầu tư nước ngoài,… đặc biệt là các chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về hoạt động KH&CN của đất nước trong thời gian qua.
 
Trong một thế giới với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, hoạt động truyền thông của con người không còn bị bó buộc trong khuôn khổ biên giới của quốc gia mà còn tạo điều kiện, cơ hội cho các nhà quản lý nhiều sự lựa chọn.
 
Ở phương án thứ nhất, con người phải đối mặt với sự hội nhập và phải xây dựng một hệ thống quản lý truyền thông toàn cầu tách bạch hoàn toàn với khía cạnh văn hoá. Bởi sự đa văn hóa giữa các quốc gia có thể khiến cho các thông điệp có thể được tiếp cận ở các góc độ khác nhau dẫn tới các ý nghĩa khác nhau.
 
Phương án thứ hai là phát triển một mạng lưới truyền thông toàn cầu mà ở đó sự trao đổi và thảo luận công khai dựa trên việc hội tụ và xây dựng văn hóa chung, qua đó kiến tạo mô hình quản lý truyền thông toàn cầu đồng nhất. Đây sẽ trở thành một bước tiến quyết định trong các hoạt động ngoại giao, pháp lý, thương mại và đầu tư quốc tế nhằm đạt được và duy trì một trật tự thế giới bền vững.
 
Trong khuôn khổ hội thảo, TS. Eddy Borges Rey đến từ trường Đại học Stirling (Vương quốc Anh) đã có những chia sẻ kinh nghiệm quý giá trong nghiên cứu truyền thông; đưa ra một số gợi ý định hướng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan trong việc quản trị truyền thông quốc tế. Đặc biệt là hoạt động truyền thông trong kỷ nguyên công nghệ số và Internet.
 
Ngoài ra, các đại biểu, chuyên gia đã có những đề xuất, thảo luận về tính cấp thiết của nhu cầu nhân lực trong ngành quản trị truyền thông cũng như các hướng triển khai, đào tạo ngành học này nhằm đáp ứng tiến trình nhập, phát triển của đất nước trong thời gian tới.
 
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp