|
|||
Không chấp nhận sản phẩm kém chất lượng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Trong đó Luật quy định kể từ năm 2013, các sản phẩm điện gia dụng sẽ buộc phải dán nhãn năng lượng khi tiêu thụ trên thị trường. "Ngôi sao năng lượng Việt" là nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng ( TKNL) chính thức của Bộ Công Thương cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất cao. Nhãn hiện do Văn phòng tiết kiệm năng lượng chứng nhận và quản lý. Như vậy, tất cả các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức tối thiểu quy định sẽ không được lưu thông. Hiện nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp sẽ phải tính toán rất kỹ bài toán về vốn và công nghệ. Văn phòng tiết kiệm năng lượng - Bộ Công thương cho biết, hiện nay, Bộ Công thương và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành tiêu chuẩn hiệu suất tối thiểu cho đèn compact và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm đèn compact của ba nhà sản xuất chiếm thị phần lớn trên thị trường là Việt Quang, Rạng Đông và Philips và sẽ từng bước dán nhãn TKNL cho các sản phẩm tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt. Việc tham gia dán nhãn năng lượng sẽ tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp, phải luôn phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao. Đồng thời, buộc các nhà buôn bán, nhập khẩu thiết bị phải chọn các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định. Bộ Công thương cho biết, hiện việc tham gia dán nhãn đang thu hút các nhà sản xuất trong lĩnh vực chiếu sáng ở Việt Nam, bởi hơn ai hết họ thấy việc tham gia dán nhãn này sẽ đem lại không chỉ lợi ích cho doanh nghiệp của mình mà còn là lợi ích chung của cộng đồng. Vì thế để đảm bảo cho người tiêu dùng mua được đúng các sản phẩm TKNL thì dãn nhãn TKNL của quốc gia là một đảm bảo tin cậy nhất. Điều đó rất cần thiết khi trên thị trường hiện nay còn có rất nhiều các dòng sản phẩm TKNL không đạt tiêu chuẩn được nhập về theo đường tiểu ngạch. Bài toán công nghệ Tuy nhiên, lộ trình bắt buộc từ năm 2013, việc dán nhãn TKNL sẽ phải thực hiện trên tất cả các sản phẩm điện gia dụng, khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn dán nhãn buộc doanh nghiệp phải nâng cao công nghệ. Điều này cũng có nghĩa họ phải tiến hành đầu tư máy móc và kỹ thuật ngay từ bây giờ. Ông Lê Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP phích nước Rạng Đông chia sẻ, từ năm 1998, Công ty đã đầu tư nghiên cứu cho sản phẩm compact từ dây chuyền thiết bị máy móc đến công nghệ và con người. Rạng Đông cũng là đơn vị duy nhất đầu tư đồng bộ sản phẩm đèn compact từ nghiên cứu, đầu tư cơ bản, nghiên cứu thực nghiệm, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm … cho việc đo lường và kiểm tra chất lượng cũng như ứng dụng các công nghệ mới. Các doanh nghiệp cũng băn khoăn, liệu trong vòng chưa đầy 3 năm, các cơ quan chức năng có khả năng đáp ứng được các yêu cầu để dán nhãn không? Hiện Bộ Công thương đang xây dựng danh mục công nghệ, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, xây dựng các quy định về nội dung, quy cách dán nhãn năng lượng, đánh giá năng lực các phòng thẩm định có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận thẩm định phù hợp với tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng quy định, trình tự, thủ tục cấp giấy dán nhãn năng lượng đối với phương tiện thiết bị, quy định việc công nhận nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị nhập khẩu. Thời gian đến năm 2013 không còn nhiều, hiện Bộ Công thương đang vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình dán nhãn năng lượng. Chính phủ cũng đã ra quyết định đối với các chương trình mua sắm công phải đảm bảo chứng nhận TKNL; đồng thời doanh nghiệp có sản phẩm TKNL sẽ được ưu đãi vay vốn đầu tư. Như vậy, nhà nước đã bật đèn xanh và đang có nhiều hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đúng lộ trình dán nhãn. N.Uyên |