|
|||
Mục tiêu của Đề tài là xây dựng được quy trình công nghệ và lựa chọn thiết bị xử lý biến tính gỗ để nâng cao cường độ, tính ổn định kích thước và độ bền sinh học của gỗ tống quá sủ; Xây dựng được quy trình công nghệ và lựa chọn thiết bị sản xuất cấu kiện dạng dầm và dạng tấm từ gỗ tống quá sủ đã được xử lý và ứng dụng cấu kiện gỗ tống quá sủ để xây dựng nhà gỗ cho đồng bào miền núi. Sau 24 tháng thực hiện, Đề tài đã được nghiệm thu với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp vật lý - cơ học có thể nâng cao được độ bền cơ học của gỗ tống quá sủ từ gỗ nhóm VI lên gỗ nhóm III theo TCVN 1072:1971. Đề tài xử lý bảo quản bằng XM5 và xử lý chậm cháy bằng MAP; khả năng kháng mục đạt cấp 2 theo EN 305-1, khả năng chống mối nhà thang điểm 3 theo ASTM 3345; mức độ chậm cháy đạt chất lượng nhóm I theo tiêu chuẩn HPB- 251-98. Qua thực tiễn nghiên cứu, nhóm nghiên cứu kết luận gỗ tống quá sủ sau xử lý có thể sử dụng để sản xuất cấu kiện xây dựng dạng dầm, cột và sản xuất đồ mộc. Gỗ tống quá sủ sau xử lý có thể sử dụng để sản xuất cấu kiện xây dựng dạng tấm. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn GB/T 20241:2006 và tiêu chuẩn JAS SE-7 về cấu kiện xây dựng làm ván sàn. Cấu kiện xây dựng tạo ra từ gỗ tống quá sủ sau khi xử lý nén ép, xử lý bảo quản và xử lý chậm cháy hoàn toàn phù hợp cho việc xây dựng nhà ở nông thôn dạng liên kết và lắp ghép theo mô đun. GS.TS. Phạm Văn Chương cho biết, giá thành gỗ tống quá sủ được xử lý mới tính toán sơ bộ là 7,7 triệu đồng mét khối. Nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cho Đề tài được triển khai tiếp dự án sản xuất thử nghiệm để đánh giá chính xác giá trị thực tiễn của kết quả nghiên cứu. Tin, ảnh: HA
|