Bản in
Khánh thành thủy điện Lai Châu
Sáng ngày 20/12, tại Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ cắt băng khánh thành thủy điện Lai Châu sau gần 6 năm xây dựng. Với việc khánh thành sớm 1 năm so với tiến độ đã làm lợi cho nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng.

Công trình được khởi công ngày 5/1/2011, ngăn sông đợt 1 vào tháng 4/2012 và đợt 2 vào tháng 10/2014; dự kiến đóng cống tích nước hồ chứa vào tháng 6/2015. Do tiến độ được duy trì và đẩy nhanh, tổ máy số 1 của thuỷ điện Lai Châu dự kiến phát điện vào tháng 12/2015, sớm 3 tháng và hoàn thành công trình vào năm 2016, vượt tiến độ cũ 1 năm.

Thủy điện Lai Châu là công trình đầu nguồn của dòng chính Sông Đà, trên thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình. Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4,797 tỷ KWh mỗi năm, đồng thời góp phần chống lũ vào mùa mưa và cấp nước vào mùa kiệt cho đồng bằng Bắc bộ. Đập chính thủy điện cao 137 m, dài 493,5 m, sử dụng vật liệu chính là bê tông đầm lặn.

Cùng với thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) và Sơn La (2.400 MW), khi xây dựng xong và đưa Nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW) vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên Sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD mỗi năm.

Để hoàn thành thủy điện Lai Châu, các đơn vị đã đào đắp trên 20 triệu m3 đất đá, trộn và đổ hơn 3,4 triệu m3 bêtông, vận chuyển hơn 37.000 tấn thiết bị từ đồng bằng lên miền núi, di dời và tái định cư, định canh cho hơn 2.100 hộ dân trong vùng dự án…

Việc về đích trước tiến độ 1 năm đã làm lợi cho Nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, việc vận hành Nhà máy đều do các kỹ sư Việt Nam trực tiếp đảm nhiệm.

Công trình thủy điện Lai Châu có vai trò quan trọng, vừa cung cấp điện năng lớn, để cho côn nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi công trình đi vào hoạt động còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và đất nước, góp phần trị thủy dòng sông, điều tiết dòng sông cho hạ lưu.

H.Anh