Bản in
Điểm kết nối cung cầu công nghệ toàn cầu và Trung tâm trao đổi công nghệ Việt – Hàn chính thức đi vào hoạt động
Chiều 31/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (SMBA) đã tổ chức Lễ khai trương Điểm kết nối cung cầu công nghệ toàn cầu và Trung tâm trao đổi công nghệ Việt – Hàn (VKTEC).

Tham dự Lễ khai trương về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng, Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch Phạm Anh Tuấn; về phía Hàn Quốc có Bộ trưởng Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc Joo Young Sup, Chủ tịch Hiệp hội INNOBIZ Sung Myung Ki. Tham dự Lễ khai trương còn có đại diện các bộ, ngành địa phương, các viện nghiên cứu, các trường Đại học, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, các tổ chức trung gian về chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điểm kết nối cung cầu công nghệ bao gồm các nội dung hoạt động cơ bản như: tư vấn công nghệ, kết nối đầu tư tài chính – công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn trực tuyến; tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng đàm phán chuyển giao, mua bán công nghệ; kỹ năng quản lý công nghệ trong doanh nghiệp; hình thành mạng lưới các điều phối viên về chuyển giao công nghệ; xây dựng dữ liệu công nghệ, chuyên gia công nghệ; tổ chức các buổi giới thiệu công nghệ/hội thảo chuyên đề và theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Điểm kết nối cung cầu công nghệ toàn cầu và Trung tâm VKTEC ra đời là sự nỗ lực của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp chặt chẽ với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, SMBA và các đơn vị liên quan. Đây là mô hình được triển khai thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Phát biểu tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, để thúc đẩy thị trường KH&CN, Bộ KH&CN đã nỗ lực và hoàn thiện cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN và đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách (Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao... ) và cho triển khai các Đề án, Chương trình Quốc gia về KH&CN (Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020) nhằm hỗ trợ các hoạt động KH&CN theo cơ chế thị trường; thúc đẩy cung – cầu công nghệ; khuyến khích các hoạt động tư vấn, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Lễ cắt băng khai trương Điểm kết nối cung cầu công nghệ toàn cầu và Trung tâm VKTEC

“Từ kết quả hoạt động của các Điểm kết nối cung cầu công nghệ toàn cầu sẽ tạo tính lan tỏa và kết nối cao của hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn cuộc sống để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ hi vọng.

Được biết, năm 2015, Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận hợp tác với SMBA nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc với mục tiêu là kết nối cung cầu  công nghệ giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có nhu cầu tiếp nhận công nghệ và hợp tác đầu tư kinh doanh dựa trên công nghệ với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao việc SMBA phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thành lập Trung tâm VKTEC để nhằm tăng cường hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Để Điểm hoạt động kết nối cung cầu công nghệ toàn cầu, Trung tâm VKTEC đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, các nhà khoa học, viện nghiên cứu để tiếp tục hỗ trợ triển khai hợp đồng chuyển giao công nghệ thành công; thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại Lễ khai trương, Bộ trưởng Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc Joo Young Sup cho biết, thời gian gần đây, không chỉ có các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc (SamSung, LG, Huyndai) đầu tư mạnh vào Việt Nam mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc của Hàn Quốc cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc có năng lực kỹ thuật sánh ngang với các Tập đoàn, Công ty lớn. Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc, doanh nghiệp Hàn Quốc đang nỗ lực không ngừng để trở thành đối tác thân thiết và lâu dài của Việt Nam. Phía Hàn Quốc sẽ cố gắng hỗ trợ nhiều dự án thành công theo mô hình xuất khẩu hai chiều và có kế hoạch xúc tiến mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác.

Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận Điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho các học viên

“Thông qua Điểm kết nối cung cầu công nghệ toàn cầu và Trung tâm VKTEC, doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy phát triển công nghệ nói riêng và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Mối quan hệ hệ hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho hai bên. Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc sẽ tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người Việt Nam. ”, ông Joo Young Sup nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Lễ ký kết, Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận Điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho các học viên tham gia khóa học từ ngày 28-30/3/2017.

Bảo Chi – Bùi Hiếu