Bản in
Giao lưu trực tuyến “Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - Tôn vinh sự cống hiến của các nhà khoa học”
Nhằm góp phần tôn vinh các nhà khoa học có cống hiến xuất sắc và thông tin rộng rãi về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng cũng như giá trị, ý nghĩa của Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ trong đời sống xã hội, Báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức Giao lưu trực tuyến “Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - Tôn vinh sự cống hiến của các nhà khoa học”.

 Báo Đại biểu nhân dân xin trân trọng kính mời độc giả cùng tham gia giao lưu với khách mời gồm: 

- TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; 

- Ông Đặng Quang Huấn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng, Bộ KHCN;

- Ông Phùng Đình Thực, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

- Ông Trần Đức Cường, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam;

Giao lưu cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu khoa học để có được các công trình xuất sắc, có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rộng lớn, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó tổng biên tập Báo ĐBND Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KHCN Nguyễn Xuân Toàn tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu.Nội dung buổi giao lưu:

Huỳnh Anh Bình (39 tuổi), Đống Đa - Hà Nội: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được xem là giải thưởng danh giá nhất tại Việt Nam. Xin Ông cho biết rõ hơn về lịch sử giải thưởng này, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Căn cứ vào Pháp lệnh Thi đua, khen thưởng của UBTVQH và sau này là Luật Thi đua, khen thưởng, đến nay, đã có 4 đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN).

Cụ thể là: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 ngày 10.9.1996, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh đã ký quyết định số 991 KT/CTN trao cho 33 công trình, cụm công trình khoa học công nghệ và 44 cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Trong đó có: Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Vũ Khiêu, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu; Nguyễn Văn Hiệu…

Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2, ngày 1.9.2000, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã ký quyết định số 392 KT/CTN trao cho 21 công trình, cụm công trình KHCN và 40 cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 3, ngày 30.8.2005, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã ký quyết định số 971/2005/QĐ-CTN trao cho 12 công trình, cụm công trình KHCN. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4, ngày 18. 2. 2012, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định trao tặng cho 12 công trình và cụm công trình KHCN. Lễ trao tặng đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn, TP Hà Nội.

Nguyễn Thanh Loan (45 tuổi), Cần Thơ: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN là những giải thưởng cao quý ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, tác giả của các công trình, cụm công trình KHCN đặc biệt xuất sắc. Ông cho biết thêm giá trị nhân văn về 2 giải thưởng này?

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Cha ông ta đã có truyền thống tôn trọng những giá trị văn hóa của các thế hệ cha ông, ngay trong Văn Miếu đã có một câu nói được khắc vào bia là Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Trên cơ sở đó thì có thể nói tri thức luôn luôn được nhân dân ta hết sức coi trọng.

Trong gần 30 năm trở lại đây, trong công cuộc đổi mới đất nước, thì Đảng và nhà nước ta đã đặt ra ra vấn đề phải coi trọng tri thức và do đó đưa ra khái niệm về việc xây dựng nền kinh tế trí thức để phát triển đất nước. Cùng với chính sách và các biện pháp nhằm phát triển KHCN bao gồm KH tự nhiên, KH xã hội và KHCN, Đảng và Nhà nước ta cũng đưa ra chủ trương xét tặng cho các nhà khoa học là tác giả của các công trình có giá trị xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, trong đó, công trình đặc biệt xuất sắc được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và các công trình và các cụm công trình xuất sắc được tặng Giải thưởng Nhà nước.

Việc tặng 2 giải thưởng cao quý này cho các công trình được đánh giá xuất sắc và đặc biệt xuất sắc là một hình thức tôn vinh đặc biệt của Đảng và Nhà nước ghi nhận về những đóng góp của các nhà khoa học thông qua các công trình và cụm công trình của mình phục vụ một cách đắc lực cho sự phát triển của khoa học cũng như là của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời gian vừa qua.

Tính nhân văn ở đây thể hiện ở chỗ là suy tôn những giá trị văn hóa, khoa học của các công trình và cụm công trình được giải nhưng đồng thời cũng là hình thức tôn vinh các nhà khoa học - những chủ nhân sáng tạo của các công trình và cụm công trình này.

Thanh An (50 tuổi), anthanh.nguyen@gmail.com: Có thể nói, trong mỗi đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong một số lĩnh vực luôn có nhiều ý kiến. Nhưng riêng trong lĩnh vực KHCN thì những tác giả, công trình được trao giải thì luôn được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá cao. Điều này chứng tỏ quá trình xét tặng các hồ sơ trao giải được thực hiện minh bạch, chính xác, lựa chọn được những đại diện xuất sắc nhất để vinh danh, thưa Ông?

TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, nguyên PCN UB Khoa học, công nghệ và Môi trường của QH đang giao lưu cùng bạn đọc.

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Lĩnh vực KHCN có tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể, chính xác, có thể định lượng được. Cho nên việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực này có nhiều thuận lợi.

Còn lĩnh vực văn học nghệ thuật phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan, có thể đối với một tác phẩm thì cảm nhận của mỗi người có cái riêng, thậm chí có khi còn trái ngược nhau. Vì vậy, khó tránh khỏi việc có ý kiến khác nhau về một tác phẩm, công trình nghệ thuật. Cũng có thể trong quá trình xét chọn giải thưởng, có một số tác phẩm nghệ thuật xứng đáng được trao giải thưởng nhưng đã bị bỏ sót. Tuy nhiên, các công trình, tác phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đều là xứng đáng.

Trần Ngọc Long (38 tuổi), Nam Định: Chính phủ ban hành Nghị định 78/2014/NĐ-CP ngày 30.7.2014 về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KHCN. Vậy Nghị định này có điểm gì mới so với những quy định của những đợt xét tặng giải thưởng trước đây?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Bộ KHCN tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 5 kế thừa kinh nghiệm, kết quả xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của bốn lần trước đây (vào các năm 1996, 2000, 2005 và 2010) và Giải thưởng Nhà nước ba lần (vào năm 2000, 2005 và 2010). Tuy nhiên, việc tổ chức xét tặng Giải thưởng đợt 5 có những nội dung mới so với những quy định của bốn đợt xét tặng Giải thưởng trước đây.

Thứ nhất, căn cứ pháp lý để xét tặng Giải thưởng dựa trên quy định của Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 30.7.2014 của Chính phủ và Thông tư số 31/2014/TT-BKHCN ngày 6.11.2014 của Bộ trưởng Bộ KHCN quy định, hướng dẫn một số điều của Nghị định 78/2014/NĐ-CP. Theo đó, Giải thưởng được xét tặng cho tác giả, đồng tác giả là người Việt Nam, người nước ngoài có công trình, cụm công trình KHCN đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và quy định của Nghị định 78/2014/NĐ-CP. Tác giả công trình là người trực tiếp sáng tạo ra công trình; trong trường hợp có hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo ra công trình thì họ là đồng tác giả. Tác giả, đồng tác giả công trình (gọi tắt là tác giả). Khi tổ chức phổ biến, triển khai Giải thưởng Đợt 5 tại Hà Nội (ngày 6.8.2015) và tại TP Hồ Chí Minh (26.9.2015), Bộ KHCN đã lưu ý việc xác định tác giả công trình KHCN để tránh nhầm lẫn khi xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng. Lưu ý: những người là chủ sở hữu của công trình hoặc chỉ giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, vật chất, kinh phí cho tác giả công trình và những người tham gia công trình mà không trực tiếp tham gia sáng tạo công trình thì không là tác giả công trình.

Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Bộ KHCN đang giao lưu cùng bạn đọc

Thứ hai, tác giả công trình KHCN được tặng Giải thưởng sẽ được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng và Tiền thưởng từ ngân sách nhà nước với số tiền thưởng tương đương 270 lần mức lương cơ sở tại thời điểm có quyết định Giải thưởng (đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh); 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm có quyết định Giải thưởng (đối với Giải thưởng Nhà nước). Ngoài quyền lợi nêu trên, tác giả còn được hưởng các quyền lợi khác liên quan đến Giải thưởng. 

Thứ ba, hiện nay theo quy định của Nghị định 78/2014/NĐ-CP, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được xét tặng và công bố 05 năm một lần vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2.9 (quy định trước đây, Giải thưởng Nhà nước được tổ chức xét tặng và công bố 2 năm 1 lần). Mỗi công trình KHCN chỉ được đề nghị xét tặng một giải thưởng trong một đợt xét tặng Giải thưởng; mỗi công trình chỉ được xét tặng một giải thưởng về KHCN. 

Thứ tư, hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mức tối đa. Nếu như trước đây, tác giả công trình KHCN hoặc đại diện hợp pháp của tác giả công trình nộp 15 bộ hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng. Hiện nay, Nghị định 78/2014/NĐ-CP quy định tác giả công trình KHCN hoặc đại diện hợp pháp của tác giả công trình nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng (bản giấy) và 01 bản điện tử của hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng ghi trên đĩa quang (dạng PDF, không đặt mật khẩu) được đóng gói trong túi hồ sơ có niêm phong. Trong trường hợp công trình KHCN được đề nghị xét thưởng ở hội đồng cấp tiếp theo thì tác giả công trình KHCN hoặc tổ chức, cá nhân liên quan nộp bổ sung 01 bộ hồ sơ để lưu tại cơ quan tổ chức xét tặng giải thưởng. 

Thứ năm, Nghi định 78/2014/NĐ-CP còn quy định chi tiết Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng về nội dung Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cũng được tặng cho người nước ngoài có công trình KHCN nghiên cứu về Việt Nam. 

Theo quy định, công trình khoa học và công nghệ nghiên cứu về Việt Nam của tác giả là người nước ngoài có hồ sơ sử dụng ngôn ngữ nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được tổ chức khoa học và công nghệ trong nước đề xuất xét tặng giải thưởng xác nhận về sự chuẩn xác của bản dịch ra tiếng Việt. Căn cứ xét tặng, hồ sơ và trình tự thủ tục xét tặng thực hiện theo quy định như đối với tác giả là người Việt Nam có công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng.

Lê Thanh Thủy (48 tuổi), Quảng Nam, Đà Nẵng: Nhằm tạo nguồn lực đẩy mạnh phát triển KHCN ngành, PVN đã thành lập Quỹ KHCN để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cung cấp thông tin, luận cứ khoa học đầy đủ và tin cậy, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và quản lý sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí. Ông có thể đánh giá ngắn gọn về công tác đầu tư cho nghiên cứu khoa học và những thành tựu đạt được của PVN những năm qua?

Nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực đang giao lưu cùng bạn đọc

TSKH Phùng Đình Thực, Nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn coi KHCN là một trong 3 giải pháp đột phá cùng với giải pháp về nguồn nhân lực và quản lý. Vì vậy PVN đã dành những nguồn đầu tư xứng đáng cho công tác này.

Có hai đặc điểm nổi bật đối với PVN: Thứ nhất là KHCN luôn đi trước một bước, thứ hai là phải đầu tư vào công nghệ mới bởi chỉ có công nghệ hiện đại mới giúp nâng cao được sức cạnh tranh.Để đạt được những điều ấy, PVN luôn yêu cầu các đơn vị trong ngành dành 1 quỹ xứng đáng cho KHCN.

Theo quy định mới nhất của Chính phủ mỗi một đơn vị phải dành từ 3 - 10% lợi nhuận tính thuế cho các hoạt động KHCN. Nhận thức được điều này, trong 5 năm qua, PVN đã dành 5.000 tỷ đồng cho các hoạt động KHCN để đầu tư vào nguồn nhân lực, trang thiết bị. PVN có thể khẳng định, nếu không có quỹ này, PVN không thể đạt được những thành tựu trong thời gian vừa qua. Những thành tựu cụ thể có thể kể đến hàng trăm công trình, có những công trình đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu như: Cụm công trình về tìm kiếm phát hiện và khai thác hiệu quả thân dầu trong đá móng; Công trình về các giải pháp công nghệ trong thiết kế các cụm kinh tế, khoa học "DK1"; Công trình thiết kế chế tạo dàn khoan di động 90m nước, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước trên thế giới có thể chế tạo ra giàn máy này; Công trình về xử lý và vận chuyển dầu thô trong điều kiện biển Việt Nam...

Nguyễn Thanh Giang (42 tuổi), Bát Xát, Lào Cai: Ông cho biết nhận thức của công chúng hiện nay đối với những tác giả và công trình suất sắc được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Nhìn chung, giới nghiên cứu khoa học, những người làm công tác tổ chức các hoạt động khoa học cũng như là hệ thống đào tạo ở trong các trường học và các nhà hoạt động văn hóa xã hội nói chung họ hiểu rất rõ về những giá trị của những công trình và cụm công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Nhiều công trình và cụm công trình được giải đã được công bố, tái bản và phát hành rộng rãi. Do đó, những người thực sự quan tâm đến các giá trị khoa học của các công trình đều có điều kiện để tham khảo những giá trị này.

Nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường đang giao lưu cùng bạn đọc

Riêng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã cho tái bản rất nhiều công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước mà tác giả là các nhà khoa học của Viện Hàn lâm như Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Giáo sư viện sĩ Trần Huy Liệu, Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Vũ Khiêu...

Lê Minh Anh (43 tuổi), Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội: Xin hỏi ông Đặng Quang Huấn, ông có thể cho biết những điều kiện nào để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KHCN?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm. Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN: Thứ nhất, công trình đề nghị xét tặng giải thưởng phải có hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật Nhà nước), được ứng dụng tại Việt Nam. Thứ hai, thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất là 01 năm tính đến thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng. Thứ ba, tính đến thời điểm xét tặng Giải thưởng, tác giả công trình không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật KHCN.

Trần Văn Định (41 tuổi), Hàng Đào, Hà Nội: Có ý kiến cho rằng, dường như những công trình đạt giải thưởng cao nhất về KHCN của Việt Nam mới chỉ có tầm ảnh hưởng trong nước, chưa có nhiều công trình vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Tôi không nghĩ như vậy. Trong thực tế rất nhiều công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và KHCN có ảnh hưởng không chỉ ở trong nước mà còn ra ngoài biên giới quốc gia. Các công trình của các Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đinh Gia Khánh, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Từ Chi... giúp cho người đọc bao gồm cả các nhà nghiên cứu và bạn bè quốc tế hiểu thêm về văn hóa lịch sử và bản lĩnh của người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Một số tác phẩm của các nhà nghiên cứu về khoa học tự nhiên và KHCN giúp cho người đọc trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ thêm về trí tuệ và sự sáng tạo của người Việt Nam. Những công trình về xây dựng hệ thống mạng lưới y tế cơ sở ở nông thôn của bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, công trình giải phẫu mô tả và nhân trắc học Việt Nam của giáo sư Đỗ Xuân Hợp, công trình về cắt gan khô của Giáo sư Tôn Thất Tùng... là những tài liệu tham khảo có giá trị cho các đồng nghiệp ở nước ngoài, kể cả các nước phát triển.

Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực KHCN năm 2010         Nguồn: ITN

Hoàng Bá Thỉnh (34 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Xin hỏi TSKH Nghiêm Vũ Khải, xin bác cho biết Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN và các lĩnh vực khác nhau như thế nào?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Luật Thi đua, khen thưởng quy định: Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét tặng cho tác giả của một hoặc nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục và văn học, nghệ thuật đạt các tiêu chuẩn sau: Đặc biệt xuất sắc; Có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; Có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn học, nghệ thuật. 

Còn Giải thưởng Nhà nước được xét tặng cho tác giả của một hoặc nhiều công trình nghiên cứu KHCN, giáo dục, những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội theo tiêu chuẩn sau: Các công trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN xuất sắc, có tác dụng nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội; Những sách giáo khoa, giáo trình có giá trị xuất sắc và được sử dụng rộng rãi trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. 

Như vậy, các tiêu chí để xét tặng có thể so sánh như sau: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước Đặc biệt xuất sắc - Xuất sắc, Có giá trị rất cao - Có giá trị cao, Ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài -  Ảnh hưởng lớn, Góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế -  Góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội quốc dân, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn học, nghệ thuật. 

Nguyễn Danh Ngọc (45 tuổi), ngocdanh@yahoo.com: Được biết, cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” được đánh giá là một phát hiện làm thay đổi quan điểm tìm kiếm dầu khí truyền thống trên thế giới. Cụm công trình này cũng giúp PVN giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về KHCN năm 2012. Ông có thể cho độc giả biết rõ hơn về giá trị và những đóng góp của cụm công trình này? Và tại sao các doanh nghiệp tư nhân cùng đầu tư nghiên cứu KHCN nhưng lại không thể giành được giải thưởng này?

Ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2010

Nguồn: pvn.vn

TSKH Phùng Đình Thực, Nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Đây là một cụm công trình tiêu biểu và đặc biệt xuất sắc của PVN. Nó thể hiện ở giá trị cao về KHCN, về ứng dụng thực tiễn và hiệu quả kinh tế. Cụ thể:

- Về giá trị KHCN: nó làm thay đổi quan điểm truyền thống về tìm kiếm thăm dò dầu khí, là một đóng góp lớn cho khoa học dầu khí thế giới. Giá trị KH của nó đã tạo nên động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường hợp tác tìm kiếm dầu khí tại Việt Nam, từ đấy phát hiện đến 80% trữ lượng dầu khí Việt Nam là từ tầng móng. Thứ hai, công trình đã làm rõ cấu trúc địa chất chưa có tiền lệ của tầng móng, làm rõ sự phân bố sản phẩm, độ thấm, độ chứa (2 độ rỗng, 2 độ thấm), từ đó xây dựng một hệ thống khai thác tối ưu, đặc biệt các công nghệ duy trì áp lực vỉa, nhằm nâng cao hệ thống thu hồi dầu. Đây là một đóng góp lớn cho khoa học khai thác dầu khí. Từ thành tựu của cụm công trình này, các công ty dầu khí quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam đã áp dụng thành công và mang lại hiệu quả cao.

- Về giá trị thực tiễn: Kết quả của cụm công trình đã được ứng dụng và phát hiện thêm hàng chục mỏ khác như: Rạng Đông, Sư tử đen, Sư tử vàng, Sư tử trắng, Hải sư đen, Hải sư trắng, Hổ xám; Rồng đồi mồi... Đến nay đã trên 200 triệu tấn dầu được khai thác từ tầng móng.

- Về hiệu quả kinh tế: Cụm công trình này mang lại hiệu quả kinh tế đặc biệt to lớn, doanh thu bán dầu từ tầng móng đến thời điểm công trình công bố đạt trên 65 tỷ USD. Riêng áp dụng những giải pháp của công trình đã bổ sung thêm 15 tỷ USD.

Theo tôi, các doanh nghiệp tư nhân chưa giành được giải thưởng này chứ không phải là không thể. Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay rất nhiều về số lượng nhưng quy mô lại nhỏ và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Đầu tư cho khoa học chưa nhiều, đội ngũ làm khoa học thì thiếu trong khi yêu cầu tiêu chí của giải thưởng lại rất cao về giá trị khoa học, về ảnh hưởng to lớn lâu dài trong đời sống. Tôi hy vọng trong thời gian tới, cùng với sự phát triển, doanh nghiệp tư nhân sẽ có những công trình KHCN xứng tầm đạt được giải thưởng.

Trần Bá Nam (44 tuổi), Ngọc Hồi, Gia Lâm: Xin có một câu hỏi gửi TS Trần Đức Cường, là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN?

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Cùng với nhiều hình thức tôn vinh khác nhau của Đảng và Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước là một trong những hình thức tôn vinh cao quý nhất đối với những đóng góp của các nhà khoa học thể hiện qua các công trình và cụm công trình. Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ là hình thức động viên khuyến khích các nhà khoa học có thêm những sáng tạo, những công trình nghiên cứu có giá trị phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Nguyễn Xuân Thu (30 tuổi), Đan Phượng, Hà Nội: Xin hỏi ông Nghiêm Vũ Khái, ông có thể cho biết tác động của giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước đối với các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực KHCN như thế nào trong thời gian qua?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Bản thân các công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN đều là những công trình có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Chẳng hạn, công trình khoa học “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng” của Tập thể các nhà khoa học ngành dầu khí đã góp phần tăng sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam. Phát huy thành tựu đã đạt được, các nhà khoa học ngành dầu khí đang chuẩn bị hồ sơ tham gia xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đợt 5, dự kiến trao giải vào dịp Quốc khánh 2.9 năm 2016. 

Đối với nhà khoa học chân chính thì đãi ngộ chỉ là nhu cầu thứ yếu. Đối với họ, có được môi trường sáng tạo và được xã hội tôn vinh là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao nhất. Vì vậy, công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực KHCN là một hoạt động có ý nghĩa rất to lớn.

Lê Ngọc Bình (35 tuổi), lengocbinh41@gmail.com: Dường như 5 năm một lần, thông tin về đợt trao giải rồi lại đi vào quên lãng. Theo Ông, làm thế nào để có thể thông tin rộng rãi, thường xuyên các công trình tiêu biểu để đông đảo nhân dân thực sự nhận thấy được sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Nhân dịp các đợt trao giải thì công tác thông tin truyền thông được thực hiện một cách mạnh mẽ, rộng khắp, tạo thành cao trào. Sau đó lắng đi. Đó cũng là bình thường, vì có nhiều vấn đề cũng cần được tuyên truyền theo những chủ đề “nóng” của mỗi thời điểm và sự quan tâm của công chúng. Tuy vậy, giới truyền thông KHCN cũng cần làm nhiều hơn, quyết liệt hơn để tôn vinh những nhà khoa học có cống hiến xuất sắc cho đất nước, đặc biệt là những công trình đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Việc làm đó nhằm khơi dậy hoài bão, đam mê của thế hệ trẻ và để tạo nên văn hóa biết tôn vinh tri thức, coi tri thức làm nền tảng của phát triển.

Ví dụ, yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nó được hun đúc trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Muốn có một văn hóa tôn vinh khoa học và sáng tạo thì cùng với việc đầu tư mạnh mẽ cho phát triển KHCN, phải tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên những tấm gương tốt, những công trình KHCN tiêu biểu, những ứng dụng KHCN thành công trong sản xuất và đời sống.

Trong hoạt động truyền thông KHCN, cần đổi mới phương thức, đối tượng, nội dung truyền thông phù hợp với bối cảnh cạnh tranh về truyền thông ngày càng gay gắt. Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đang xây dựng đề án truyền thông và phổ biến kiến thức KHCN trình Thủ tướng ban hành. Trong đó, coi vấn đề truyền thông về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Hồ Đình Long (47 tuổi), TP Bắc Ninh: Xin hỏi anh Đặng Quang Huấn, hiện nay nhiều nhà khoa học trẻ đang ở nước ngoài có nguyện vọng được về nước làm việc, nhưng họ lo ngại về môi trường, mức thu nhập. Anh có lời khuyên gì cho họ?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Tôi được biết, ngày 12.10.2015, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân khi nói chuyện về đổi mới KHCN với hàng nghìn sinh viên nhân dịp năm học mới của Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung về chính sách đãi ngộ và trọng dụng cán bộ khoa học. Theo Bộ trưởng, Nghị định 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo cơ chế và chính sách mới. Cá nhân tôi chỉ có lời khuyên nhỏ đối với nhà khoa học trẻ đang ở nước ngoài: hãy hướng về Tổ quốc, đồng hành, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam và cùng đồng bào trong nước, kiểu bào ở nước ngoài vun đắp, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu, mạnh.

Lê Thanh Bình (39 tuổi), Thanh Thủy, Phú Thọ: Xin hỏi ông Đặng Quang Huấn, tại sao không có giải thưởng lớn cho doanh nghiệp áp dụng KHCN?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh doanh nghiệp có thành tích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28.7.2010 kèm theo "Quy chế quản lý tổ chức xét tặng tôn vinh danh hiệu và giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp". Bộ KHCN nghệ hàng năm tổ chức xét tặng Giải thưởng chất lượng Quốc gia theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tôn vinh doanh nghiệp có thành tích trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Như tôi đã trả lời, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN là hai Giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho các tác giả, đồng tác giả có công trình, cụm công trình KHCN có giá trị rất cao về KHCN và thực tiễn. Vì vậy, doanh nghiệp áp dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 78/2014/NĐ-CP, tức là hai Giải thưởng này không xét tặng cho doanh nghiệp.

Nghiêm Quang Huy (42 tuổi), Lĩnh Nam, Hà Nội: Xin hỏi TS Trần Đức Cường, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là 2 viện đầu ngành những năm qua có nhiều tác giả, cụm công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Đây đồng thời cũng là nơi được Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực. Xin ông cho biết, để có những công trình khoa học có giá trị, hiệu quả cao thì chính sách và nguồn lực đầu tư cần phải được đổi mới như thế nào?

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Hiện nay, cùng với giới nghiên cứu khoa học trong cả nước các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện hàn lâm KHCN Việt Nam cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhằm thực hiện các công trình khoa học. Tôi hi vọng, trong các năm tới sẽ có nhiều công trình khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc 2 viện hàn lâm này đạt chất lượng xuất sắc và đặc biệt xuất sắc để có thể được xét chọn và tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Trong một vài năm gần đây ngân sách cho hoạt động khoa học đã được tăng cường. Quỹ phát triển KHCN quốc gia mới trải qua hơn 6 năm hoạt động, được các nhà khoa học hoan nghênh, tích cực tham gia và đạt chất lượng tốt. Công tác tổ chức tuyển chọn, quản lý và nghiệm thu đề tài có bước tiến triển phù hợp hơn với thực tiễn công tác nghiên cứu khoa học.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và bản thân các nhà khoa học là nâng cao chất lượng đào tạo đại học, trên đại học và dĩ nhiên cả nền tảng là giáo dục phổ thông để có thể cung cấp cho các cơ quan nghiên cứu nguồn nhân lực đạt chất lượng cao. Đồng thời phải thực sự cải tiến chế độ tiền lương để các nhà khoa học đủ sống và thực sự tập trung cho việc nghiên cứu về những lĩnh vực chuyên ngành mà họ ưa thích...

Nguyễn Đức Lợi (45 tuổi), Yên Bái: Xin hỏi ông Phùng Đình Thực, từ thực tế hoạt động của Tập đoàn, xin ông cho biết, để có các công trình khoa học có giá trị và hiệu quả cao, đủ tiêu chí để đạt hai giải thưởng danh giá thì cần phải có những điều kiện gì? Việc đầu tư cho các nhà khoa học đã thực sự thỏa đáng, đáp ứng được đòi hỏi của quá trình sáng tạo hay chưa?

TSKH Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Có rất nhiều tiêu chí, điều kiện, yếu tố nhưng trong đấy có 3 yếu tố quan trọng: Con người, thiết bị và chính sách. Không có con người thì không làm được gì cả, có con người nhưng không có thiết bị thì chất lượng của hoạt động khoa học sẽ không cao và sẽ không có sản phẩm tốt. Thứ ba là phải có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các nhà khoa học hoạt động tốt nhất.

Theo tôi, KHCN của Việt Nam chưa được phát triển như mong muốn có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là việc đầu tư cho các nhà khoa học chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình sáng tạo. Chúng ta phải tự hỏi tại sao các chuyên gia của ta từng tốt nghiệp ở nước ngoài, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân nhưng về Việt Nam thì không phát huy được tài năng. Đây chính là do môi trường làm việc, do chính sách, do đầu tư chưa thỏa đáng. Tôi nghĩ không chỉ đơn thuần là chính sách đãi ngộ, mà cái chính là môi trường, điều kiện làm việc để các nhà khoa học có thể cống hiến mới là quan trọng.

Cao Thúy Điệp (46 tuổi), diepca.nguyen@yahoo.fr: Xin được hỏi ông Đặng Quang Huấn, cần làm gì để giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy không chỉ những người làm khoa học nỗ lực, sáng tạo để có được các công trình xuất sắc mà còn khuyến khích những người dân bình thường đam mê khoa học có những công trình mang tính ứng dụng cao?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Sau khi Hội nghị Ban Chấp hành TƯ lần thứ 6 Khóa XI thông qua Nghị quyết về "Phát triển KH và CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và QH Khóa XIII thông qua Luật KH và CN ngày 18.6.2013. Báo ĐBND đã kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu đến ĐBQH và cử tri cả nước về các bài viết của Bộ trưởng Nguyễn Quân đề cập đến 3 vấn đề đổi mới trong KHCN. Đó là: đổi mới phương thức đầu tư xã hội cho KHCN; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN; và đổi mới chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KHCN. Bộ KHCN được Chính phủ giao thẩm quyền tổ chức việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN. Vì vậy, cơ quan, đơn vị được giao giúp Bộ trưởng Bộ KHCN phải quán triệt về những vấn đề đổi mới nêu trên để giúp Bộ trưởng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng tác giả công trình KHCN xuất sắc; việc tổ chức xét tặng tại hội đồng Giải thưởng các cấp phải công bằng, dân chủ, khách quan; và phải mời được các nhà khoa học có uy tín, am hiểu lĩnh vực KHCN của công trình để tham gia vào Hội đồng Giải thưởng các cấp...

Tôi hy vọng, với việc thực hiện có trách nhiệm các nội dung nêu trên kết hợp với việc truyền thông để xã hội ghi nhận, tôn vinh kết quả dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thì Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN sẽ thực sự là động lực thúc đẩy không chỉ những người làm khoa học nỗ lực, sáng tạo để có được các công trình xuất sắc mà còn khuyến khích những người dân bình thường đam mê khoa học có những công trình mang tính ứng dụng cao.

Lê Hà Anh (41 tuổi), Hà Nội: Thưa GS Trần Đức Cường, Giải thường Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về lĩnh vực xã hội khác với giải thưởng về KHCN như thế nào ? Tại sao lại không có những người trẻ có thể nhận được giải thưởng này ?

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Giải thưởng HCM và giải thưởng Nhà nước về KHCN, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đều có những yêu cầu giống nhau về chất lượng, về giá trị đúng như tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng HCM và giải thưởng Nhà nước. Cần chú ý đến 2 yếu tố khi nói về lứa tuổi. Có một số nhà khoa học được nhận giải thưởng Nhà nước và giải thưởng HCM khi tuổi đã cao, nhưng không ít công trình trong số đó đã được nghiên cứu và công bố khi tuổi của họ còn tương đối trẻ. Và thêm nữa, một số công trình tập thể được giải HCM và giải thưởng Nhà nước bao gồm không ít các đồng tác giả còn trẻ. Theo tôi, không nên lấy tiêu chí tuổi trong việc xét giải thưởng, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng, giá trị của công trình. Quy định của Nhà nước về việc 5 năm xét 1 lần là hợp lý.

Phan Diệu Linh (48 tuổi), Cầu Giấy, Hà Nội: Xin hỏi ông Phùng Đình Thực, với đặc thù là ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong những năm qua, PVN đã tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về KHCN với nhiều tổ chức, các đối tác và công ty dầu khí nước ngoài không thưa ông?

TSKH Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Do đặc thù của ngành, tôi có thể khẳng định, PVN là đơn vị đi tiên phong trong hợp tác quốc tế. Trong những năm qua, PVN đã hợp tác với hàng chục những công ty dầu khí lớn, những cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu trên thế giới. Trong số 10 công ty dầu khí hàng đầu thế giới hiện nay, PVN đang hợp tác hiệu quả với 8 trong số đó như: Gasprom (Nga), Exxon Mobil (Mỹ), Rosneft (Nga), Coet (Trung Đông), BP (Anh)... Các cơ sở nghiên cứu khoa học của Petro Việt Nam đang hợp tác hiệu quả với nhiều các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới của Pháp, Nga, Nauy, Mỹ, Nhật. Gần đây nhất, ngày 21 - 22.10.2015, tại TP Hồ Chí Minh, PVN tổ chức Hội nghị Khoa học "Petro Việt Nam 40 năm - Hội nhập và phát triển", có đến 59 tổ chức nghiên cứu KH quốc tế tham gia. Nhiều chuyên đề chuyên sâu đã được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị này. Có thể khẳng định rằng trong một thời kỳ bùng nổ KHCN, không có hợp tác quốc tế chắc chắn sẽ không có kết quả cao.

Công trình giàn khoan tự nâng 90m nước      Nguồn: pvn.vn

Nguyễn Tiến Đạt (42 tuổi), TP Hà Tĩnh: Tôi xin hỏi ông Phùng Đình Thực, làm một trong những thành viên nhận giải thưởng, ông đánh giá như thế nào về công trình của ông khi tham gia giải thưởng? Và liệu phần thưởng đó có xứng đáng với đúng giá trị của nó? Tại sao?

TSKH Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Đây là một công trình tiêu biểu, đặc biệt xuất sắc có giá trị cao về KHCN, làm thay đổi quan điểm truyền thống về tìm kiếm thăm dò dầu khí, đóng góp vào khoa học dầu khí thế giới. Công trình đã được áp dụng tại Việt Nam, đến nay đã khai thác trên 200 triệu tấn dầu từ tầng đá móng. Công trình đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, đóng góp bổ sung 15 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng lớn nhất về KHCN của Việt Nam, theo tôi Cụm công trình tìm kiếm phát hiện và khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng thềm lục địa Việt Nam xứng đáng được giải thưởng cao quý này.

Nguyễn Tiến Đạt (42 tuổi), TP Hà Tĩnh: Liệu có việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi áp dụng cho xét thưởng giải thưởng cho các nhà khoa học tại nước ngoài tham gia giải thưởng không, thưa ông Đặng Quang Huấn?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Có, Nghị định số 78/2014/NĐ-CP có quy định nội dung điều chỉnh, mở rộng phạm vi áp dụng xét tặng Giải thưởng cho tác giả công trình là khoa học tại nước ngoài nhưng có công trình KHCN nghiên cứu về Việt Nam. Việc tổ chức xét tặng giải thưởng cho tác giả công trình là nhà khoa học tại nước ngoài bình đẳng với tác giả công trình là nhà khoa học trong nước.

Trần Đình Vân (35 tuổi), Hà Nội: Thưa bác Nghiêm Vũ Khải, cháu cũng như các bạn học rất đam mê KHCN, nhưng sau thời gian làm nghiên cứu đơn thuần thì đam mê giảm dần và chuyển sang làm cho doanh nghiệp như vậy có phải tại KHCN hay tại chính sách không khuyến khích đi sâu nghiên cứu để giành các giải thưởng lớn như các chú, các bác?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thế hệ trẻ Việt Nam rất giàu hoài bão cống hiến. Tuy nhiên, trong lĩnh vực KHCN các chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhà khoa học tuy đã được ban hành nhưng triển khai trên thực tế còn chậm và chưa thật hiệu quả. Do đó, nhiều thanh niên sau khi đã học rất bài bản đã không được sử dụng và phát huy hết tài năng trong lĩnh vực KHCN. Hiện nay, có khoảng 120 nghìn sinh viên đang theo học các ngành KHKT mũi nhọn ở các trường đại học thuộc các nước tiên tiến, phát triển. Trong số đó, đa số phải tìm công việc tại các quốc gia sở tại hoặc chuyển sang làm nghề khác. Đây là một tổn thất “chất xám” rất lớn. 

Trong thời đại ngày nay, cuộc giành giật các nhân tài xuất sắc đang diễn ra gay gắt. Có được nhân tài xuất sắc là chiếm lĩnh được lợi thế cạnh tranh. Câu chuyện như cháu chia sẻ, nhiều bạn trẻ rất đam mê KHCN, nhưng sau thời gian làm nghiên cứu đơn thuần thì đam mê giảm dần và chuyển sang làm cho doanh nghiệp là một hiện tượng phổ biến. Là người đã từng tham gia nghiên cứu, quản lý KHCN, bác thấy mình có một phần trách nhiệm để xảy ra thực trạng này.

Gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Hi vọng rằng, các bạn trẻ đam mê khoa học sẽ có nhiều cơ hội cống hiến, phục vụ sự phát triển của nền KHCN nước nhà.

Trần Nam Anh (25 tuổi), Ba Vì, Hà Nội: Tôi biết ông Trần Đức Cường là 1 nhà nghiên cứu lịch sử, ông bình luận gì về có ý kiến nói rằng Bộ GD - ĐT không đưa môn lịch sử là môn bắt buộc?

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Đảng và Nhà nước ta đều rất coi trọng việc giáo dục về lịch sử, về truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường, sáng tạo của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từng viết "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Người còn viết công trình Bản án chế độ thực dân Pháp. Chúng tôi coi đây là một công trình sử học. Trước đó nhà yêu nước Phan Bội Châu đã từng viết "Việt Nam vong quốc sử" nói về nỗi nhục mất nước để khích lệ tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Nhà nước ta chủ trương huy động sức mạnh của 4 nghìn năm lịch sử trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết cuốn sách Tổ tiên ta đánh giặc để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho chiến sỹ quân đội.

Là người đã có những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam tôi đã được đọc cuốn sách này ở một đơn vị quân đội cấp đại đội. Hiện nay, quân và dân ta đang ra sức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu quý, có lẽ nào giáo dục lịch sử không cần thiết nữa khi một số hải đảo và vùng biển của Tổ quốc đang bị xâm phạm và đe dọa? Tôi cực kỳ ngạc nhiên khi được nghe nói rằng Bộ GD - ĐT không đưa môn lịch sử là môn bắt buộc. Kinh nghiệm cho thấy, môn lịch sử góp phần rất đắc lực vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục tư cách công dân và nhân cách con người cho mỗi chúng ta.

Nguyễn Hà Nam (38 tuổi), TP Hồ chí Minh: Thưa Vụ Trưởng, tôi là người làm khoa học nhưng tôi thấy để có được giải thưởng Hồ Chí Minh hay giải thưởng Nhà nước về KHCN khó khăn hơn nhiều so với cá lĩnh vực khác. Tại sao lĩnh vực KHCN lại không có những người trẻ có thể nhận và được vinh danh?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN là hai Giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho các tác giả, đồng tác giả có công trình, cụm công trình có giá trị cao về KHCN và thực tiễn. Trong đó, các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN có hiệu quả kinh tế xã hội, ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi đồng ý là trong 4 đợt xét tặng và trao giải trước đây cho 216 công trình, cụm công trình KHCN đã được nhận giải thưởng (trong đó có 82 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 134 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Nhà nước) có ít nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi được nhận Giải thưởng. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 78/2014/NĐ-CP không phân biệt độ tuổi, miễn là nhà khoc học đó là tác giả công trình, cụm công trình KHCN có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của Giải thưởng.

Vũ Minh Trang (30 tuổi), TP Yên Bái: Tôi xin hỏi ông Phùng Đình Thực, để có thể nhận được giải thưởng đã có nhiều đề tài, dự án khoa học tham gia. Ông đánh giá như thế nào về các kết quả của Hội đồng giải thưởng qua các đợt trao giải vừa qua?

TSKH Phùng Đình Thực, Nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Các kết quả của Hội đồng giải thưởng vừa qua đã kịp thời tôn vinh các nhà khoa học có công trình xuất sắc, là một động lực giúp các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và công hiến. Có thể nói rằng, Hội đồng giải thưởng đã có những đánh giá rất công phu, kỹ lưỡng, qua 3 cấp (cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước). Quá trình đánh giá rất khoa học, khách quan, minh bạch, công khai. Các công trình được công bố đều xứng đáng với giải thưởng này.

Hà Bình (28 tuổi), Hà nội: Thưa TS Phùng Đình Thực, được biết tiến sĩ nhận được giải thưởng cao quý của Nhà nước. Vậy đông cơ nào giúp tiến sĩ hoàn thành công trình nghiên cứu mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực ?

TSKH Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Tôi không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp, nhưng trước một đòi hỏi khách quan của thực tiễn, tôi đã cố gắng cùng các đồng nghiệp của mình tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết bài toán mà thực tiễn đang đặt ra. Ví dụ, năm 1986, chúng ta đã có Dầu nhưng còn rất ít. Câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học là Dầu ở đâu? Từ thực tiễn đó, các nhà khoa học lao vào tìm lời giải. Và đã tìm ra lời giải là Dầu trong đá móng (một thân dầu phi truyền thống), làm thay đổi quan điểm về tìm kiếm dầu khí. Khi đã có Dầu, thực tiễn lại đòi hỏi việc khai thác thân dầu phi truyền thống này như thế nào? Thực tiễn lại đặt ra bài toán cho khoa học dầu khí Việt Nam giải quyết và chúng ta đã giải quyết thành công, hiệu quả, góp phần làm phong phú hơn khoa học dầu khí thế giới.

Ví dụ thứ hai, Dầu của chúng ta rất nhiều paraphin. Vận chuyển Dầu như vậy theo đường ống ngầm dưới đáy biển vô cùng phức tạp, liên tục có sự cố. Thực tiễn ấy đòi hỏi các nhà khoa học lại đi tìm lời giải. Và kết quả, các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng được công nghệ riêng của mình, vận chuyển an toàn dầu khí theo các đường ống ngầm dưới biển hàng chục năm nay.

Cống đập Thảo Long (Thừa Thiên Huế) có chiều dài hơn 500m, nhịp dài 33m nhất nước ta, được thi công với công nghệ  đập trụ đỡ. Đây là cụm công trình Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho "Cụm công trình ngăn sông: đập trụ đỡ và đập xà lan di động” của GS.TS. Trương Đình Dụ và nhóm nghiên cứu của Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

 

Nguồn: ITN

Hoàng Thanh Hải (36 tuổi), TP Hải Phòng: Xin hỏi ông Trần Đức Cường, Viện đã có những hoạt động cụ thể nào để tạo điều kiện cho cá nhân, đơn vị, tập thể của Viện tham gia giải thưởng trong thời gian qua?

Nguyên PCT Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trần Đức Cường: Viện hàn lâm KHXH việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân và nhóm nghiên cứu thực hiện các công trình khoa học theo các hình thức là đề tài cấp nhà nước, đề tài cấp bộ (tức cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội) và cấp cơ sở (tức các viện chuyên ngành, liên ngành...) Qua các hình thức tổ chức đề tài như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều công trình đạt chất lượng xuất sắc và đặc biệt xuất sắc để có thể được xét tặng các giải thưởng cao quý mà hôm nay chúng ta đang nói đến.

Phạm Hồng Hà (39 tuổi), Đà Nẵng: Thưa Vụ trưởng Đặng Quang Huấn, làm thế nào để gửi đề tài tham gia giải thưởng Nhà nước? Giá trị giải thưởng có lớn không? Điều gì khiến lớp trẻ chúng tôi đam mê nghiên cứu KHCN để có những công trình xuất sắc tham dự giải thưởng ?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Công trình tham gia xét tặng Giải thưởng Nhà nước cần phải: thứ nhất, phải có hồ sơ đề nghị xét tặng theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 78/2014/NĐ-CP. Thứ hai, nếu hồ sơ của bạn hợp lệ thì sẽ được tổ chức xét tặng độc lập tại 3 cấp (cấp cơ sở; cấp Bộ, ngành, địa phương và cấp Nhà nước). Đề nghị bạn tham khảo quy trình xét tặng được quy định tại Điều 16 Nghị định 78/2014/NĐ-CP của Chính phủ. 

Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KHCN được nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng. (Hiện nay, theo quy định của Nghị định 66/2013/NĐ-CP mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng). Bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 22 Nghị định 78/2014/NĐ-CP để biết rõ các quyền lợi khác có liên quan.

Trần Minh Hà (29 tuổi), Tân Lạc, Hòa Bình: Thưa ông Phùng Đình Thực, theo ông để Giải thưởng tiếp tục thu hút cộng đồng khoa học tham gia cần phải có những thay đổi như thế nào cho phù hợp với xu thế hiện nay? Tại sao?

TSKH Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Để Giải thưởng tiếp tục thu hút cộng đồng khoa học tham gia, ta cần phải có những chính sách phù hợp, tôi muốn nói đến việc chính sách đưa ra phải đi vào được cuộc sống. Tôi lấy ví dụ: Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc xây dựng quỹ phát triển KHCN, đây là một chủ trương, một cố gắng rất lớn của các cơ quan xây dựng chính sách. Tuy nhiên lại rất khó đi vào cuộc sống. Ở PVN, các đơn vị đã có quỹ nhưng không sử dụng được vì có điều khoản là: Khi áp dụng công nghệ mới phải được cơ quan quản lý khoa học ở địa phương xác nhận. Nhưng thực tiễn cho thấy, khi đã có công nghệ mới các cơ quan này không thể xác nhận vì tính chuyên sâu của các thiết bị công nghệ này, kết quả là không sử dụng được quỹ. PVN đang đề nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thông thoáng hơn để Nghị định sớm đi vào cuộc sống.

Trần Hải Ngọc (44 tuổi), Duy Tiên, Hà Nam: Thưa ông Đặng Quang Huấn, ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt thứ 5 này (năm 2015 - 2016)?

Vụ trưởng Đặng Quang Huấn: Ngày 15.6.2015, Bộ trưởng Bộ KHCN đã ban hành Kế hoạch số 2043/BKHCN-TĐKT về tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt 5. Theo đó, đợt xét thưởng lần thứ 5 sẽ được tiến hành độc lập theo 3 cấp như sau: cấp cơ sở; cấp Bộ, ngành, địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); cấp Nhà nước được tiến hành theo hai bước. Bước một tại các Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước và bước hai tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước. 

Về tiến độ xét tặng Giải thưởng tại Hội đồng các cấp và dự kiến thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ kết quả xét tặng:

1. Hội đồng cấp cơ sở tổ chức xét tặng Giải thưởng từ ngày 01.12.2015 và hoàn thành trước ngày 31.12.2015.

2. Hội đồng Cấp Bộ, ngành, địa phương (tỉnh/TP trực thuộc TƯ) tổ chức xét tặng Giải thưởng từ ngày 05.01.2016 và hoàn thành trước 28.02.2016.

3. Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức xét tặng Giải thưởng từ ngày 10.3.2016 và hoàn thành trước ngày 12.6.2016: Bộ KHCN sẽ nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước kết thúc vào 17h ngày 05.3.2016. Thời gian được tính theo dấu bưu điện của Bưu điện (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc dấu " Văn bản đến" của Văn phòng Bộ KHCN. Địa chỉ 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Các công trình KHCN tham dự giải thưởng sẽ được Hội đồng xét tặng giải thưởng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng.

Dự kiến giải thưởng sẽ được công bố và trao tặng vào dịp Quốc khánh 2.9.2016.

Trần Nhật Minh (30 tuổi), Thái Nguyên: Thưa ông Phùng Đình Thực, với tư cách là một trong số những người đã nhận được Giải thưởng, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với các cá nhân, tổ chức, đơn vị,... đã và đang mong muốn tham gia Giải thưởng?

TSKH Phùng Đình Thực, Nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Thứ nhất, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, vượt qua mọi khó khăn tìm ra lời giải phù hợp nhất mà thực tiễn đang đặt ra. Thực tiễn rất phong phú, sinh động, liên tục phát triển và cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu công phu để tìm ra lời giải phù hợp nhất. Thứ hai, trong lao động sáng tạo, ta không được dừng lại ở nhận thức cũ, phải rời khỏi các lối mòn, đừng bao giờ nghĩ rằng công nghệ đang sử dụng là đã hoàn thiện, khoa học là luôn đổi mới. Thứ ba, phải tập hợp được lực lượng trí tuệ. Những bài toán hiện nay đặt ra càng ngày càng phức tạp, đa ngành, chuyên sâu, rất khó để một người có thể hoàn thành tốt. VD: Công trình phát hiện rò rỉ đường ống ngầm dưới biển mang lại hiệu quả hàng trăm nghìn USD đã tập hợp được 11 chuyên gia nhiều lĩnh vưc (khai thác dầu, vận chuyển dầu, toán, lý, hóa , cơ) tham gia cùng giải. Nếu không tập hợp được lực lượng thì sẽ không giải được bài toán trên.

Kim Quốc Công (45 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Thưa Ông Phùng Đình Thực, ở các nước Giải thưởng không chỉ là tôn vinh, ghi nhận của xã hội mà còn có giá trị kinh tế đáng kể. Ông nghĩ sao về điều này?

TSKH Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Theo tôi điều này là hoàn toàn phù hợp. Một giải thưởng lớn phải có được các giá trị cao về khoa học, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ảnh hưởng to lớn và lâu dài trong đời sống.

Nguyễn Thị Kha (45 tuổi), Lào Cai: Thưa ông, Nghiêm Vũ Khải, ông có đề xuất gì đối với Ban tổ chức Giải thưởng không, thưa ông?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: - Cần chú ý các đối tượng là các nhà khoa học trẻ. 

- Có định hướng ưu tiên những lĩnh vực KHCN trọng điểm, có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam, như KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, y học và sức khỏe, khoa học biển, khoa học trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin - truyền thông… 

- Tăng tiền thưởng cho các tác giả, tập thể tác giả đạt giải. 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giải thưởng rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện truyền thông với nhiều cách làm sáng tạo, hấp dẫn để khích lệ, tôn vinh những cống hiến của giới khoa học như chủ đề của cuộc giao lưu ngày hôm nay.

Công trình “Nghiên cứu xây dựng mô hình tư vấn di truyền cho các gia đình chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh” do GS. Trịnh Văn Bảo làm chủ nhiệm đề tài được thực hiện từ năm 2000 đến tháng 12.2004 tại Đại học Y Hà Nội. 

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Nguyễn Phan Trung (47 tuổi), Bách Khoa, Hà Nội: Xin được hỏi ông Nghiêm Vũ Khải, việc vinh danh các nhà khoa học thông qua Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN, nhưng làm thế nào truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, doanh nghiệp, thưa Ông?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Có nhiều cách để nuôi dưỡng, tạo cảm hứng, đam mê sáng tạo KHCN. Một trong những biện pháp là trao tặng vinh dự nhà nước như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. 

Mặt khác, cũng phải thấy rằng số người đạt giải thưởng cao như vậy là rất ít. Cứ 5 năm thì bình quân chỉ có 15 - 20 Giải thưởng Hồ Chí Minh về tất cả các lĩnh vực KHCN. Tuyệt đại đa số những người được tặng giải thưởng là những người đã cao tuổi; thường là trên 65 tuổi. Tức là nhận giải thưởng cao quý ở tuổi đã nghỉ hưu. Có một thực tế là càng về sau thì số giải thưởng càng ít đi. Có nhiều giải thưởng lớn chủ yếu dựa vào sự nỗ lực, đam mê của nhà khoa học trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn với tinh thần “an bần lạc đạo”. Điều này rất đáng suy nghĩ. 

Tôi nghĩ, nếu tổ chức đánh giá, bình chọn kịp thời thì có thể có nhiều công trình của những nhà khoa học trẻ hơn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. 

Ngày 15.10 vừa qua, VUSTA tổ chức trao giải thưởng “Cuộc thi sáng tạo thiếu niên, nhi đồng toàn quốc” lần thứ 11 tại Nhà hát Lớn; đã có 106 đề tài của 43 tỉnh, thành phố được chọn và trao giải. 

Trong những năm gần đây, Bộ KHCN đã thực hiện chương trình nghiên cứu tiềm năng dành cho các nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, các hình thức khen thưởng cho các nhà sáng tạo không chuyên, cho nhà khoa học trẻ cũng như doanh nhân sáng tạo còn rất ít, chưa thường xuyên. 

Số lượng, chất lượng của công trình đoạt giải phản ánh thực trạng hoạt động KHCN của đất nước. Chúng ta đầu tư chưa thỏa đáng, chưa thực sự trọng dụng nhân tài nên chưa có nhiều công trình KHCN đạt giải thưởng lớn.

Phần lớn các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển R&D bởi vì đây là một hoạt động đầu tư chưa mang lại hiệu quả kinh tế ngay, chứa đựng nhiều rủi ro. Tôi mong rằng với những cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN trong các văn bản pháp luật được ban hành gần đây, sẽ có nhiều doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng KHCN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa. Qua đó, sẽ có những doanh nghiệp được xét tặng những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

ĐBND: Thưa quý vị, thưa các bạn! Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN là 2 giải thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho các nhà khoa học có công trình KHCN tiêu biểu, có giá trị cao về KHCN, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài trong đời sống. Bên cạnh sự tôn vinh các nhà khoa học, 2 giải thưởng này còn mang đến giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao giá trị tinh thần trong đời sống xã hội - trụ cột của sự phát triển bền vững.

Giá trị giải thưởng chính ở sự động viên, cổ vũ lớp lớp thanh niên dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu KHCN, cống hiến cho đất nước, mang lại sự vinh quang cho dân tộc Việt Nam.

Báo Đại biểu nhân dân chân thành cảm ơn nhiều câu hỏi hay, tâm huyết, thẳng thắn của bạn đọc gửi tới các vị khách mời. Vì thời gian dành cho giao lưu trực tuyến có giới hạn, Báo Đại biểu nhân xin trân trọng cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi giao lưu. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp theo.

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thay mặt các khách mời, chân thành cảm ơn bạn đọc của Báo ĐBND.