Bản in
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ
Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) sửa đổi được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của hoạt động CGCN, tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu, thu hút công nghệ tiên tiến. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong ứng dụng, đổi mới công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, ngăn chặn hiện tượng chuyển giá qua hoạt động CGCN. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết như trên khi trình bày về Dự thảo Luật CGCN sửa đổi tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Sửa đổi phù hợp với thực tế

Luật CGCN được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007) với tư thế một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo

Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tế. Trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp với thực tế.

Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp với thực tế, có rất nhiều nguyên nhân, trước hết do thị trường công nghệ vẫn chưa phát triển tương xứng với mục tiêu đề ra, chưa đủ sức thu hút, thúc đẩy nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, đặc biệt là việc hình thành, phát triển các tổ chức trung gian trong hoạt động CGCN, cũng như một số hoạt động dịch vụ CGCN như đánh giá, định và giám định công nghệ…

Nguyên nhân tiếp theo do hoạt động CGCN chủ yếu là hình thức CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, tập trung ở các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, phần lớn là hình thức CGCN từ công ty mẹ cho công ty con và công nghệ do các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao từ các đối tác nước ngoài cần có hình thức quản lý phù hợp hơn. Hoạt động CGCN trong nước, chủ yếu là chuyển giao các kết quả nghiên cứu, thương mại hóa công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp vẫn còn ít so với tiềm năng. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn đối với hoạt động CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, mà hiện nay mới chỉ là việc bán thiết bị, máy móc có hàm chứa công nghệ.

Hơn nữa, thời gian qua, nhiều bộ luật liên quan đến Luật CGCN như Luật KH&CN, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế đã được sửa đổi, bổ sung nên một số điều khoản của Luật CGCN cần phải hoàn chỉnh cho phù hợp với các quy định mới của các Luật có liên quan này.

Ông Nam cũng đưa ra ví dụ, trước đây quy định về hồ sơ dự án đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình về công nghệ, đưa ra các phương án lựa chọn công nghệ, phân tích để lựa chọn ra phương án công nghệ tối ưu và phải nêu rõ quy trình công nghệ, sản phẩm từ công nghệ đó đạt tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên hiện nay, Luật Đầu tư mới lại không có yêu cầu cụ thể này để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp. Điều đó có thể dẫn đến vấn đề là công nghệ trong các dự án đầu tư nước ngoài đưa vào có thể là công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất không đạt yêu cầu về chất lượng, dẫn đến việc sản xuất bị ngừng trệ, doanh nghiệp càng làm càng lỗ,…

Khẳng định Luật CGCN sau 10 năm hoạt động đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường Quốc hội Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng với vị thế của quốc gia.

Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực như các nhà máy nhiệt điện, luyện cán thép, khai khoáng... vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. CGCN chủ yếu thông qua mua máy móc, thiết bị nhưng đã lạc hậu;… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.

"Rất cần thiết phải sửa đổi Luật CGCN để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng, CGCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến của thể giới; đồng thời kiểm soát và từng bước CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài", ông Phùng Đức Tiến nhận định.

 

 

 

 

 

Dự thảo Luật CGCN quy định một số biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ 

Tạo cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động CGCN

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) có nhiều nội dung mới như: Quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và cầu để phát triển thị trường KH&CN; quy định việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án KH&CN, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh.

Dự thảo Luật cũng quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ KH&CN với các cơ quan liên quan về chống chuyển giá trong hoạt động CGCN, đặc biệt giữa công ty mẹ - công ty con hoặc giữa các bên có quan hệ liên kết; tổ chức điều tra, thu thập thông tin về CGCN, đổi mới công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về CGCN. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhằm hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và phát triển bền vững của quốc gia.

Một nội dung nữa cũng được đề cập đến trong Luật chính là việc mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư, đối ứng vốn và nhận đối ứng vốn đầu tư cho ươm tạo công nghệ, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp; quy định về thống kê CGCN theo hướng phù hợp với Luật Thống kê 2015.
Liên quan đến những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng cho biết, về phát triển thị trường KH&CN sẽ theo hướng tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh cho các tổ chức trung gian, thúc đẩy cung, cầu công nghệ.

Về thương mại hóa công nghệ, kết quả KH&CN, sẽ quy định một số biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, trong đó gồm giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong công bố kết quả KH&CN có khả năng thương mại hóa; hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động liên kết giữa tổ chức ứng dụng, CGCN ở địa phương với tổ chức KH&CN; quy định về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, thương mại hóa kết quả KH&CN được tạo ra bằng ngân sách nhà nước để bảo đảm thống nhất với Luật KH&CN.

Về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ sẽ bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ là đối tượng được ưu tiên xem xét hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các tổ chức tín dụng; ...

Đồng thời, sửa đổi cơ chế quản lý hợp đồng CGCN từ tự nguyện đăng ký sang bắt buộc đăng ký đối với tổ chức, cá nhân CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và CGCN trong nước có sử dụng vốn nhà nước; sửa đổi chính sách về ưu đãi thuế theo hướng quy định đối tượng được ưu đãi; cơ chế phối hợp quản lý hoạt động CGCN thông qua hệ thống kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp;...

Bài, ảnh: Quỳnh Chi