|
|||
Ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao Ngành nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ trong những năm qua. Trong 3 năm qua, xuất khẩu của ngành nông nghiệp trung bình mỗi năm đạt 29,5 tỷ USD. Riêng xuất khẩu từ trồng trọt đạt trung bình 14 tỷ USD/năm. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, những kết quả đó có được là nhờ ứng dụng những công nghệ mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Từ quá trình tạo và chọn giống, đến quy trình sản xuất nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch... đều đã có những bước tiến mới. Tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công việc như làm đất, tưới tiêu, tuốt lúa ngày càng tăng; công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cũng được phát triển mạnh. Qua đó đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, KH-CN giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự tăng trưởng nông nghiệp. Quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại, giúp giảm tỷ lệ nhập khẩu giống từ 70% xuống chỉ còn 30%. Các tiến bộ KH-CN đã đóng góp 30% - 40% vào sự tăng trưởng của ngành này và đang hướng đến mục tiêu 50% vào năm 2020. Chính nhờ ứng dụng, triển khai sâu rộng KH-CN trong nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, với kim ngạch đạt 32,1 tỷ USD trong năm 2016. Việc phát triển ngành nông nghiệp, nhất là một nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện là ưu tiên hàng đầu. Một nền nông nghiệp công nghệ cao được hình thành và phát triển không thể đứng ngoài quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, cần có cách nhìn mới và chiến lược tổng thể cho lĩnh vực này. Tại hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần phải đảm bảo mọi người nông dân, bất kể vùng miền nào, quy mô nào cũng được khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. “Việt Nam cần phải có một hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật để bảo vệ hàng trong nước, không nhập khẩu tràn lan; giải quyết khó khăn về tích tụ ruộng đất, có chính sách cho công nghiệp phát triển phục vụ nông nghiệp; gói tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao 50.000 - 60.000 tỷ đồng, với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Gia tăng đội ngũ DN Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, đối với lực lượng KH-CN, con đường ngắn nhất để chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành giá trị gia tăng cho xã hội là song hành cùng DN, chia sẻ lợi ích cùng DN. Trong năm 2016, DN mới thành lập của Việt Nam tăng kỷ lục với hơn 110.000 DN và quy mô vốn tăng 48%. Đây là tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn sự khởi sắc của nền kinh tế vì số lượng DN gia tăng sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới cho xã hội. Hơn nữa tác động tất yếu của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các DN phải không ngừng đổi mới sáng tạo để ứng phó được với các thách thức lớn chưa từng có. Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, phép thử đối với KH-CN Việt Nam là làm sao góp phần gia tăng số lượng các DN có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu được ra thị trường quốc tế, để đến năm 2020, Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu 1 triệu DN, mà quan trọng hơn, có một lực lượng DN thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng và độ tinh xảo cao, chiếm lĩnh được thị trường toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, cần dũng cảm thay đổi, trước hết trong tư duy chiến lược về quản lý hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. “Lợi ích của DN gắn liền với đầu tư trực tiếp của DN cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đối với khu vực công, bao gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH-CN, cần nhận thức rõ sứ mệnh “kiến tạo” và trách nhiệm xã hội của mình là mang lại các lợi ích thiết thực, mang tính chiến lược cho người dân, cộng đồng và đất nước”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết. Vai trò đầu tư của DN và xã hội trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng. Nhà nước có thể đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và một phần của hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, để đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, ứng dụng được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thành sản phẩm, dịch vụ mới và giá trị gia tăng cho xã hội, thì cần sự đầu tư có trách nhiệm của các lực lượng xã hội, trong đó DN đóng vai trò quan trọng nhất.
|