Bản in
Dành trọn tình yêu cho khoa học
Niềm vinh dự lớn đã đến với tập thể nữ cán bộ gồm 5 phó giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Khoa học Vật Liệu, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam. Nhân dịp kỉ niệm ngày 8/3/2017, tập thể nữ cán bộ đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia cho những cống hiến và thành tích xuất sắc đã đạt được.

Họ là một trong số ít tập thể nhà khoa học nữ miệt mài nghiên cứu trong lĩnh vực vực vật lý-hóa học- khoa học vật liệu, đặc biệt là nghiên cứu các vật liệu mới ở kích thước nano mét (nm) với các tính chất quang đặc biệt, phục vụ cho các ứng dụng trong thực tiễn khác nhau, như y-sinh, nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng và dầu khí.

Trọn đời cho khoa học

Dành trọn cả cuộc đời của mình với những công trình nghiên cứu khoa học, ngay từ những chặng đường đầu, các chị đã đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng cho các sản phẩm khoa học của mình. Các chị luôn luôn hướng các hiểu biết và nghiên cứu cơ bản vào lĩnh vực ứng dụng thực tế ở Việt Nam. Với các nghiên cứu về công nghệ sản xuất vật liệu nano, phần lớn đều nhắm tới các ứng dụng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, y- sinh và dược học. 

PGS.TS. NCVCC. Phạm Thu Nga, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: Nhóm là một trong những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp sol-gel và hóa ướt, để chế tạo, sản xuất ra các loại bột kích thước nano mét (nm). Đó là bột phát quang kích thước vài nano mét, các nano tinh thể các chất bán dẫn nhóm II-VI, kích thước nano mét, các hạt nano tinh thể TiO2, ZnO. Chúng tôi đã nghiên cứu tính chất cấu trúc, tính chất quang và ứng dụng của các loại hạt nano tinh thể này. 

Đặc biệt, các chị là những nhà khoa học nữ đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về các vật liệu bột phát quang chứa các ion đất hiếm, phục vụ cho việc sản xuất đèn ống huỳnh quang tiên tiến hiệu suất cao, phát ánh sáng trắng, sử dụng tiết kiệm bột phát quang, nhờ kết hợp phát xạ ba mầu của ba loại ion đất hiếm. Các chị cũng đã tập trung nghiên cứu các vật liệu này, nhằm cho việc sản suất đèn huỳnh quang phát trong các vùng phổ tử ngoại dùng cho các bẫy đèn diệt côn trùng, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các vật liệu nano kim loại hay còn gọi là vật liệu plasmonic, các hạt nano silica SiO2 chứa tâm mầu đã được các chị nghiên cứu phát triển, cũng là đầu tiên ở Việt Nam. Các hạt nano vàng, bạc dạng keo có kích thước từ vài đến hàng trăm nano mét với các hình dạng cầu, thanh, đĩa dẹt, dạng sao v.v…, các hạt nano đa thành phần cấu trúc lõi/vỏ, cũng như các hạt nano silica chứa tâm mầu hữu cơ đã được chế tạo với mục đích ứng dụng trong y-sinh học. 

Ngoài ra, các chị đã phát triển mạnh nghiên cứu về các phương pháp và thiết bị quang tử. Hệ kính hiển vi huỳnh quang đồng tiêu quét laser đã được các chị cùng các đồng nghiệp phát triển lần đầu tiên ở Việt Nam. Hệ kính cho phép chụp cắt lớp và dựng ảnh 3D tế bào và mô sống, là công cụ đắc lực trong nghiên cứu sinh học và chẩn đoán y học. 

PGS.TS.NCVCC. Vũ Thị Bích, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: trong tập thể 5 nhà khoa học nữ, chị Nguyễn Phương Tùng là người rất tích cực nghiên cứu xây dựng các hệ sản phẩm đặc thù cho ngành dầu khí: chất hạ điểm đông, cải thiện tính lưu biến cho dầu thô paraphin, chất ức chế sa lắng muối… Các nghiên cứu ứng dụng các hạt nano biến tính bề mặt để xử lý ô nhiễm nước cũng được chị thực hiện rất tích cực. Đặc biệt, chị đã xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các hợp chất, trong đó có các hợp chất cấu trúc nano, trong công nghiệp dầu khí nhằm nâng cao khả năng thu hồi dầu, nâng cao hiệu quả khai thác và an toàn ngoài giàn khai thác dầu khí. 

Bằng niềm đam mê cháy bỏng và một nghị lực phi thường, các chị đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn cá nhân, các chị đã dùng số kinh phí thu được trong quá trình thực hiện các đề tài dự án và hợp đồng nghiên cứu thử nghiệm, để xây dựng phòng thí nghiệm. Ví dụ chị Nguyễn Phương Tùng đã tự trang bị thiết bị máy móc trong phòng thí nghiệm giá hơn 5 tỷ đồng phục vụ nghiên cứu và đào tạo. Chị Trần Hồng Nhung đã thực hiện thành công 02 đề tài cấp nhà nước, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị hiển vi laser quét đồng tiêu hiện đại” mang lại cho phòng thí nghiệm thiết bị hiện đại với giá trị 10 tỉ đồng.

Lựa chọn con đường làm khoa học nhiều chông gai và thách thức, nhưng nhờ có niềm đam mê, dám nghĩ, dám làm, say mê với khoa học, đã giúp các chị gặt hái được nhiều thành công như ngày hôm nay. Các chị là tác giả và đồng tác giả của khoảng 636 bài viết công bố trong các tạp chí quốc tế, trong danh mục ISI, trong các tạp chí có uy tín trong nước, trong các tuyển tập báo cáo toàn văn của hội nghị quốc tế và quốc gia. Trong đó có khoảng 120 bài đăng trên tạp chí quốc tế và có trong danh mục ISI.

Thắp lửa đam mê

Không chỉ dành đam mê cho nghiên cứu khoa học, các chị còn tích cực tham gia công tác đào tạo, giảng dạy. Trí tuệ và hiểu biết của các chị đã được truyền cho thế hệ trẻ tiếp sau qua thành tích về đào tạo. Các chị đã tham gia tích cực vào việc giảng dậy cho sinh viên trình độ đại học, học viên cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Đã có 20 tiến sĩ bảo vệ thành công luận án của mình dưới sự hướng dẫn của các chị, 6 NCS đang làm nghiên cứu với các chị sẽ bảo vệ trong các năm tới. Một số trong các tiến sĩ này, khi quay về cơ quan công tác, là các trường Đại học của các vùng miền khác nhau, đã trưởng thành và trở thành phó giáo sư. 

Đặc biệt, PGS.TS.NCVCC. Vũ Thị Bích đã tham gia tích cực vào việc xây dựng và điều hành đề án phối hợp đào tạo tiến sĩ đa ngành giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với Viện INRS – Canada (2006- 2012) và đưa được gần 30 bạn trẻ sang Canada học tập.

Tuy rất bận rộn trong công tác nghiên cứu, nhưng các chị đều tham gia tích cực vào công tác giảng dạy trong các trường đại học cho sinh viên ở trình độ đại học và thạc sĩ. Các chị là các giảng viên thỉnh giảng cho các trường đại học và học viện trong nước. Ngoài ra, các chị còn được mời làm giảng viên - nhà khoa học, tham gia Hội đồng chấm luận án hoặc đồng hướng dẫn NCS, tại một số trường đại học lớn ở nước ngoài như Đại học Bordeaux, Ecole Centrale de Paris, Đại học Pierre et Marie Curie, Đại học Paris 7 (Pháp), Ý, Đức, Mỹ… 

Nói về các thành viên trong nhóm, PGS.TS. NCVCC. Phạm Thu Nga chia sẻ: trong nhóm nghiên cứu, các chị rất tâm huyết làm việc trong mọi hoàn cảnh, rất tự giác và nhiệt tình. Tất cả các thành viên trong tập thể đều đã tự mình xây dựng nhóm, hướng nghiên cứu của mình với tinh thần tự lực cánh sinh, tự tìm các nguồn lực khác nhau để trang bị phòng thí nghiệm và đào tạo nhân lực, nỗ lực không ngừng để hướng nghiên cứu phát triển, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, viện nghiên cứu. Đây thực sự là “tính cách đặc biệt” của tập thể được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2016. Mặc dù đã ở tuổi hưu trí nhưng cả tập thể vẫn tiếp tục các công việc nghiên cứu và giảng dạy, các chị vẫn được giao chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, NAFOSTED, tiếp tục đóng góp cho nền khoa học nước nhà.

Bên cạnh công tác chuyên môn các chị đều luôn cố gắng nuôi dưỡng, giáo dục con cái thành người có ích cho xã hội.Trong suốt nhiều năm làm việc, các chị đều là các trụ cột, chỗ dựa tinh thần của gia đình và tập thể khoa học. 

Đăng Minh