|
|||
Mục tiêu của Hội thảo nhằm hình thành cầu nối liên kết giữa các bên cho vay vốn, các tổ chức tài chính, các bên có nhu cầu vay vốn là các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng gạch không nung. Các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung hiểu được cơ chế chính sách của các tổ chức tài chính từ đó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, nguồn bảo lãnh vốn vay của các tổ chức tài chính. Đồng thời, Hội thảo sẽ cùng thảo luận những khó khăn hai bên gặp phải trong quá trình vay vốn, bảo lãnh vay vốn. Trên cơ sở đó xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, khả thi và hiệu quả cho các bên. Hội thảo mong muốn được gặp gỡ kế nối giữa các nhà cung cấp máy móc thiết bị với các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung. Thông qua Hội thảo các chuyên gia nhận định được những khó khăn, rào cản khi các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung tiếp cận các nguồn vốn vay và thiết lập được mối liên hệ giữa các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung với các nhà cung cấp thiết bị, các tổ chức tài chính. Các tổ chức tài chính, tín dụng có sự hiểu biết tốt hơn về lĩnh vực sản xuất và sử dụng gạch không nung, từ đó xây dựng cơ chế, sản phẩm tín dụng phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước và các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung một cách hiệu quả, thiết thực. Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19/9/2014, nhằm mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng mức phát thải khí nhà kính hàng năm bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Cụ thể là tăng cường chính sách, hướng dẫn tiêu chuẩn và quy chuẩn cho việc sản xuất và sử dụng gạch không nung cũng như tăng cường năng lực của các cán bộ quản lý nhà nước có trách nhiệm nhằm thực thi một khung pháp lý được hoàn thiện. Đồng thời nâng cao kiến thức và tăng cường năng lực của các cơ sở sản xuất và các nhóm đối tượng tiềm năng sử dụng gạch không nung về ứng dụng công nghệ và sử dụng sản phẩm gạch không nung…
Toàn cảnh Hội thảo Ông Đỗ Giao Tiến, Quản đốc Dự án cho biết, Dự án gồm 4 hợp phần (hỗ trợ chính sách để phát triển gạch không nung; xây dựng năng lực kỹ thuật để ứng dụng, vận hành công nghệ gạch không nung và sử dụng sản phẩm gạch không nung; hỗ trợ cung cấp tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ gạch không nung; ứng dụng, đầu tư và nhân rộng công nghệ gạch không nung), với tổng số vốn là 38,880,000 USD, được triển khai từ 2015 đến 2020. Tại Hội thảo, các đại diện đến từ Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh… đã giới thiệu những cơ chế, chính sách cho vay vốn đối với Dự án sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam và những khó khăn hiện nay như: việc tiếp cận các nguồn vốn vay, bảo lãnh vốn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại còn hạn chế; việc ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị sản xuất trong nước chưa được nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm; việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật về gạch không nung và quy định sử dụng gạch không nung còn chậm và thiếu đồng bộ… Các đại biểu đã đưa ra kiến nghị đối với các tổ chức tín dụng quốc tế, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn tài trợ để giúp doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất gạch không nung; đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong sử dụng hạ tầng đất đai, nguồn nguyên liệu và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành trong việc ban hành các cơ chế, chính sách bắt buộc sử dụng một tỷ lệ nhất định gạch không nung đối với các dự án có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước… Tin, ảnh: Hà Anh
|