|
|||
Theo TS. Vũ Thị Thu Lan, tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng bao gồm trữ lượng và chất lượng các nguồn nước mưa, nước mặt và nước dưới đất. Tuy nhiên, do hạn chế trong việc đánh giá sự xuất hiện của các mâu thuẫn sử dụng nước của các ngành nên nguồn nước dưới đất chưa được xem xét đến trong nội dung nghiên cứu của đề tài. Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã chọn vùng hạ du sông Hồng gồm 10 tỉnh, thành phố có mối quan hệ với vùng thượng nguồn sông (15 tỉnh vùng miền núi phía Bắc) để thực hiện nghiên cứu. Kết quả, đề tài đã đánh giá được một cách tổng hợp các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước dùng vùng hạ du sông Hồng trong những năm 2000 – 2013. Đồng thời cũng xác định được nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn đổ về hạ du và sự hạ thấp mực nước trên sông đã gây khó khăn cho việc sử dụng nguồn nước cấp cho các công trình thuỷ lợi từ đó dẫn đến mất cân bằng về nước. Nhóm nghiên cứu nhận định, thiếu nước dùng ở vùng hạ du sông Hồng là loại hình hạn hán không chỉ do điều kiện khô hạn tự nhiên mà còn do mâu thuẫn nhu cầu sử dụng và được định nghĩa là hạn KT – XH. Với các chỉ tiêu lựa chọn phù hợp tiêu chí đã được quy định, đề tài đã xây dựng được bản đồ hạn KT – XH phù hợp với vùng hạ du sông Hồng và được kiểm tra qua điều tra thực địa ở các khu vực lựa chọn. Các khu vực xuất hiện hạn KT – XH thuộc khu vực canh tác nông nghiệp trong các hệ thống công trình thủy lợi trung tâm vùng. Trên cơ sở các tiêu chí về hạn KT – XH, tính dễ bị tổn thương và xét đến tác động của các quy hoạch phát triển KT – XH vùng, biến đổi khí hậu nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được bản đồ nguy cơ hạn KT – XH đến năm 2020. Ngoài ra, dựa trên kết quả nghiên cứu, đề tài còn đưa ra các giải pháp giảm thiểu hạn KT – XH cũng như giải pháp ứng phó khi xuất hiện hạn KT – XH phù hợp cho vùng hạ du sông Hồng với tiêu chí cụ thể để đảm bảo sự hài hoà và duy trì "sức khoẻ" dòng sông. PGS,TS. Trần Thục – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước của Đề tài nhận định, lần đầu tiên, đề tài nghiên cứu về hạn KT – XH cho một khu vực cụ thể và đã định nghĩa và xây dựng các tiêu chí xác định hạn KT – XH cho đặc thù vùng hạ du sông Hồng. Đề tài đã đưa ra phương pháp luận và hệ tiêu chí đánh giá tác động của hạn KT – XH đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo đảm môi trường, duy trì dòng sông. Tin, ảnh: Thái Bình |