Bản in
Nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội ở chính quyền cấp xã
Ngày 7/4, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.02/11-15 đã phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đã tổ chức hội nghị đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước Đề tài “Chính quyền xã với quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay” mã số KX 02.22/11 - 15 do PGS.TS. Nguyễn Minh Phương làm chủ nhiệm và Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì.

Chính quyền cấp xã là cấp chính quyền cuối cùng ở nông thôn, gần dân nhất, là nền tảng của hệ thống chính trị, trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, tầm quan trọng của phát triển xã hội (PTXH) và quản lý PTXH trong việc bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện tăng trưởng và phát triển kinh tế, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân là vấn đề bức thiết hiện nay.

Hiện nay, cả nước có 8.991 xã, chiếm khoảng 80% trong tổng số 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, là nơi sinh sống của 68% dân số cả nước. Như vậy, trong số những đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nước ta thì đơn vị xã chiếm số lượng lớn nhất. Ở xã, tính cộng đồng của những người dân cao hơn so với phường, thị trấn, do đơn vị xã gắn liền với văn hoá làng (xã) lâu đời. Trong phạm vi xã thường có các đơn vị dân cư nhỏ hơn là thôn/làng (xóm, bản, buôn, ấp,...). Hầu hết đơn vị thôn/làng (xóm, bản, buôn, ấp,...) là những cộng đồng dân cư tồn tại đã lâu đời, có sự gắn bó chặt chẽ với nhau về nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, xã hội, huyết thống, phong tục, tập quán, cách thức sản xuất - kinh doanh,...; do vậy có tính tự quản trên nhiều phương diện của đời sống xã hội.

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, Đề tài nghiên cứu vai trò PTXH và quản lý PTXH của chính quyền xã trong tổng thể tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở xã bằng cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu định tính, phân tích, tổng hợp, điều tra xã hội học… Triển khai nghiên cứu Đề tài nhằm đánh giá vai trò của PTXH và quản lý PTXH của chính quyền xã từ Đổi mới đến nay và đề xuất các quan điểm, giải pháp nâng cao vai trò quản lý PTXH của chính quyền xã đối với nước ta giai đoạn 2016 - 2021. Đề tài đã nghiên cứu, đánh giá chung về tổ chức, hoạt động của chính quyền xã đối với quản lý PTXH trên phạm vi cả nước và chọn mẫu điều, tra khảo sát thực địa theo các vùng lãnh thổ: Bắc, Trung, Nam; các khu vực: miền núi, đồng bằng, ven biển; các đặc điểm dân tộc, tôn giáo; các điều kiện và mức độ phát triển kinh tế - xã hội: thuận lợi, khó khăn và kém phát triển.

Tại buổi đánh giá, nghiệm thu Đề tài, Hội đồng đánh giá các sản phẩm của Đề tài đẩy đủ và có những sản phẩm vượt trội; cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cơ bản phù hợp, đóng góp về lý luận và thực tiễn của đề tài đã làm sáng tỏ cơ sở lý luận và pháp lý về vai trò, chức năng quản lý PTXH ở Việt Nam gắn với địa bàn ở nông thôn, làm rõ những đặc điểm về quản lý PTXH ở cấp xã. Đồng thời cung cấp một số kinh nghiệm quốc tế có giá trị tham khảo trong việc quản lý PTXH, góp phần làm rõ thực trạng phát triển và quản lý PTXH ở nông thôn và cũng bước đầu đặt ra một số vấn đề mới.

Đề tài đã đưa ra 6 quan điểm cơ bản, 9 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả và quản lý các vấn đề xã hội. Những quan điểm và giải pháp đó đã có kiến nghị thiết thực và khả thi. Tuy nhiên, cũng theo Hội đồng, trong thời gian tới nhóm nghiên cứu cần bổ sung thêm mặt yếu kém trong quản lý PTXH chính quyền xã hiện nay để đưa vào Đề tài; bổ sung và rà soát lại cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu lịch sử và logic; rà soát một số thuật ngữ để đưa ra những thuật ngữ chính xác nhất; bổ sung thêm tài liệu tham khảo của nước ngoài, biểu bảng cần dẫn nguồn...

Tin, ảnh: Bùi Hiếu