Bản in
Nghiên cứu giải pháp khai thác cát hợp lý trên sông Hồng – sông Thái Bình
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi vừa hoàn thành xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể khai thác trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình tỷ lệ 1/250.000 giai đoạn 2015 – 2020. Các thông tin trên bản đồ quy hoạch gồm vị trí bãi, mỏ cát; phạm vi bãi, mỏ cát; trữ lượng thăm dò; chiều sâu ổn định lâu dài của sông Hồng; khối lượng cát tối đa đến năm 2020.

Nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, kéo theo đó là nhu cầu về cát tăng mạnh. Hoạt động khai thác cát không kiểm soát đã tác động không nhỏ đến dòng chảy trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình. Trước thực tế này, PGS.TS. Phạm Đình, Viện Khoa học Thủy lợi đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của việc khai thác cát đến chế độ dòng chảy, diễn biến lòng dẫn và đề xuất các giải pháp KH&CN phục vụ công tác quản lý, quy hoạch khai thác cát hợp lý trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình” mã số ĐTĐL.2012-T/27.

PGS.TS. Phạm Đình cho biết, mục tiêu của Đề tài là đánh giá được thực trạng khai thác cát trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; xác định rõ tác động của việc khai thác cát tới chế độ dòng chảy và mực nước mùa cạn, dòng chảy và mực nước lũ, ảnh hưởng đến diễn biến lòng dẫn trên hệ thống sông; đánh giá tác động bất lợi do khai thác quá mức, không có quy hoạch gây ra,…

Đề tài đã sử dụng phương pháp điều tra, khảo sát thực địa; phương pháp thống kê; phương pháp hội thảo, thâm vấn ý kiến chuyên gia; phương pháp nghiên cứu trên các mô hình toán, mô hình vật lý để nghiên cứu. 

Qua khảo sát, điều tra, thu thập số liệu đầy đủ của 13 tỉnh trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình và trên cơ sở thống kê, tổng hợp, phân tích, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng khai thác trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình. 

Theo số liệu thống kê năm 2013, khối lượng khai thác cát hiện nay của 13 tỉnh vào khoảng 33,1 triệu m3/ năm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện tại trữ lượng các mỏ cát có thể khai thác là 683,83 triệu m3.  Ngoài lượng bùn cát nằm ở các mỏ cát thì trung bình mỗi năm sông Hồng – sông Thái Bình còn nhận được một lượng bùn cát từ thượng nguồn chuyển về khoảng 24,06 triệu m3/năm. Đề tài đã đánh giá tiềm năng trữ lượng cát bồi lắng tại 288 bãi cát/mỏ cát trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình vào khoảng 683 m3, trong đó khoảng 465 triệu m3 được ưu tiên đưa vào quy hoạch khai thác trước.

Nhu cầu sử dụng cát trong tương lai ngày một lớn và đảm bảo phát triển lưu vực bền vững lưu vực. Do vậy, theo nhóm nghiên cứu, trong những năm tới, cần có chế độ ưu tiên để khuyến khích nhiều cơ sở nhanh chóng đầu tư chế biến cát nghiền thay thế một phần cát tự nhiên với công suất thiết kế của mỗi cơ sơ nên trên 50.000 m3/ năm cho phù hợp với khu vực sông Hồng – sông Thái Bình.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được áp dụng tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong quản lý khai thác cát khu vực sông Hồng qua Hà Nội. Đề tài đã đăng ký được một giải pháp hữu ích “Phương pháp bảo vệ bờ sông Hồng tại hạ lưu bãi Tầm Xá - Hà Nội bằng cụm kè mỏ hàn cọc có phần chân” tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.

Đề tài vừa được nghiệm thu và đạt loại Khá.

Tin, ảnh: Hoàng Anh