|
|||
Các dự án sẽ được hỗ trợ tối đa từ 30-70% tổng kinh phí đầu tư. Chính sách này đã thúc đẩy nhiều nghiên cứu thành các sản phẩm cụ thể từ đó nâng cao khả năng ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng kết quả của các dự án. Thời gian quan, trong Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước đã có một số dự án sản xuất thử nghiệm tiêu biểu, được triển khai khá hiệu quả. Sản xuất máy biến áp đạt tiêu chuẩn quốc tế Trong hệ thống truyền tải điện năng, máy biến áp có tầm quan trọng như trái tim của hệ thống, có nhiệm vụ nâng áp và hạ áp trên đường truyền. Chỉ cần một máy biến áp 220 KV gặp sự cố có thể dẫn đến mất điện của cả 1 tỉnh thành. Do đó để đảm bảo an toàn và an ninh lưới điện, từ năm 2013 Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh đã đăng ký với Nhà nước thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện thiết kế và quy trình công nghệ để chế tạo máy biến áp 220 KV đạt tiêu chuẩn IEC 60076” thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.06. Đây là một dự án sản xuất táo bạo, bởi lần đầu tiên một đơn vị sản xuất máy biến áp trong nước đặt mục tiêu sản xuất các máy biến áp đạt tiêu chuẩn quốc tế . Mục tiêu cơ bản của dự án này là thiết kế, chế tạo các máy biến áp 220 KV có thể vượt qua bài kiểm tra ngắn mạch của tổ chức ASTA, một trong 4 đơn vị độc lập có thẩm quyền cấp chứng nhận tiêu chuẩn IEC 60076 cho các máy biến áp trên toàn thế giới. Anh Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Ban thiết kế Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh cho biết, trong quá trình thực hiện theo tiêu chuẩn IC60076, trước khi được thử nghiệm ngắn mạch các máy biến áp đều được thử nghiệm tất cả các thông số kỹ thuật thông thường. Sau đó, máy được kiểm tra lại các thông số, nếu đạt sẽ được ASTA cấp chứng nhận. Khi làm việc ở hiệu đện thế cao hàng trăm ngàn vôn, các thiết bị phải được chế tạo theo tiêu chuẩn rất ngặt nghèo. Do đó để vượt qua được bài kiểm tra của ASTA từ khâu thiết kế cho đến sản xuất, chế tạo máy biến áp 220KV đều được thực hiện một cách cẩn trọng dưới sự giám sát của các cán bộ kỹ thuật của ASTA. Ngoài đầu tư chất xám với cường độ cao, Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh phải mua sắm thêm nhiều thiết bị hiện đại nhập khẩu với giá thành cao mà đơn vị khó có thể mua được nếu như không có khoản đầu tư từ dự án thử nghiệm của ngân sách. Ông Nguyễn Quang Tuệ chia sẻ, để thực hiện dự án này, Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh phải đầu tư rất nhiều các máy móc mới, ví dụ như một số máy chính như máy cuốn dây trụ đứng, hệ thống lò sấy, hệ thống máy ép thủy lực. Nhà nước hỗ trợ rất nhiều kinh phí để Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh có thể mua sắm các máy móc này và có kinh phí để đi thử nghiệm. Sau hai năm thực hiện dự án, đến năm 2015 máy biến áp 220KV của Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh được đưa sang Anh thử nghiệm và vượt qua bài kiểm tra của ASTA thành công. Kể từ đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á có thể tự sản xuất máy biến áp 220KV theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Ông Lê Văn Điển, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh cho biết, từ khi triển khai đề tài thành công, cho đến này đã đưa vào lưới điện hàng trăm máy biến áp truyền tải 110-220KV. Tất cả các máy biến áp sau khi thực hiện dự án xong chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. Việc sản xuất nội địa thành công máy biến áp đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, quan trọng hơn Dự án đã góp phần nâng cao an toàn, an ninh lưới điện phục vụ công tác phát triển kinh tế cũng như bảo vệ an ninh quốc phòng của Tổ quốc. Đây là những giá trị rất cụ thể mà chủ trương đầu tư cho cá dự án sản xuất thử nghiệm thành công đã mang lại. Đưa sản phẩm hữu ích vào đời sống Bên cạnh các dự án có tầm quan trọng đặc biệt với quốc gia thì nhiều dự án sản xuất thử nghiệm khác đã góp phần đưa sản phẩm hữu ích nhanh chóng vào sản xuất phục vụ đời sống dân sinh đó là trường hợp của Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ và thiết kế chế tạo một số thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng” Mã số DAĐL -2011/06 – Dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC 07 do TS. Dương Văn Tài cùng với các cộng sự thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện. Chiếc máy chữa cháy rừng có trọng lượng 20kg, sử dụng động cơ lâm nghiệp chuyên dụng và quạt cao áp để tạo ra luồng gió mạnh, từ đó làm loãng oxy trong không khí, cô lập và dập tắt đám cháy. Ngoài phiên bản dập lửa bằng không khí máy còn có phiên bản chữa cháy sử dụng đất cát. Với phiên bản này máy có thể dập tắt các đám cháy trên cây ở độ cao lên tới 4m.
Sản xuất thử nghiệm thiết bị chữa cháy rừng TS. Dương Văn Tàicho hay, không khí nếu ta thổi lưu lượng không đủ áp lực thì lại làm cho ngọn lửa cháy to lên, nhưng nếu chúng ta thổi vào đám cháy với một áp lực nhất định thì không khí có tác dụng làm loãng nồng độ chất cháy ra rồi hạ nhiệt độ của đám cháy xuống và phân cách nguồn nhiệt ra giữa nguồn nhiệt với chất cháy thì đám cháy được dập tắt. Được biết, các máy chữa cháy rừng được TS. Dương Văn Tài bắt đầu nghiên cứu từ năm 2006, đến năm 2011 nhờ nguồn kinh phí đầu tư từ dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, TS. Dương Văn Tài bắt đầu tiếp cận thị trường và sản phẩm máy chữa cháy rừng đã nhanh chóng được đón nhận. Chia sẻ về vấn đề này, GS.TSKH. Phạm Văn Hùng, Tổng Giám đốc Trung tâm Cơ điện Nông nghiệp và Ngành nghề nông thôn cho biết, nói chung ở cá làng xã, các vùng có nhiều rừng thì nên ứng dụng máy này bởi nó dễ chế tạo, dễ ứng dụng, và người ứng dụng phổ cập. Trong thời gian tới, sản phẩm máy chữa cháy rừng sẽ tiếp tục được TS. Dương Văn Tài cải tiến và đóng góp cho người dân, đặc biệt là những người trồng rừng một công cụ hiệu quả để bảo vệ tài sản và an toàn tính mạng của mình. Hiện đại hóa quy trình công nghệ Nếu như nhiều dự án sản xuất thử nghiệm hướng tới mục tiêu tạo ra các máy móc, thiết bị mới thì một số dự án sản xuất thử nghiệm thành công khác lại đặt mục tiêu cải tiến, hiện đại hóa những quy trình đã có để mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là những quy trình mang giá trị truyền thống. Đó là trường hợp dự án nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất rượu gạo truyền thống của TS. Nguyễn Thị Việt Anh thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC07. Dự án này được xây dựng trên cơ sở xu hướng của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới trong việc công nghiệp hóa các sản phẩm truyền thống theo hướng sản xuất an toàn để loại bỏ các yếu tố không có lợi đối với sức khỏe mà quá trình sản xuất thủ công không thể loại bỏ. TS. Nguyễn Thị Việt Anh, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ lên men, Viện Công nghệ thực phẩm cho hay, Việt Nam có lịch sử lâu đời về các sản phẩm truyền thống mà hiện nay vẫn đang loanh quanh ở chuyện sản xuất có nhiều mối nguy trong đó. Đó là câu hỏi đau đáu đối với các cán bộ khoa học của Viện Công nghệ thực phẩm. Do vậy, Viện Công nghệ thực phẩm đã mạnh dạn đặt đầu bài đó với Bộ KH&CN và được Bộ ủng hộ nhiệt tình.
Hiện đại hóa quy trình công nghệ để mang lại hiệu quả cao hơn đặc biệt là những quy trình mang giá trị truyền thống Sau 10 năm nghiên cứu, kể từ năm 2006, TS. Nguyễn Thị Việt Anh cùng các cộng sự mới hoàn thiện được quy trình sản xuất đồ uống lên men truyền thống, trong đó kết quả nổi bật nhất là sản xuất được chế phẩm nấm mốc có độ thuần chủng, hoạt lực cao dùng trong lên men,có thể cung cấp với số lượng lớn và chất lượng ổn định để sản xuất trên quy mô công nghiệp. Ông Trịnh Quốc Thuân, Trưởng bộ phận công nghệ chế biến, Công ty Cổ phần rượu bia nước giải khát Aroma cho biết, với quy trình này đưa vào nguyên liệu vào men mốc thuần chủng nên trong quá trình làm mốc và lên men không bị nhiễm tạp nên chất lượng sản phẩm ổn định, không nhiễm độc tố như những loại rươu bà con hay nấu. Kết quả của dự án đã mở ra một hướng kinh doanh mới với các sản phẩm đồ uống lên men truyền thống với tính ổn định về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi vẫn giữ được chất lượng cảm quan tương tự như sản phẩm truyền thống. Qua một số dự án sản xuất thử nghiệm thành công kể trên có thể thấy sản phẩm nghiên cứu khoa học khi được áp dụng vào thực tiễn có thể mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cũng như tạo động lực để thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Vì vậy sự tồn tại của các chủ trương đầu tư đẩy nhanh tốc độ ứng dụng sản phẩm như các dự án sản xuất thử nghiệm là đúng đắn và rất cần thiết. Chủ trương này là một giải pháp hữu hiệu để kích thích tinh thần sáng tạo của các nhà khoa học và góp phần đưa KH&CN Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp với thế giới. Bài, ảnh: Bảo Chi
|