Bản in
Tìm hướng đi cho đổi mới sáng tạo trong thương mại hóa công nghệ
Thương mại hoá công nghệ là một khâu quan trọng trong việc đưa kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này ở Việt Nam còn hạn chế đặc biệt là khâu đổi mới sáng tạo trong thương mại hóa.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Mỗi năm có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguồn kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích đến từ các nhóm đơn lẻ, cá nhân, thường được biết đến với cái tên “sáng chế nông dân”. Nhiều kết quả nghiên cứu thuộc nhóm này có tiềm năng ứng dụng lớn vì nó xuất phát từ bài toán thực tiễn sản xuất. Đây là nguồn tài sản trí tuệ rất lớn đóng góp vào nguồn các kết quả nghiên cứu, sáng chế phục vụ khai thác thương mại, phát triển sản xuất ở nước ta.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp tiêu biểu được hỗ trợ thương mại hóa thành công như: Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng đông, Công ty Cơ khí Quang Trung Ninh Bình, các sản phẩm của các Viện Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam như Các sản phẩm Nano Bạc, Nano Curcumin, các sản phẩm xử lý môi trường…

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay tỉ lệ thương mại hóa thành công của những kết quả nghiên cứu trong nước vẫn chưa cao. Theo ông Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, các nhà khoa học nhà sáng chế của Việt Nam được đào tạo khá sâu và bài bản về công nghệ nhưng có phần thiếu thực tiễn, mặt khác họ chưa có tinh thần doanh nhân trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nghĩa là chỉ nghiên cứu những thứ có sẵn trong tư duy chứ chưa phải là sản phẩm xã hội đang cần hay nói cách khác có thể bán được lấy tiền.

Bên cạnh đó, chúng ta đang rất thiếu các phòng thí nghiệm, các trung tâm hỗ trợ sản xuất thử để các nhà nghiên cứu sáng chế có thể sử dụng các máy móc thiết bị để hoàn thiện sản phẩm của mình.

Ngoài ra, các nhà đầu tư chưa hiểu và chưa quan tâm đúng mức tới đầu tư thương mại nghĩa là không có tiền đầu tư thích hợp cho các nhà nghiên cứu sáng chế có đủ máy móc thiết bị tiền bạc để hoàn thành đứa con tinh thần của mình từ đó dẫn đến thất bại nên ít người dám dấn thân vào lĩnh vực này. 

“Có nhiều người làm ĐMST phải bán cả nhà đi nhưng do không quen quản lý tài chính, kế hoạch, bán hàng nên cũng bị thất bại mà không thể đưa được sản phẩm ra thị trường được. Có một số người nghiên cứu tự do lại đi nghiên cứu lại ví dụ sản xuất máy bay, tầu ngầm, cái đó sẽ không cho kết quả cuối cùng cho thị trường được”, ông Nguyễn Văn Trúc nhấn mạnh.

Tuy vậy, có một số người sáng chế tự do không chuyên thì đã rất thành công do nắm bắt được nhu cầu xã hội và có quan hệ tốt với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nên sản phẩm bán tốt trên thị trường và lại có tiền để hoàn thiện nâng cấp các vòng đời tiếp theo để sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Cần tìm giải pháp đồng bộ

Theo ông Trần Lương Sơn, chuyên gia Viện công nghệ Massachuseetts – MIT, tại nước có nền KH&CN phát triển như nước Mỹ thì những sáng chế khoa học được coi trọng, được pháp luật bảo vệ chặt chẽ. Các nhà sáng chế được trân trọng, họ có những quyền lợi xứng đáng. 

“Ở Việt Nam cần có cơ chế cho các nhà sáng chế để làm sao hài hòa quyền lợi giữa các nhà bảo trợ và người sáng chế thì chắc chán sẽ có một cuộc bùng nổ về sáng chế và lúc đó thương mại hóa sản phẩm khoa học sẽ rất dễ dàng” - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Đằng Trần - chuyên gia Viện công nghệ Massachuseetts – MIT, vấn đề cốt lõi của việc thương mại hóa công nghệ tại Việt Nam thành công là việc thay đổi tư duy của những người làm khoa học, người làm khoa học không chỉ có tư duy của  nhà khoa học mà còn phải có tư duy của một doanh nhân. Phải luôn có những câu hỏi “tại sao?” trong quá trình nghiên cứu thì những gì sáng tạo ra mới phục vụ tốt cho cộng đồng.

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Trúc nhấn mạnh, để thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ hay hoạt động đổi mới sáng tạo thành công cần quan tâm đúng mức tới 6 trụ cột chính của thị trường công nghệ. Về phía nhà nước cần có chính sách thiết thực và phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tiễn của đất nước. Đầu tư hạ tầng và kinh phí hỗ trợ thích đáng để xây dựng những mô hình, quy trình thành công sau đó nhân rộng. Xây dựng một số Trung tâm có trang bị các thiết bị dùng chung cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu sản xuất thử. Vì các thiết bị sản xuất thử và kiểm tra chất lượng có thể phải đầu tư kinh phí lớn mà hiệu suất sử dụng không nhiều dẫn đến lãng phí và các doanh nghiệp, viện, trường không đủ vốn để đầu tư. 

Viện nghiên cứu, trường đại học cần tăng cường đào tạo và định hướng tư duy doanh nhân trong nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đào tạo các khóa trong và ngoài nước, nghiên cứu thực tiễn các mô hình thành công để áp dụng phù hợp theo thực tiễn. Nghiên cứu các sản phẩm doanh nghiệp và xã hội cần. Doanh nghiệp đào tạo các kiến thức kỹ năng về đầu tư mạo hiểm, định hướng tầm nhìn chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm mới. 

Nhà Đầu tư, Quỹ đầu tư cần xây dựng chính sách phù hợp và thực tiễn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội tham gia thị trường đầu tư mạo hiểm để đảm bảo huy động được nguồn vốn đầu tư và đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất cho nhà đầu tư. Để gọi vốn của nhà đầu tư thì cần có chính sách thu hút họ, đảm bảo tối đa hóa lợi ích trong đó lợi nhuận đôi khi đặt lên hàng đầu đó là lãi suất cao và dễ thoái vốn cho các vòng đầu tư các dự án tiếp theo.

Xây dựng và tổ chức vận hành các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ đạt hiệu quả cao nhất, là địa chỉ tin cậy của các đối tượng cung công nghệ và cầu công nghệ. Đặc biệt phải xây dựng được cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, viện, trường và các chuyên gia, nhà môi giới. Đào tạo được các chuyên gia tư vấn, chuyên gia môi giới chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp. 

Việt Nam tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới do, đó nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh cao, để cạnh tranh được thì các sản phẩm phải mang hàm lượng KH&CN cao. Trong thời gian tới, các nhà khoa học cần thay đổi tư duy, nâng cao tinh thần sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm KH&CN có trình độ cao, giải quyết các thách thức của quốc gia, thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao công nghệ.

Bài ảnh: Đăng Minh