Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 25-31/3/2017
Triển lãm quốc tế về công nghệ thí nghiệm tại Việt Nam; Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2016: Giải Vàng giảm; “Phù thủy” dùng rác thải cho… sản xuất sạch;...là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.

Triển lãm quốc tế về công nghệ thí nghiệm tại Việt Nam

Sáng 27/3, Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN) họp báo công bố triển lãm quốc tế lần thứ năm về công nghệ thí nghiệm, phân tích, công nghệ sinh học và chẩn đoán - Analytica Việt Nam năm 2017.

Analytica Việt Nam diễn ra từ 29 đến 31/3 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội với sự tham gia của khoảng 120 đơn vị đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đơn vị sẽ giới thiệu công nghệ, thiết bị, giải pháp mới nhất trong lĩnh vực công nghệ phân tích, đo lường, kiểm tra/quản lý chất lượng, phòng thí nghiệm, khoa học sự sống và sinh học. 

Với chủ đề rộng khắp gồm y tế, dược phẩm, phân tích môi trường, quang phổ khối…, bà Eva khẳng định Analytica là triển lãm lớn nhất ở Việt Nam cung ứng tất cả hàng hóa công nghệ cao cho một lĩnh vực rộng như công nghệ thí nghiệm và công nghệ sinh học.

Năm nay, Analytica Việt Nam được tổ chức bởi Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và Tổ chức Dịch vụ hội chợ triển lãm quốc tế IMAG của Đức. (Theo vnexpress.net ngày 27/3).

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2016: Giải Vàng giảm

Số doanh nghiệp đạt giải Vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2016 chỉ còn 15, so với 20 của năm trước.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo sáng nay, 28/3, tại Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương (GPEA) 2016

Kể từ năm 1996, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Việt Nam được trao hằng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia chủ trì họp báo

Tính đến năm 2015, đã có 1690 lượt doanh nghiệp được trao giải Vàng và Bạc, trong đó 40 lượt doanh nghiệp (đạt Giải Vàng hai lần) được xem xét, lựa chọn tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương.

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 2/4/2017 tại Hà Nội. (Theo tiasang.vn ngày 28/3).

“Phù thủy” dùng rác thải cho… sản xuất sạch

Ngày 28/3, báo Khoa học và Phát triển đưa tin: Biến rác thành sản phẩm phục vụ sản xuất sạch, bền vững là điều PGS-TS Tăng Thị Chính theo đuổi trong hơn 20 năm nghiên cứu về môi trường. Với chế phẩm vi sinh vật do bà nghiên cứu, rác được xử lý trở thành mùn hữu cơ dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, gạch không nung.

Nhanh nhẹn rót nước mời khách, bà khoe: “Tôi vừa đi thực tế ở nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và có thể tự tin khẳng định rằng nó không còn mùi hôi như nhiều nhà máy khác. Mùn hữu cơ thu được sau quá trình xử lý cũng được chế biến thành phân hữu cơ vi sinh phục vụ nông nghiệp, hoặc sản xuất gạch không nung”...

Ngoài xử lý chất thải công nghiệp, TS Chính còn ứng dụng chế phẩm vi sinh vào xử lý rơm rạ và các chất thải hữu cơ khác như thân lá các loại rau, dưa, phân gia súc, gia cầm... để sản xuất phân bón.

“Làm khoa học là phải làm thật sự, có trách nhiệm, phải không tiếc thời gian nghiên cứu thì mới hiểu được bản chất của vấn đề. Khi làm một đề tài mới, điều đầu tiên là phải đi khảo sát cùng các anh em trong nghề” - PGS-TS Tăng Thị Chính giải thích về “thói cuồng công việc” của mình và không quên nhấn mạnh, với bà, khi làm khoa học, chữ tâm phải được đặt lên trên hết. 

Khai trương hệ thống xét nghiệm hiện đại nhất Việt Nam tại Bệnh viện Việt Đức

Chiều 29/3, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã chính thức khai trương hệ thống máy xét nghiệm tự động VENTANA HE 600. Đây được coi là hệ thống xét nghiệm hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Đây là hệ thống xét nghiệm nền tảng phục vụ cho chẩn đoán mô bệnh học và định hướng chỉ định xét nghiệm chuyên sâu, nhuộm đặc biệt chẩn đoán sinh thiết sau ghép thận, ghép gan, chẩn đoán và tiên lượng điều trị ung bướu. Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm bằng Hệ thống này sẽ được Bảo hiểm y tế chi trả.

Xét nghiệm trên hệ thống máy hiện đại

Bên cạnh đó, khoa Giải phẫu bệnh cũng đưa vào lắp đặt và sử dụng máy xét nghiệm Cobas Z480 xác định gene đột biến EGFR, KRAS, BRAF và BenchMark XT xác định khuếch đại gene Her2/neu. (Theo Nhân Dân 29/3)

Khảo sát việc ứng dụng chuyển giao công nghệ tại Bắc Ninh

Ngày 30/3, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh về tình hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh; nghe đề xuất, kiến nghị và góp ý vào dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới.

Về dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bắc Ninh đóng góp một số ý kiến: Cần quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan thẩm định công nghệ khi có hậu quả xảy ra và quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án có công nghệ lạc hậu đã đi vào hoạt động mà ảnh hưởng xấu đến môi trường; đề nghị có điều luật quy định rõ ràng về thẩm quyền cấp phép chuyển giao công nghệ, cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ;...

Ông Phan Xuân Dũng đánh giá cao việc ứng dụng chuyển giao công nghệ vào thực tiễn đời sống và sản xuất của Bắc Ninh cũng như các ý kiến đóng góp tích cực, trách nhiệm của tỉnh vào dự thảo Luật Ch uyển giao công nghệ sửa đổi. (Khu công nghiệp Tiên Sơn). (Theo tuyengiao.vn ngày 30/3).

Hà Trang (Tổng hợp)