Bản in
Tôn vinh sáng tạo của người Việt
Các tác giả khi sáng tạo ra các giải pháp hữu ích phục vụ cho cuộc sống xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau. Có những người mong muốn cải tiến sản xuất, để tiết kiệm lao động cho con người. Cũng có không ít tác giả xuất phát từ tinh thần cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề về sức khỏe, môi trường, hay hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người nghèo và những khu vực còn khó khăn trên đất nước.

Tối 25/12, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức chương trình Gala “Sáng kiến và giải pháp” 2015. Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Trưởng Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Quốc Khách cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Tác giả Trần Đại Nghĩa với sản phẩm “Máy cấy lúa không dùng động cơ”

Chính thức bắt đầu lên sóng từ tháng 7/2015, “Sáng kiến và giải pháp” là một chương trình của Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tôn vinh những ý tưởng kĩ thuật, những sản phẩm sáng tạo của người Việt.

Qua 25 số phát sóng trong suốt 6 tháng, với 50 tác giả - 50 sản phẩm được giới thiệu, chương trình đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ và góp phần khuyến khích, nhân lên những sáng tạo trong cộng đồng. Chính những sản phẩm hữu ích này đã, đang và sẽ mang lại lợi ích cho xã hội nếu được phát triển đúng hướng.

Với tính chất là một chương trình tiếp sức cho các sáng tạo kỹ thuật công nghệ của người Việt, “Sáng kiến và giải pháp” đã có một hội đồng chuyên gia thẩm định gồm những nhà khoa học uy tín trong các lĩnh vực khác nhau. Họ chính là người đưa ra được những đánh giá, phản biện giúp các sáng chế đến gần hơn với thị trường, gần hơn với người tiêu dùng.

Những đề tài được đề cập qua mỗi số phát sóng luôn là những chủ đề gần gũi với cuộc sống, là mối quan tâm chung của xã hội như: Thiết bị tiết kiệm nhiên liệu, vật liệu mới, máy móc nông nghiệp, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, công cụ lao động...

Tác giả Lại Thị Bích với sản phẩm “Máy sấy tiêu ngũ sắc”

Bên cạnh đó, để mang lại sự hứng thú của người xem với các sáng tạo khoa học, “Sáng kiến và giải pháp” đã áp dụng những công nghệ truyền hình hiện đại như trường quay ảo hay kĩ thuật đồ họa 3D để mô tả, bóc tách cấu tạo từng chi tiết và cách thức vận hành của các sản phẩm một cách trung thực, dễ hiểu. 

Mỗi tuần, 2 sản phẩm được giới thiệu trên sóng truyền hình và đi kèm là những clip ngắn 1 phút dễ theo dõi được đăng tải trên trang facebook, nhằm giúp khán giả dễ dàng tham gia bình chọn cho sản phẩm, tương tác với tác giả.

Chính bởi những yếu tố đó, hàng tuần, chương trình đã trở thành điểm hẹn cho những người đam mê, yêu thích và quan tâm đến công nghệ. Sau 25 chương trình của năm 2015, căn cứ vào bình chọn của Hội đồng chuyên gia và kết quả của chính khán giả, Hội đồng đã chọn ra và trao giải cho 4 sáng kiến và giải pháp xuất sắc vào chương trình Gala “Sáng kiến và giải pháp” mùa đầu tiên. Đó là những máy móc, thiết bị: Máy sấy tiêu ngũ sắc , máy cấy lúa không dùng động cơ, xe tập đứng cho người bị liệt, máy tách vỏ và nạo sợi củ sắn.

Năm 2015 này, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức gặp mặt các Nhà sáng chế không chuyên với mục đích khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của họ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Các nhà sáng chế khi sáng tạo ra các giải pháp hữu ích phục vụ cho cuộc sống xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau. Có những người mong muốn cải tiến sản xuất, để tiết kiệm lao động cho con người. Cũng có không ít tác giả xuất phát từ tinh thần cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề về sức khỏe, môi trường, hay hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người nghèo và những khu vực còn khó khăn trên đất nước. Những sản phẩm này ngoài giá trị sáng tạo, còn mang trong mình giá trị nhân văn sâu sắc, đưa hoạt động sáng tạo không chỉ vì cá nhân hay giá trị kinh tế mà còn là một cách hữu ích để đóng góp cho cộng đồng.

Tác giả Hà Kim tới đạt giả khán giả bình chọn cho sản phẩm"Máy tách vỏ và nạo sợi củ sắn"

Xuất phát từ những giá trị tốt đẹp mà tinh thần sáng tạo đầy nhân văn mang lại, Hội đồng giám khảo của chương trình đã chọn lọc từ nhiều sản phẩm và quyết định trao Giải Nhân văn cho sản phẩm “Xe tập đi đứng cho người bị liệt” của tác giả Võ Duy Trữ đến từ Đà Nẵng. Xuất phát từ tình cảm dành cho người vợ bị bệnh, tác giả đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu tạo ra sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm góp phần giúp những người bị liệt và gia đình bệnh nhân đỡ vất vả hơn trong quá trình tập luyện và điều trị để sớm hồi phục.

Với những người bị liệt, việc tập đi, tập đứng là rất vất vả. Đặc biệt là trên thị trường hiện cũng chưa có sản phẩm nào với mức giá phải chăng đáp ứng được nhu cầu tập luyện của bệnh nhân ngay tại gia đình. Từ kinh nghiệm chăm sóc người thân bị bệnh, tác giả Võ Duy Trữ, thành phố Đà Nẵng đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, làm việc tỉ mỉ và chế tạo thành công thiết bị tập đi, tập đứng cho người bị liệt. Sản phẩm có cấu tạo gọn nhẹ, có thể tháo lắp dễ dàng, với giá thành chấp nhận được là 4 triệu đồng. Xuất phát từ sự cảm thông và thấu hiểu sâu sắc của tác giả đối với bệnh nhân và gia đình người bệnh, sản phẩm đã giải quyết tỉ mỉ từng nhu cầu của người bệnh. Với sản phẩm này, người bệnh có thể vừa tập đi, vừa tập đứng, mà không cần người hỗ trợ, trong khi vẫn đảm bảo sự an toàn và tiện dụng. Sản phẩm này vừa có ý nghĩa giúp người bệnh tích cực hơn trong việc tập luyện chữa bệnh, vừa giúp gia đình người bệnh bớt vất vả.

Giải Sáng tạo dành cho tác giả có sản phẩm  ý tưởng tốt, tính mới và tính khoa học. Tác giả Lại Thị Bích đến từ Gia Lai đã vinh dự nhận giải thưởng này với sản phẩm “Máy sấy tiêu ngũ sắc”.

Với các tiêu chí về mức độ hoàn thiện của công nghệ, khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao và tính thương mại hóa tốt, Hội đồng Giám khảo của chương trình đã quyết định trao Giải hữu ích cho sản phẩm “Máy cấy lúa không dùng động cơ” của tác giả Trần Đại Nghĩa đến từ Thái Bình. Sản phẩm giải quyết khâu vất vả nhất của việc nhà nông là cấy lúa, trong khi lại không sử dụng động cơ, giảm chi phí nhiên liệu và giá thành cho phù hợp với điều kiện của người nông dân. Chỉ trong vài tháng từ khi chương trình lên sóng, tác giả đã bán được hàng chục sản phẩm và tiếp tục có những cải tiến để sản phẩm hoàn thiện hơn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Trưởng ban Khoa giáo chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng giám khảo và tác giả đạt giải

Giải Nhân văn, Giải Hữu ích, Giải Sáng tạo có trị giá 100 triệu đồng cùng Kỉ niệm chương của Đài Truyền hình Việt Nam và Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ. Phần thưởng dành cho sản phẩm của tác giả được khán giả bình chọn trên trang fanpage chính thức của chương trình có trị giá 30 triệu đồng cùng Kỉ niệm chương của Đài Truyền hình Việt Nam và Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ. Giải này đã thuộc về tác giả Hà Kim Tới đến từ Phú Thọ với sản phẩm “Máy tách vỏ và nạo sợi củ sắn”.

Phát biểu tại Gala “Sáng kiến và giải pháp” Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ hi vọng rằng các nhà sáng chế không chuyên chung tay vì sự nghiệp phát triển KH&CN, đóng góp một phần trí tuệ của mình vào sự phát triển KH&CN Việt Nam. Chương trình “Sáng kiến và giải pháp” thực sự là sân chơi hữu ích để những nhà sáng chế không chuyên trình diễn kết quả sáng kiến của mình đối với cộng đồng, các chuyên gia hỗ trợ cho họ ý kiến tư vấn hữu ích. Các doanh nghiệp hãy tìm đến với nhà sáng chế không chuyên để đầu tư vào sản phẩm của họ để sản phẩm của họ đến được với cộng đồng. Chỉ có như vậy chúng ta mới có một nền sản xuất hàng hóa trên quy mô công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam. Các nhà sáng chế không chuyên tiếp tục niềm đam mê của mình cống hiến cho xã hội nhiều sản phẩm tốt hơn nữa”.

Bài, ảnh: Mai Chi