|
|||
Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ đã tiếp thu rất tốt ý kiến Đại biểu Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 16/3. Tại Phiên họp này, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Theo Báo cáo Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) của đồng chí Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và thảo luận tại Hội trường trong Phiên họp thứ hai Quốc hội Khóa XIV về Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (Dự thảo Luật), Ban soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Cụ thể, về chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ: Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, 9 nội dung thể hiện tại Điều 4 đã tiếp thu, cập nhật, khái quát được tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh báo cáo tại Phiên họp. Bổ sung các chính sách về chuyển giao công nghệ từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động chuyển giao công nghệ; khuyến khích hợp tác công – tư để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp. Từ những quan điểm, định hướng chính sách đã nêu, các vấn đề cụ thể đã được xử lý triệt để tại nội dung của các Chương, Điều của Dự thảo Luật...(Theo Khám Phá 16/3). Ra mắt Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ngày 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức lễ công bố nghị quyết thành lập Hội đồng khoa học và phiên họp thứ nhất của hội đồng. Tiến sỹ (TS) Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội - làm Chủ tịch hội đồng. Hội đồng khoa học có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác xây dựng và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động KH&CN, điều hòa, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 349/NQ-UBTVQH14 ngày 28/2/2017, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành. (Theo báo Khoa học phát triển 17/3). Bổ sung cơ quan thanh tra nhà nước ngành Khoa học và Công nghệ Chính phủ vừa ban hành Nghị định 27/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 213/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ. Theo đó, bổ sung cơ quan thanh tra nhà nước ngành Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, ngoài thanh tra Bộ và thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Nghị định 27/2017/NĐ-CP bổ sung thêm cơ quan thanh tra nhà nước là: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cùng với việc bổ sung cơ quan thanh tra, Nghị định cũng bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây gọi là Chi cục), Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (sau đây gọi là Chi cục trưởng)... (Theo Vietq.vn 17/3). Sinh viên Việt Nam dự thi chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu Từ 16-19/3 tới, 9 đội tuyển sinh viên Việt Nam sẽ cùng tranh tài với khoảng 120 đội khu vực châu Á - Trung Đông trong cuộc thi Shell Eco-marathon năm 2017 tổ chức ở Singapore. Các đội Việt Nam tham dự bao gồm: Đội Haui Auto (Đại học Công nghiệp Hà Nội), đội CKD - FA và đội CKD - Edrive (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), đội HVCT (Trường Cao đẳng Kỹ nghệ TPHCM), đội CVCT3 (Trường Cao đẳng Nghề GTVT Trung ương 3, TPHCM), đội Auto UTC (Trường Đại học GTVT), đội LH - GOLD ENERGY và đội LH - EST (Đại Học Lạc Hồng) và đội IUH URBAN CONCEPT (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM). Các đội có thể đăng ký tham gia hạng mục xe “Mô hình cơ sở” (Prototype)- thiết kế đột phá dựa trên khí động học giúp tiết kiệm nhiên liệu tối đa hoặc “Mô hình đô thị” (UrbanConcept)- xe đô thị đáp ứng được yêu cầu thực tế về hiệu quả nhiên liệu của người lái. Mẫu xe của đội CKD - FA (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) giành giải Ba cuộc thi 2016. Các thiết kế tham dự cuộc thi cần vượt qua vòng kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt trước khi được tiến vào đường đua...(Theo Báo điện tử chính phủ 13/3). Sinh viên với cuộc thi tạo dựng thương hiệu khởi nghiệp Gameshow Vietnam IPChallenge 2017 – Đỉnh cao thương hiệu là cuộc thi do trường Đại học Ngoại Thương và Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức hằng năm. Đây là năm đầu tiên cuộc thi mở rộng quy mô ra toàn quốc. Vietnam IPChallenge 2017 là gameshow thực tế về thương hiệu dành cho tất cả sinh viên trên cả nước và sinh viên đã ra trường không quá 2 năm. Với chủ đề “Đỉnh cao thương hiệu”, các thí sinh tham gia sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tiễn và làm việc với doanh nghiệp đồng hành, giải quyết các tình huống liên quan đến Thương hiệu và Sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp đang gặp phải, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, các bạn sẽ được đào tạo kiến thức về thương hiệu và sở hữu trí tuệ từ đội ngũ chuyên gia. Cuộc thi sẽ diễn ra từ 15/3 -25/3/2017. Vòng trực tuyến sẽ diễn ra từ 15/3-30/3/2017. (Theo Khám phá 17/3).
Hà Trang (Tổng hợp)
|