Bản in
Techdemo đã đem lại nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm KH&CN
Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ tại Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm, T-Tech đã và đang đưa ra thị trường khá nhiều sản phẩm có tính công nghệ cao, chất lượng tốt, đảm bảo uy tín trên thị trường, góp phần vào việc giảm thiểu nhập siêu. Hiện nay, ngoài hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc, T-TECH đang mở rộng thị trường hoạt động ra ngoài lãnh thổ Việt Nam như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Malaysia, Indonesia, Philippin... Tính đến nay, T-Tech đã tham gia hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ (Techdemo) được 4 lần. Thông qua Techdemo, T-Tech có cơ hội được trình diễn các sản phẩm công nghệ mới và giao lưu hợp tác với nhiều cơ quan, ban ngành từ trung ương tới địa phương trên cả nước.

TS. Nguyễn Đình Trọng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam đã có chia sẻ về hoạt động này.

PV: Xin ông cho biết, các lĩnh vực hoạt động chính của T-Tech hiện nay?

TS. Nguyễn Đình Trọng: T-Tech là một đơn vị chuyên nghiên cứu và sản xuất thiết bị khoa học, kỹ thuật trong đó có các sản phẩm chủ đạo như thiết bị xử lý môi trường, lò đốt rác thải sinh hoạt, lò đốt rác thải công nghiệp và y tế, thiết bị thí nghiệm và kiểm định xây dựng.

PV: Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam được biết đến là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ tại Việt Nam. Tham gia TechDemo, T-Tech kỳ vọng điều gì?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Như các bạn đã biết Techdemo là một sân chơi lớn về việc kết nối cung - cầu công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức thường niên. Đến với chương trình này, T-Tech cũng như nhiều doanh nghiệp khác muốn được học hỏi, trình diễn, giới thiệu các sản phẩm KH&CN của mình và được quảng bá thương hiệu và sản phẩm, thúc đẩy bán hàng.

Bên cạnh đó, thông qua các Diễn đàn, Hội nghị được tổ chức thì doanh nghiệp cũng được tiếp cận gần hơn với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.

PV: Đến với Techdemo, T-Tech nhận được sự hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Chúng tôi được hỗ trợ khá nhiều, đặc biệt khi T-Tech được Bộ KH&CN đánh giá là một doanh nghiệp tương đối tiêu biểu, có nhiều sản phẩm KH&CN, nhiều sản phẩm mới được tung ra hàng năm. Do vậy, chúng tôi thường xuyên được hỗ trợ các gian hàng miễn phí, hỗ trợ về thông tin nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp.

Chúng tôi được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành, với nhiều doanh nghiệp KH&CN khác thông qua các diễn đàn chuyên sâu về công nghệ. Đó là những lợi ích không nhỏ mà doanh nghiệp có được từ sự hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.

PV: T-Tech đã tham gia TechDemo bao nhiêu lần? Tại TechDemo, T-Tech đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ bao giờ chưa? Xin ông cho biết cụ thể? Xin ông nhấn mạnh đến hiệu quả của việc ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ đó?

TS. Nguyễn Đình Trọng: T-Tech đã được tham gia chương trình TechDemo 4 lần, ký 5 biên bản ghi nhớ về hợp tác và phát triển Khoa học Công nghệ, phân phối sản phẩm hàng hóa.

Và, chúng tôi đã ký được 9 hợp đồng chuyển giao công nghệ, cung cấp 16 Lò đốt rác thải sinh hoạt cho các Thị trấn, các Huyện, có tổng trị giá trên 30 tỉ đồng. Cụ thể là, chúng tôi đã cung cấp và chuyển giao công nghệ Lò đốt rác cho các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Nam Định, Trà Vinh và Long An.

Lò đốt rác của T-Tech có công nghệ khác biệt, có khả năng xử lý rác đạt hiệu quả cao, chi phí vận hành thấp, giá thành rẻ hơn các sản phẩm ngoại nhập từ Thái Lan, Nhật Bản, Anh quốc. Đặc biệt, phù hợp hơn với việc xử lý rác chưa được phân loại từ đầu nguồn như rác thải sinh hoạt tại Việt Nam.

PV: Tại TechDemo 2016 tổ chức tại Thái Nguyên, T-Tech đã trình diễn những công nghệ gì và kết quả ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Cũng như nhiều kỳ TechDemo trước, chúng tôi một lần nữa được trình diễn các sản phẩm công nghệ mới của mình và được giao lưu hợp tác với nhiều cơ quan, ban ngành từ trung ương tới địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, năm nay chúng tôi trình diễn dây chuyền công nghệ Lò đốt rác thải sinh hoạt theo quy chuẩn Việt Nam mới, đó là quy chuẩn 61-MT:2016/BTNMT có hiệu lực từ ngày 1/5/2016. Theo quy chuẩn này, Lò đốt rác thải sinh hoạt đòi hỏi nhiều tiêu chí khắt khe hơn, cụ thể hơn để đảm bảo tối ưu, an toàn cho môi trường trong quá trình đốt rác.

Chương trình TechDemo tại Thái Nguyên năm nay, Tập đoàn Công nghệ T-Tech của chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên và nhiều đơn vị khác, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có thể chuyển giao công nghệ mới này cho các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước.

PV: Sau mỗi lần tham dự TechDemo, theo ông, có sự tác động như thế nào đến doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn T-Tech?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Sự tác động về doanh thu thì có, năm sau cao hơn năm trước, hình ảnh thương hiệu được biết đến nhiều hơn, bán hàng tốt hơn. Nhưng lợi nhuận thì chưa đáng kể, bởi vì xuất phát điểm của chúng ta về công nghệ còn thấp nên thường xuyên, liên tục phải đầu tư, chi phí tốn kém, đặc biệt sau mỗi lần tung ra một sản phẩm công nghệ mới chúng ta cần một lượng ngân sách nhất định, cần 1 khoảng thời gian đủ dài để khách hàng biết tới và cảm nhận.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có thể bùng nổ được doanh thu bán hàng và chuyển giao công nghệ Lò đốt rác do T-Tech nghiên cứu và chế tạo.

PV: Ông có thể chia sẻ cho độc giả biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của T-Tech trong ứng dụng, hợp tác, chuyển giao công nghệ là gì?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN là:

Thứ nhất, do văn hóa sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, thậm chí kể cả các cơ quan nhà nước, rất nhiều nơi, nhiều khách hàng vẫn tin hàng ngoại nhập hơn hàng nội và cho rằng là tốt hơn, yên tâm hơn. Nhưng tôi cho rằng, việc đó ngày nay không còn đúng nữa, rất nhiều sản phẩm "made in Việt Nam" không thua kém, thậm chí tốt hơn hàng ngoại nhập. Ví dụ như sản phẩm Lò đốt rác thải sinh hoạt của T-Tech nghiên cứu và sản xuất tốt hơn, phù hợp hơn, tiện dụng hơn các sản phẩm Lò đốt rác cùng loại được nhập từ các nước khác.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung là các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Nền tảng về KH&CN và kinh nghiệm quản lý ít. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn rất hạn chế, sự hỗ trợ của nhà nước có một số chương trình rất hữu ích nhưng chưa đi vào cuộc sống một cách sâu rộng, đó cũng là một khó khăn mà các doanh nghiệp Khoa học gặp phải.

PV: Với tôn chỉ “công nghệ tiên tiến – dịch vụ hoàn hảo”, T-Tech phấn đấu trở thành một Tập đoàn Khoa học Công nghệ hàng đầu Việt Nam và trong khu vực. Theo ông, trong thời gian tới T-Tech cần làm gì để hiện thực hóa tôn chỉ đó?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Để hiện thực hóa tôn chỉ trên, chúng tôi phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, bao gồm: Liên tục đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, kiên trì theo đuổi các mục đích đề ra. T-Tech sẽ luôn luôn đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, nâng cao tâm thế của người làm khoa học, phải thể hiện có bản lĩnh, dám làm dám chịu, chịu thương chịu khó thì chúng ta mới hy vọng có được công nghệ tiên tiến trong tay và dịch vụ khách hàng được tốt nhất.


Chú thích ảnh: TS. Nguyễn Đình Trọng tham gia giao lưu trực tuyến trên báo Đất Việt

PV: Vậy, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò và quy mô tổ chức Techdemo thời gian qua?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Tôi cho là rất tốt. Không có Techdemo thì không có thương hiệu lớn T-Tech ngày hôm nay, nói vậy không có nghĩa hoàn toàn nhờ vào Techdemo nhưng Techdemo đã đem lại nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm KH&CN, được hợp tác và giúp chúng tôi tự tin hơn trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm KH&CN của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được giao lưu học hỏi từ các đơn vị bạn, được biết nhiều hơn, giúp cho tự tin hơn trong quá trình ra quyết định của mình.

PV: Theo ông để đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN trong thời gian tới, thì yếu tố gì là cốt lõi? Từ thực tế của Tập đoàn, theo ông cần có giải pháp cụ thể ra sao?

TS. Nguyễn Đình Trọng: Để phát triển thị trường KH&CN trong thời gian tới, trong điều kiện hội nhập sâu rộng với lợi thế địa chính trị của Việt Nam, tôi cho rằng các doanh nghiệp KH&CN cần chuẩn bị kỹ các yếu tố sau:

Một là, tầm nhìn, chiến lược phải rõ ràng, kiên định, xác lập mục tiêu và kiên trì theo đuổi.

Hai là, phải có kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết, phải chuẩn bị đầy đủ nguồn lực từ nhân lực đến vật lực, tránh lãng phí cơ hội, tránh bị lùng bùng trong quá trình thực hiện.

Trong thời gian tới, T-Tech có kế hoạch đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm tại Nhà máy Chế tạo thiết bị T-Tech.

Bên cạnh đó, chúng tôi thúc đẩy công tác nghiên cứu, thiết kế, nâng cấp Phòng Nghiên cứu Phát triển của Tập đoàn thành một Viện nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm khoa học, công nghệ, để nâng cao chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là một quyết định lớn có tầm chiến lược và rất táo bạo sau 14 năm hình thành và phát triển.

Chúng tôi hy vọng với kinh nghiệm và lợi thế vốn có, kèm theo các chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, đặc biệt là của Bộ KH&CN, chúng tôi có thể trở thành một Tập đoàn mạnh về phát triển KH&CN trong nước và trong khu vực.

 Lê Hà (lược ghi)