Bản in
Kết nối kiều bào đổi mới sáng tạo và phát triển KHCN
Bài cuối: Tạo môi trường thuận lợi Theo số liệu thống kê, hiện có trên 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) làm việc trong nhiều lĩnh vực. Tới đây, việc liên kết, giao lưu giữa các chuyên gia trong cộng đồng NVNONN với nhau và giữa họ với các đồng nghiệp, đối tác trong nước cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa, để NVNONN có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước nói chung và cho KHCN, đổi mới sáng tạo nói riêng.

 Nguồn lực tri thức lớn từ Người Việt Nam ở nước ngoài

Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, NVNONN là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, có ảnh hưởng to lớn, nhiều mặt tới sự phát triển của cộng đồng cũng như quan hệ của cộng đồng với đất nước; được coi là một nguồn lực quý giá góp phần xây dựng đất nước. Theo những số liệu đã công bố, hiện có trên 4,5 triệu NVNONN thuộc nhiều thế hệ, trong đó khoảng 10% (400.000 người) có trình độ KHCN trên các lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước.

Chuyên gia, trí thức NVNONN làm việc trong nhiều lĩnh vực. Họ có mặt trong các trung tâm nghiên cứu khoa học, trường đại học, bệnh viện, tổ chức quốc tế, công ty xuyên quốc gia và các hãng sản xuất lớn trên thế giới như Google, Microsoft, Apple. Đội ngũ tri thức NVNONN có vai trò quan trọng, đã và đang đóng góp trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin - viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô, năng lượng, y học...

TS. Tạ Bá Hưng – Ban Quản lý Dự án FIRST cho biết, hiện có nhiều chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực đang làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, công ty xuyên quốc gia, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia NVNONN về nước tham gia giảng dạy, làm việc hàng năm không nhiều. Theo ông Hưng, nguyên nhân do thiếu sự liên kết, giao lưu giữa các chuyên gia trong cộng đồng NVNONN với nhau và giữa họ với các đồng nghiệp, đối tác trong nước. Thiếu thông tin về thực trạng, tiềm năng, nhu cầu thực sự của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, địa phương trong nước. Sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể trong thu hút và sử dụng chất xám của cộng đồng NVNONN còn bất cập. 

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào đóng góp cho đất nước

Thời gian tới, Bộ KHCN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hữu quan thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, kết nối chuyên gia trí thức kiều bào ở trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường việc chia sẻ tri thức hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chuyển giao công nghệ và đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển đất nước.

Trao đổi thân mật với các chuyên gia trí thức kiều bào, TS.Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KHCN cho rằng, đội ngũ các chuyên gia trí thức kiều bào có vai trò rất quan trọng là một trong những nguồn nhân lực KHCN nòng cốt của đất nước. Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việc thu hút, khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết của trí thức Việt Nam trên toàn cầu, huy động nguồn chất xám này kết hợp với nguồn chất xám trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, đặc biệt chia sẻ thông tin và tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách về KHCN là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa.

Năm 2016, Bộ KHCN đã triển khai nhiều sáng kiến và đã thu được một số kết quả ban đầu, như thông qua tiểu hợp phần "Chuyên gia giỏi nước ngoài về KH, CN và đổi mới sáng tạo, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài" thuộc Dự án Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (Dự án FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã kết nối được trên 540 chuyên gia giỏi nước ngoài, trong đó có khoảng 250 chuyên gia, trí thức kiều bào đang làm việc và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong cả nước. Bộ KHCN cũng đã phê duyệt đề án "Xây dựng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới".

Theo ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST, hiện Bộ KHCN và Ngân hàng Thế giới đã và đang xem xét tài trợ một cách đồng bộ để triển khai nhiều đề xuất của các viện, trường mời các chuyên gia nước ngoài trong đó có một nửa là các chuyên gia NVNONN hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ. Đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, bởi những vấn đề các viện, trường, doanh nghiệp mời các chuyên gia NVNONN về cùng giải quyết là những vấn đề ở trong nước chưa thực hiện được. Kết quả của các đề xuất này là ra những sản phẩm có tính mới, tính thị trường, thương mại hóa cao.

Có thể kể đến một số đề xuất/dự án như PGS.TS Phạm Công Kha, kiều bào hiện công tác tại Đại học Điện tử - Viễn thông, Tokyo, Nhật Bản được mời về giúp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh triển khai đề xuất “Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng”; PGS. TS Trần Tất Đạt hiện đang công tác tại Đại học Canberra, Úc được mời về giúp Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát An ninh mạng triển khai đề xuất “Nghiên cứu ứng dụng tín hiệu sóng não trong an toàn thông tin, ứng dụng cho các hệ thống mạng công nghệ thông tin tại Việt Nam”.

Hay nhóm các chuyên gia trí thức NVNONN từ 4 nước Canada, Pháp, Mỹ, Úc như GS.TS Lê Ngọc Thọ, trường Đại học McGill Canada; PGS.TS Nguyễn Văn Tâm, trường Đại học UC Berkeley Mỹ; TS. Duy Trong Ngo, trường Đại học Newcastle tại Úc; TS. Huu Nghi Tran, trường Đại học Akron Mỹ sẽ được mời về giúp trường Đại học Đà Nẵng triển khai đề xuất “Truyền dẫn với hiệu quả phổ tần cao trong mạng di động băng rộng thế hệ mới: Phát triển kỹ thuật và mạng lưới hợp tác”. Trong năm 2016, Bộ KHCN cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới”.