Nhiều sản phẩm công nghệ sinh học có hiệu quả lớn
Xuất phát từ nhu cầu của các gia đình thân nhân liệt sĩ mong muốn được biết chính xác hài cốt tìm được có phải người thân mình hay không, Viện Công nghệ sinh học (CNSH) đã xây dựng quy trình chuẩn để xác định quan hệ di truyền theo đường mẹ dựa trên gen ty thể (là vật liệu di truyền của ty thể có mặt trong tế bào người, nó khác với vật liệu di truyền có trong nhân tế bào và di truyền theo dòng mẹ) tách từ bộ hài cốt và từ những người thân trong gia đình.
Quy trình này có thể so sánh sự trùng hợp trình tự gen của hài cốt với gen của họ hàng thân nhân trong gia đình di truyền theo đường mẹ. Nhờ đó, đã giúp xác định được gen ty thể của hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ, trả lại tên chính xác cho hơn 115 trường hợp. Theo tính toán của các nhà khoa học, xác định một mẫu gen ở nước ngoài hết khoảng 400USD trong khi đó ở VN chi phí đó chỉ bằng khoảng 1/3. Thành công này đã góp phần đền ơn đáp nghĩa những gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Đồng thời, cũng giúp định danh tính các cá nhân trong những vụ tai nạn thảm khốc và quản lý an ninh quốc phòng.
Công nghệ sinh học (CNSH) đã có mặt hầu hết trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, y tế, dược... và đã có nhiều thành tựu đáng kể. Các nghiên cứu nhằm phát triển CNSH khá phong phú.
Kiểm tra, đánh giá sự phát triển của cây phong lan. Ảnh: NH
Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học” (KC 04) đã đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng, như nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các bộ kit chẩn đoán sớm bệnh hiểm nghèo, SARS, ung thư, H5N1, HIV, lở mồm long móng, một số bệnh lây cho người và gia súc; chế tạo nhanh kit chẩn đoán bệnh lạ ở người và vật nuôi, vi sinh vật kháng thuốc; nghiên cứu làm chủ công nghệ nano sinh học, tin sinh học phục vụ giải mã gen và phát hiện các bệnh lạ.
Việc chẩn đoán bệnh bằng kỹ thuật gen được hầu hết các bệnh viện tuyến TƯ, trung tâm y tế dự phòng các địa phương ứng dụng. Những kết quả nghiên cứu này còn giúp VN đã chủ động phòng chống dịch bệnh khi có các đợt dịch nguy hiểm xảy ra.
Đặc biệt, trong lĩnh vực tế bào gốc, công trình nuôi cấy và biệt hóa thành công tế bào gốc từ màng ối và dây rốn được tiến hành thành công, đem lại hiệu quả cao. Công nghệ này cho phép nuôi cấy, bảo quản lâu dài tế bào gốc từ màng ối, dây rốn và biệt hoá ra các bộ phận cơ thể để thay thế khi bộ phận đó bị bệnh. Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được triển khai ở VN.
Hay như việc nuôi cấy, biệt hóa tế bào gốc sinh tinh thành tinh trùng để điều trị vô sinh ở nam giới, lần đầu tiên được thực hiện tại VN, là một trong 10 thành tựu KH&CN nổi bật nhất năm 2008.
Đầu tư cho CNSH: Cần được đẩy mạnh hơn nữa
Đảng và Nhà nước từ lâu đã nhận thấy tầm quan trọng của ứng dụng CNSH trong phát triển kinh tế đất nước và quốc phòng an ninh. Do đó, đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư để phát triển ngành khoa học còn mới mẻ này. Nhờ vậy, một số trường đại học có đào tạo về CNSH đã được đầu tư nhiều trang thiết bị khá hiện đại như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Huế,...
Công nghệ sinh học được ứng dụng trong sản xuất vaccin. Ảnh: NH
Thông qua Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng trên 40 phòng nuôi cấy mô thực vật tại các địa phương với kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 400 triệu đồng/phòng.
Ngoài các viện và trường, một số công ty nhà nước cũng đã được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNSH từ nguồn vốn trong và ngoài nước như Viện Vaccin và Sinh phẩm y tế tại Nha Trang, Cty Vaccin và sinh phẩm số I (Vabiotech) thuộc Bộ Y tế (vốn ODA của Hàn Quốc)...
Với trang thiết bị hiện đại, các Cty này đã sản xuất được nhiều loại vaccin dùng cho người và gia súc. Cty Nam Khoa tại TPHCM là công ty tư nhân đầu tiên ở VN đã mạnh dạn đầu tư 10 tỉ đồng (8 tỉ đồng cho thiết bị và 2 tỉ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng) để xây dựng phòng thí nghiệm CNSH. Đến nay, doanh thu của công ty đã đạt khoảng 1,5 triệu USD/năm.
Nhiều Cty dược phẩm hàng đầu thế giới đã đầu tư hàng tỉ USD vào việc tìm kiếm, nghiên cứu tổng hợp để đưa ra nhiều loại thuốc mới, hiệu quả cao ra thị trường. Ở VN, nếu CNSH được đầu tư nhiều hơn nữa, kết quả không những tận dụng được nguồn dược liệu quý và phong phú trong nước mà còn tạo được những sản phẩm với giá thành thấp hơn nước ngoài và tăng thu cho ngân sách quốc gia.
Theo tính toán, nếu đầu tư bài bản cho CNSH, chi phí cho việc thu gom 1 mẫu tế bào gốc dây rốn, bảo quản mẫu tế bào gốc hàng năm, điều trị bệnh bằng tế bào gốc… tại VN sẽ thấp hơn nước ngoài. Hiện tại, chi phí cho thu gom 1 mẫu tế bào gốc dây rốn của Mỹ là 400-500USD, Singapore: 250-300USD, chi phí để bảo quản mẫu tế bào gốc hàng năm ở Mỹ từ 120-150USD và để điều trị bệnh bằng tế bào gốc ở một số nước phải chi từ 15.000-20.000USD.
Có thể nói, nhờ được Nhà nước đầu tư, CNSH VN đã có những bước phát triển rõ rệt, rất nhiều sản phẩm CNSH ra đời, hiệu quả cao, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sức khoẻ cộng đồng. Với những thành tựu đã đạt được, có thể tin rằng việc đầu tư kịp thời các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất CNSH sẽ mang lại lợi ích kinh tế xã hội nhiều hơn nữa do tự nghiên cứu làm chủ công nghệ.
Nguyễn Hạnh
(Theo Lao động) |