Bản in
Thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới khoa học và công nghệ tại Việt Nam
Đây là chủ đề chính của Hội thảo khoa học “Phát triển năng lực về chính sách đổi mới và quản lý các chương trình nghiên cứu và phát triển” do Qũy Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) chủ trì tổ chức trong hai ngày 4 – 5/4 tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức còn có sự phối hợp của Mạng lưới hợp tác Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giữa Đông Nam Á và Châu Âu (SEA – EU – NET), Qũy Đổi mới KH&CN Quốc gia, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia. Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các đơn vị có liên quan trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc NAFOSTED nhận định, đổi mới KH&CN đã và đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình đổi mới KH&CN trong sản xuất nhằm đưa Việt Nam bắt kịp với sự phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Ngân hàng thế giới trong báo cáo phát triển kinh tế Việt Nam tới năm 2035 cũng nhận xét thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới giúp Việt Nam phát triển bền vững. 

Đa số ý kiến các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, muốn thúc đẩy quá trình đổi mới KH&CN trước hết cần đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu khoa học và cán bộ tiếp nhận kết quả nghiên cứu. 

Khi trình độ của con người được nâng cao thì quá trình đổi mới KH&CN sẽ đạt kết quả như mong muốn.  

Một số ý kiến cho rằng, đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại Việt Nam chưa thực sự có trọng tâm mà còn dàn trải nên cần chọn lọc một số lĩnh vực ưu tiên cần thiết để đầu tư. Với việc lựa chọn này sẽ tránh được tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước cấp cho nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp mà các đại biểu đưa ra là tăng cường đầu tư hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho Việt Nam. 

Trong mấy năm trở lại đây, NAFOSTED đã triển khai hợp tác có chiều sâu, góp phần quan trọng, tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học Việt Nam có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu với bạn bè quốc tế được cộng đồng các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao.

Tin, ảnh: Hoàng Anh