|
|||
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia. PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thị trường công nghệ thí nghiệm, phân tích và chuẩn đoán ở Việt Nam hiện nay? TS. Lê Xuân Định: Về công nghệ thí nghiệm, phân tích là công nghệ nền tảng trong một nền sản xuất lớn và hiện đại. Thời gian tới, trong một số Nghị định sắp được ban hành sẽ có quy định các doanh nghiệp sản xuất đều phải có năng lực trong công nghệ thí nghiệm, phân tích. Đây cũng là một năng lực thiết yếu của một doanh nghiệp, do vậy thị trường phát triển công nghệ thí nghiệm, phân tích và chuẩn đoán tại Việt Nam khá rộng mở. Có thể nói, hiện nay nguồn đầu tư cho lĩnh vực này chủ yếu là khu vực nhà nước và khu vực công, đối tác ở đây là hệ thống các phòng thí nghiệm, hệ thống kiểm chuẩn của nhà nước và của các trường đại học. 7-10% thị phần đó đến từ phía các doanh nghiệp. Trong khi đó, hệ thống sản xuất của chúng ta muốn phát triển thì thị phần lớn nhất và phát triển lớn nhất phải là các doanh nghiệp. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, chất lượng của công tác phân tích, chuẩn đoán có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng như đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, giám định chất lượng, công tác nghiên cứu KH&CN, công tác phân tích phục vụ chăm sóc sức khỏe con người. Hiện nay, thị trường về công nghệ, phân tích, thí nghiệm và chuẩn đoán có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Theo con số thống kê, tổng giá trị nhập khẩu trong lĩnh vực công nghệ thí nghiệm đã tăng lên 400 triệu USD trong năm 2014, tăng 60% kể từ năm 2009. Có khoảng 10.000 phòng thí nghiệm tại Việt Nam, trong đó có khoảng 900 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025. PV: Còn đối với tiềm năng phát triển thị trường công nghệ sinh học, ông đánh giá như thế nào? - Lĩnh vực công nghệ sinh học được xác định là một trong những hướng ưu tiên của chúng ta. Ngày 1/9/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 06-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX “về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 3 trung tâm công nghệ sinh học quốc gia từ nay đến năm 2025. Theo đó, những trung tâm này sẽ được trang bị các thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Công nghệ sinh học hiện nay cũng là một ngành hội tụ của nhiều lĩnh vực khác nhau không chỉ bản thân sinh học, hóa học mà thậm chí cả tin học, tin – sinh học, giải mã gen, lập trình gen đưa lại những giống mới cải tiến cao hoặc đem lại những ưu điểm nổi bật trong việc kháng sâu bệnh cao, chống xâm nhập mặn,… Đây rõ ràng là lĩnh vực mà Việt Nam cũng phải tập trung đầu tư trong thời gian tới.
Analytica Vietnam 2017 – nhiều công nghệ mới được giới thiệu Bên cạnh đó, có một yếu tố đặc trưng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ sinh học đó là tốc độ thay đổi các công nghệ nền tảng, cốt lõi, công nghệ sinh học hiện nay vào mức độ nhanh nhất. Do đó, những nước đi sau, để bắt kịp, làm chủ những công nghệ mới cần đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học. Đây cũng chính là cơ hội của chúng ta. Việt Nam có lợi thế đặc thù, với tài nguyên đa dạng sinh học, tỷ lệ dân số liên quan trực tiếp đến nông nghiệp với các sản phẩm đặc trưng mà hiện nay chúng ta nhìn thấy. Do vậy, công nghệ sinh học chắc chắn sẽ là một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an ninh lương thực, và giải quyết thị trường cho hệ thống nông nghiệp. PV: Vậy, xin ông cho biết, Bộ KH&CN dành sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế, nhằm trao đổi thông tin trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thí nghiệm, phân tích và chuẩn đoán ra sao? - Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề án hội nhập quốc tế về KH&CN, bao trùm rất nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu tập trung nguồn lực vào lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước đã xác định làm mũi nhọn trong đó có công nghệ sinh học, còn công nghệ thí nghiệm, phân tích làm nền tảng cho những vấn đề này. Việc tổ chức triển lãm quốc tế Analytica Viet Nam 2017 là một minh chứng. Năm nay, triển lãm thu hút được 100 đơn vị trưng bày đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đức, Pháp, Anh, Nhật, Mỹ, Ý, Hà Lan, Nga, Bulgaria, Ấn Độ, Hàn Quốc,…Bên cạnh đó, triển lãm đã nâng lên tầm hội thảo quốc tế chất lượng cao với sự tham gia của chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Các bài thuyết trình của những nhà khoa học nổi tiếng đến từ khắp nơi trên thế giới giới thiệu những xu hướng và kết quả nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực: Phân tích cơ bản, sắc ký, khối phổ; phân tích môi trường, phân tích thực phẩm, và cải thiện chất lượng, phân tích dược phẩm, và chuẩn đoán y học. Đây là cơ hội tốt, có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà khoa học mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp những giải pháp, cách tiếp cận mới, tiên tiến để kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Analytica là một trong những hình thức hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ cao, có vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu công nghệ và thiết bị tiên tiến, giúp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nghệ cao, thiết bị hiện đại giảm chi phí tìm kiếm và được tiếp cận trực tiếp các nhà cung cấp nước ngoài, có điều kiện so sánh, lựa chọn, tránh được rủi ro trong quá trình giao dịch, mua bán thiết bị, chuyển giao công nghệ. PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Bài, ảnh: Đăng Minh
|