Bản in
Chương trình KC.07/11-15 : Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất
Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã có nhiều đề tài/dự án đạt kết quả tốt. Đặc biệt với giá thành các công nghệ và sản phẩm tạo ra trong nước chỉ bằng 60-70% so với nhập ngoại đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị nông sản trong nước. Sáng này 15/7, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị tổng kết "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2011-2015 (KC07/11-15)".

PGS.TS Lê Đức Mạnh, Chủ nhiệm Chương trình KC07/11-15 cho biết, trong  5 năm qua Chương trình đã tuyển chọn được 32 nhiệm vụ 18 đề tài, 8 dự án sản xuất thử nghiệm và 6 nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng thuộc 4 lĩnh vực KH&CN: phục vụ bảo quản, chế biến nông sản 15 nhiệm vụ; bảo quản, chế biến lâm sản 3 nhiệm vụ; bảo quản, chế biến thủy - hải sản và gia súc, gia cầm 12 nhiệm vụ; bảo quản, chế biến dược liệu 2 nhiệm vụ. Sau 5 năm thực hiện, các đề tài/dự án của Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN mới, phù hợp với trình độ sản xuất trong nước, bắt kịp trình độ công nghệ trong khu vực, có khả năng nhân rộng và trở thành sản phẩm hàng hóa. Chương trình có 12/26 nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả được ứng dụng phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, chiếm 53,8%.

Một số đề tài có kết quả nổi bật như đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt” ; đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm olygosaccharid (olygochitosan và olygochitin) để bảo quản sau thu hoạch nguyên liệu thuỷ sản đánh bắt xa bờ”; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất vi nang chứa các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học sử dụng trong sản xuất thực phẩm”; đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ củ khoai lang tím giống Nhật Bản”

Ngoài ra còn nhiều đề tài mang lại kết quả ấn tượng, đó dự án “Hoàn thiện quy trình chế biến Thục địa, Hoàng kỳ, Đương quy, Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm ở quy mô công nghiệp”; dự án “Hoàn thiện quy trình bảo quản sau thu hoạch cá tạp và công nghệ sản xuất surimi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm surimi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản”.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nhận định, sau 5 năm thực hiện, các đề tài/dự án thuộc Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN mới, phù hợp với trình độ sản xuất và được ứng dụng thử nghiệm trong sản xuất đạt kết quả tốt. Các công nghệ và sản phẩm mới được tạo ra từ các nhiệm vụ của Chương trình trên cơ sở kế thừa những kết quả đã có trong và ngoài nước, được nâng cấp hoặc cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại, đặc biệt với giá thành các công nghệ và sản phẩm tạo ra trong nước chỉ bằng 60-70% so với nhập ngoại đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị nông sản của nước ta.

Tin, ảnh : Hoài Phương