|
|||
Hỗ trợ kết nối cung – cầu công nghệ
Nghiên cứu, phân tích chất lượng quả trong quá trình bảo quản tại Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch Từ việc xác định được danh mục hơn 300 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành/lĩnh vực, và nắm bắt thông tin của gần 1.000 loại công nghệ tiềm năng ở trong và ngoài nước phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã hỗ trợ kết nối thành công gần 130 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu. Trên cơ sở các kết quả tìm kiếm nguồn cung công nghệ, các chuyên gia công nghệ đã đánh giá, lựa chọn và xây dựng cẩm nang công nghệ, trong đó giới thiệu hơn 500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh/thành phố, các nhà sáng chế không chuyên). Xúc tiến hợp tác, chuyển giao công nghệ Không chỉ triển khai trong phạm vi quốc gia, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xác định nguồn cung công nghệ nước ngoài và tổ chức kết nối cung - cầu công nghệ cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, kết nối ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc,... vào Việt Nam. Đến nay, đã hỗ trợ 250 lượt tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu (các doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi sản phẩm hoặc đổi mới một phần các công nghệ sẵn có...) với sự tham gia của trên 130 chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước. Cùng với đó, Bộ KH&CN đã chú trọng đến hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Năm 2014-2015, đã tổ chức đánh giá, lựa chọn để hỗ trợ, liên kết các tổ chức nghiên cứu công nghệ, doanh nghiệp để hoàn thiện các công nghệ từ kết quả nghiên cứu công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn. Hỗ trợ, kết nối kết quả nghiên cứu công nghệ mới của Viện KH&CN Xây dựng (Bộ Xây dựng) xây dựng mô hình cầu nông thôn ứng dụng công nghệ bê tông tính năng siêu cao UHPC, hiện nay đã xây dựng thành công cầu Đập đá bằng mô hình xã hội hóa có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại Phường 3, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Đây là một nội dung mới và là mô hình của sự kết hợp giữa các cơ quan Quản lý nhà nước về KHCN tại Trung ương và tại Địa phương với đơn vị nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, được thực hiện bằng một phần kinh phí xã hội hóa. Trong thời gian tới sẽ được nhân rộng tại Ninh Bình, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ những kết quả đạt được, có thể thấy hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ đã giúp Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN ở địa phương nắm bắt được số liệu tổng hợp về thực trạng nhu cầu công nghệ để từ đó ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ ở các tổ chức, doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ giữa trung ương và địa phương. Đối với doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN tiềm năng tham gia trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ đã có cơ hội được tiếp cận và giới thiệu, phổ biến những công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu và sản phẩm KH&CN mới; cơ hội liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở những thông tin hợp tác đầu tư về công nghệ được kiểm chứng, thông tin về đường lối và chính sách phát triển KH&CN của Nhà nước, đã mở ra cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn hỗ trợ tài chính từ các chương trình KH&CN, các quỹ đầu tư... để có thể mạnh dạn ra quyết định về hoạt động chuyển giao công nghệ, nhằm đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của đơn vị. Có thể nói rằng, kết nối cung - cầu công nghệ đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, đồng thời huy động được các nguồn lực khác nhau (trong và ngoài nước) hỗ trợ để thúc đẩy thương mại hóa, đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống. Cung cấp chính sách, các chương trình KH&CN quốc gia, các quỹ đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Bài, ảnh: Phương Nga
|