Bản in
Thu hút đầu tư có chất lượng bằng giá trị riêng
Với mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đang kiên trì xây dựng một “giá trị riêng” với ưu đãi hấp dẫn, chính sách thông thoáng và thủ tục đơn giản, minh bạch nhằm thu hút những nhà đầu tư thực sự chất lượng. Đó là những chia sẻ của ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc với PV.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết hiện nay tiến độ phát triển Khu CNC Hòa Lạc đang ở giai đoạn nào?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Được thành lập năm 1998, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với không ít khó khăn và thách thức, đồng thời được điều chỉnh bởi các cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật biến động qua nhiều thời kỳ, song cho đến nay mục tiêu và định hướng phát triển Khu CNC Hòa Lạc cơ bản vẫn được giữ vững như khi thành lập, đó là xây dựng thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, một yếu tố quan trọng để trở thành đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Với mục tiêu như vậy, Khu CNC được định hướng phát triển đầy đủ các phân khu: đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; nghiên cứu phát triển công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; và cuối cùng là công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đến trước năm 2016, Khu CNC Hòa Lạc vẫn tập trung chủ yếu nguồn lực vào giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đã khiến trong giai đoạn vừa qua Khu CNC Hòa Lạc bỏ lỡ những cơ hội có thể phát triển nhanh.

Năm 2016 là một điểm mốc quan trọng đối với Khu CNC Hòa Lạc. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đối với lĩnh vực KH&CN nói chung và khu CNC nói riêng, sự phát triển về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực Hòa Lạc và đặc biệt là sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng của kinh tế trong nước trong thời gian gần đây đã giải quyết được phần lớn những khó khăn của giai đoạn trước, tạo nền tảng cho Khu CNC Hòa Lạc chuyển sang giai đoạn phát triển mới: tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ.

Vậy Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (BQL) sẽ triển khai những giải pháp cụ thể gì để đáp ứng được nhu cầu của giai đoạn phát triển mới đó?

BQL hiện đang tiến hành song song việc xây dựng hạ tầng hiện đại, thông minh và xây dựng “giá trị riêng” của mình. Cụ thể: BQL sẽ công bố Quy trình, thủ tục đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc; Lộ trình và kế hoạch xúc tiến đầu tư cho giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Quy hoạch xây dựng Khu CNC Hòa Lạc để đảm bảo thủ tục đơn giản, rõ ràng, minh bạch, hướng tới chuyên nghiệp trong quản lý các dự án đầu tư, đồng thời bám sát chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các đối tác Nhật Bản thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc bằng nguồn vốn ODA với khoảng 300 triệu đô la Mỹ của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; tiến hành xây dựng các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư; chính sách ưu đãi về thu nhập và điều kiện làm việc để thu hút các nhà khoa học và các nhà phát triển công nghệ xuất sắc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu, phòng thí nghiệm;

Các doanh nghiệp CNC đầu tư vào Khu CNC được hưởng những lợi thế gì?: Trong thời gian tới, khi Chính phủ thông qua Nghị định về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào khu công nghệ cao sẽ có nhiều thuận lợi. Bên cạnh hạ tầng chất lượng cao, hiện đại, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và quy trình thủ tục công khai minh bạch, các doanh nghiệp CNC tại Khu CNC Hòa Lạc sẽ được hoạt động trong không gian kết nối, một khu vực kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cung cấp dịch vụ về tư vấn và chuyển giao công nghệ, nhiều trường đại học đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, uy tín. Đây là những ưu thế của các doanh nghiệp công nghệ tại Khu CNC Hòa Lạc khi so sánh với các khu vực kinh tế khác.

Bên cạnh đó, BQL tiếp tục xây dựng và phát triển khu vực dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công nghệ cao tại Khu CNC Hòa Lạc.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề đảm bảo quy trình thủ tục thông thoáng, rõ ràng, minh bạch cho nhà đầu tư, ví dụ như giải pháp xóa bỏ tư tưởng “xin cho” trong thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư?

Thay đổi thủ tục cấp phép đầu tư là một điểm nhấn lớn. Trước năm 2010 nhà đầu tư phải tự viết hồ sơ dự án, còn ban quản lý chỉ hướng dẫn thủ tục và tiếp nhận hồ sơ. Công đoạn này thường rất mất thời gian do đa số các doanh nghiệp không có kinh nghiệm làm thủ tục hành chính nhà nước. Đến năm 2010, khi nộp hồ sơ xin đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc thì các doanh nghiệp không phải viết hồ sơ nữa, mà ban quản lý dự án và các công ty phát triển hạ tầng trực tiếp viết dự án cho nhà đầu tư (nhà đầu tư cung cấp số liệu, nội dung của dự án). Đây là sự thay đổi được các nhà đầu tư đánh giá là hết sức hữu ích.

Vậy tiêu chí thu hút các doanh nghiệp công nghệ vào đây có những đặc điểm gì?

Để đảm bảo mục tiêu phát triển đúng định hướng của Khu CNC Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học, chúng tôi phải tập trung thu hút những nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao theo quy định, có năng lực về công nghệ và tài chính, thay vì nỗ lực “lấp đầy”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao xuất sắc của nước ngoài đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Đây là những tổ chức sẽ đồng hành cùng Khu CNC Hòa Lạc phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Hiện nay mức đầu tư từ các dự án hiện hành tại Khu CNC Hòa Lạc tương đương khoảng 13 triệu đô la Mỹ/ha. Đây là con số đáng khích lệ để chúng tôi hướng tới giai đoạn sau 2018, mức đầu tư trung bình đối với mỗi ha đất tại Khu CNC Hòa Lạc đạt trên 20 triệu đô la Mỹ.

Hiện mức đầu tư từ các dự án hiện hành tại Khu CNC Hòa Lạc tương đương khoảng 13 triệu đô la Mỹ/ha. Giai đoạn sau 2018, mức đầu tư trung bình đối với mỗi ha đất tại Khu CNC Hòa Lạc sẽ đạt trên 20 triệu đô la Mỹ.

Hiện Khu CNC đã sẵn sàng tới đâu để thu hút các nhà đầu tư và phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo đúng mục tiêu đặt ra?

Theo đánh giá hiện nay, dự án phát triển cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thành đúng tiến độ để đến cuối năm 2018, Khu CNC Hòa Lạc có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao và hiện đại, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu cao của các tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài đang nghiên cứu đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.

Khu vực Giáo dục và Đào tạo cũng đã được lấp đầy với nhiều trường đại học và tổ chức đào tạo theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng tại đây như trường Đại học Việt Nhật, trường Đại học Việt Pháp...

Về hạ tầng xã hội, tại Khu CNC Hòa Lạc, một số cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc tế và một số dịch vụ xã hội đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhằm tạo môi trường tốt nhất để con em chuyên gia và người lao động có thể yên tâm học tập và làm việc. Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đã bố trí tuyến xe bus đi lại giữa Trung tâm thành phố và Khu CNC Hòa Lạc và trong thời gian tới sẽ thí điểm hệ thống xe bus nhanh BRT (tuyến Kim Mã – Khu CNC Hòa Lạc) để hỗ trợ cho hoạt động của người lao động làm việc, học tập tại đây. Trong năm 2017, các dự án về nhà ở, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế... cũng sẽ được triển khai để bắt đầu từ 2018, khi hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng và hoàn thiện, thì các dịch vụ hành chính, dịch vụ xã hội cũng sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Ông có thể cung cấp một số thông tin về kết quả hoạt động thu hút đầu tư trong năm 2016?

Trong năm 2016, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chín dự án trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, cung cấp dịch vụ,... với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.330 tỷ đồng trên tổng diện tích 15,23 ha. Như vậy, tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã có 78 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 346,5 ha, trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người đang làm việc và học tập trong Khu CNC Hòa Lạc. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả mặc dù hạ tầng còn chưa hoàn chỉnh. Ví dụ điển hình là Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Qua đó, có thể thấy tiềm năng thu hút doanh nghiệp CNC chất lượng là rất lớn.

Khi Dự án phát triển cơ sở hạ tầng được hoàn thiện vào năm 2018, tin tưởng rằng, Khu CNC Hòa Lạc sẽ phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, thu hút được nhiều dự án đầu tư có năng lực về công nghệ và tài chính.  

Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ