|
|||
Hướng đi đúng đắn Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam” với mục tiêu là giảm phát thải khí nhà kính từ các DNNVV tương đương 962 nghìn tấn CO2; giảm từ 10-15% chi phí năng lượng trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tham gia và tiết kiệm tổng mức năng lượng là 136 nghìn tấn dầu quy đổi. Thực hiện mục tiêu trên, trong gần 5 năm qua (2006-2010), Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với UNDP tại Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương và các đối tác để tổ chức triển khai thực hiện dự án. Cho đến thời điểm này, dự án đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra. Theo ông Nguyễn Đình Hậu, Gíam đốc dự án cho biết, tính đến 30/10/2010, dự án đã triển khai được 521 dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong 5 ngành công nghiệp. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được qua thực hiện dự án là 180.000 tấn dầu tương đương và giảm được tổng lượng phát thải khí nhà kính là 740.000 tấn CO2.
Dự án PECSME đã làm tốt vai trò là chỗ dựa cho các DNNVV trong quá trình đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Điển hình như thay thế lò than để nung gốm, sứ Làng nghề Bát Tràng bằng lò ga đã tiết kiệm đến 30% năng lượng và khí thải của lò ga còn dùng để sấy khô sản phẩm; mặt khác còn giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trương mà lò than gây ra.
Đại diện doanh nghiệp giấy Anh Đức cũng chia sẻ, sau một năm dự án PECSME được thực hiện tại doanh nghiệp đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiện gần 100 triệu đồng
Bên cạnh đó, dự án đã bảo lãnh cho 50 dự án trị giá 32tỷ đồng để DN vay ; kết nối và hỗ trợ trên 25 tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Đây thực sự là nguồn động lực giúp các DNNVV có điều kiện nâng cao năng suất,chất lượng sản phẩm, góp phần không nhỏ vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường. đó là hướng đi đúng đắn mà PECSME đã lựa chọn.
Sẽ nhân rộng dự án
Một thực tế là nhiều DNNVV ở Việt Nam hiện nay vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, thủ công trong sản xuất và thiếu thông tin, đào tạo,dẫn đến tính trạng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh mà còn gây ra ô nhiễm môi trường.
Theo ông Trần Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ thì nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, may mặc, da giầy hiện nay đang rất muốn đổi mới công nghệ nhưng không có tiền. Việc dự án PECSME giúp họ đổi mới công nghệ không khác gì một chỗ dựa cho các doanh nghiệp trong tình hình như vậy. Việc tiếp tục thực hiện và mở rộng hơn nữa dự án là nhu cầu rất cần thiết cho các DNNVV.
Việc thực hiện thành công dự án mang lại 2 lợi ích quan trọng cho các DNNVV. Thứ nhất là tạo môi trường thuận lợi giúp các DNNVV đổi mới công nghệ và áp dụng kinh nghiệm quản lý tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ 2 là DNNVV đã trực tiếp thu được hiệu quả kinh tế tài chính, đó là việc giảm chi phí sản xuất từ 10-50% và nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đến 30%, đây là một con số rất đáng ghi nhận mà dự án mang lại. Dự án PECSME đã được UNDP đánh giá cao, ghi nhận là một dự án thành công nhất trong giai đoạn 2006-2010 và lá cờ đầu trong Chương trình quốc gia hợp tác giữa UNDP và Chính phủ Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Vinh,Gíam đốc điều hành dự án cho biết, đến 30/6/2011 dự án sẽ được tổng kết. Trong thời gian tới sẽ nhân rộng dự án để nhiều DNNVV tham gia, tạo điều kiện cho các DN này đổi mới công nghệ, tích luỹ kiến thức trong hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động, góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phương Hoàn |