|
|||
TS. Nguyễn Quang Hùng cho biết, từ năm 2012, đề tài triển khai với mục tiêu nắm bắt được đặc điểm sinh học sinh sản của cá Ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và tạo được đàn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ và xác định các chỉ tiêu sinh sản: tỷ lệ thành thục, tỷ lệ đẻ, sức sinh sản. Sau 5 triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả tốt. Nhóm nghiên cứu đã xác định được cá ngừ vây vàng nuôi lồng ở vùng biển ven bờ (vịnh Vân Phong, Khánh Hòa) có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt: tốc độ sinh trưởng nhanh (TB 1,7 kg/tháng), tỷ lệ sống cao (TB 76,5%), thành thục sinh dục tốt (tỷ lệ 50,7%) và có tiềm năng cho hướng sinh sản nhân tạo thành công. Nhóm nghiên cứu cũng cho ra kết quả, tuổi thành thục lần đầu của cá ngừ vây vàng ; mùa vụ sinh sản của cá ngừ vây vàng đẻ rải rác từ tháng 5 – tháng 12, tập trung chính vào tháng 7 – tháng 9 hàng năm. Cá đẻ muộn hơn và mùa vụ ngắn hơn so với ngoài tự nhiên; Sức sinh sản của cá ngừ vây vàng khá cao so với các loài trong họ cá ngừ (4.820.000 trứng/cá thể; 106 trứng/g), là điều kiện thuận lơi cho phục hồi nhanh nguồn lợi tự nhiên. Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận, trong điều kiện nuôi nhốt trong lồng ở vùng ven biển, cá ngừ vây vàng bố mẹ thành thục tốt và có khả năng đẻ trứng tự nhiên bằng biện pháp kích thích sinh thái (tỷ lệ cá đẻ 33,3%). Tập tính cặp đôi và đẻ vào buổi chiều tối (khoảng 17-19h). Điều kiện môi trường phù hợp cho cá đẻ tự nhiên: t0C 28-29oC, độ mặn 30 – 32%o, pH 7,6 – 8,2. Tại phiên họp nghiệm thu cấp nhà nước ngày 7/4 tại Hà Nội, Hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài. Kết quả nghiên cứu khẳng định cá ngừ có thể thành thục sinh dục trong điều kiện nuôi nhốt mở ra một hướng mới cho nghiên cứu sinh học sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống cá ngừ vây vàng tại Việt Nam. Việc Nghiên cứu đặc điểm sinh học phục vụ sinh sản nhân tạo sẽ góp phần chủ động nguồn giống cho phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương ở các vùng biển, đảo Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp, tạo thêm đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, phát triển dịch vụ hậu cần cho nghề nuôi cá ngừ, giảm áp lực khai thác. Tin, ảnh: H. A |