|
|||
Đặt doanh nghiệp làm trung tâm Techmart Quốc tế Việt Nam 2015 là chợ công nghệ và thiết bị đa ngành, đa lĩnh vực với các sản phẩm thiết bị công nghệ có giá trị khoa học cao hơn, tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực Cơ khí - Chế tạo máy (25%), Nông - Lâm - Thủy sản - Chế biến thực phẩm (19%), Điện - Điện tử - Tự động hóa (16%), Hoá chất - Vật liệu xử lý môi trường (15%), Công nghệ thông tin - Viễn thông (13%); Y tế - Dược phẩm (12%). TS. Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia nhấn mạnh, đã phục vụ đổi mới công nghệ, thiết bị thì phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm định hướng cho các hoạt động hỗ trợ. Trong Techmart có cung công nghệ thực sự, đồng thời có cầu công nghệ cụ thể từ các doanh nghiệp và cuối cùng là kết nối, thúc đẩy chuyển giao một cách hiệu quả. Do vậy, điểm khác biệt lớn nhất của Techmart Quốc tế Việt Nam 2015 so với các kỳ Techmart trước là thực sự lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cả về nội dung hoạt động và hình thức tổ chức, cả về số lượng tham gia. Đây sẽ không còn là dịp biểu dương lực lượng đơn thuần của các cơ quan nghiên cứu mà là câu chuyện năng suất, chất lượng, đổi mới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bằng KH&CN. Về số lượng đơn vị tham gia cũng thể hiện điều đó khi có hơn 500 doanh nghiệp so với hơn 100 viện nghiên cứu.
Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn tham gia Techmart Quốc tế Việt Nam 2015 Lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến Techmart “ngược”, đó là việc các doanh nghiệp chủ động đưa ra những yêu cầu về đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp trong bài toán kinh doanh thực tế của mình. Đây là nơi để chính các nhà khoa học, các viện nghiên cứu “đi chợ” để có được các đặt hàng thực sự và thấy được thị trường cụ thể cho những sáng tạo của mình. Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững Thực tế hiện nay việc gắn kết các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp rất khó khăn vì giữa nhà khoa học và doanh nhân luôn có khoảng cách, bởi hai tinh thần, hai mục tiêu khác nhau. Các nhà khoa học muốn khoa học vì khoa học, còn doanh nghiệp muốn làm thế nào để có lợi nhuận. Techmart chính là nơi gắn kết các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp để khoa học không chỉ vì khoa học mà khoa học phải vì nhân sinh. Do vậy, Techmart năm nay chọn chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững” có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hiện nay. Đó chính là mối liên kết Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà khoa học, đồng thời là mối liên kết giữa cung và cầu công nghệ. Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, chủ động liên kết với các nhà khoa học để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, qua đó mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thực sự giúp chính bản thân họ cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước phát triển bền vững. Vai trò của Nhà nước trong mối liên kết này là tạo môi trường, điều kiện cần thiết, trước hết bao gồm hành lang pháp lý và các định chế trung gian, và những cơ hội thuận lợi để các nhà khoa học và các doanh nghiệp gặp gỡ, hợp tác nhằm đưa những thành tựu mới nhất về KH&CN vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Techmart chính là một cơ hội thuận lợi mà Nhà nước tổ chức để kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp, đồng thời là nơi giới thiệu, thúc đẩy lưu thông trên thị trường công nghệ các công nghệ là thành quả KH&CN có tiềm năng giá trị ứng dụng cao do các tổ chức nghiên cứu KH&CN, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tạo ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có công nghệ, thiết bị được chuyển giao tại Techmart sẽ có cơ hội được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao và Nhà nước có các chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này phát triển. Tại Techmart có một số doanh nghiệp điểm nhấn, dùng KH&CN để phát triển vượt bậc như các doanh nghiệp tiên phong công nghệ vì người tiêu dùng. Những doanh nghiệp đó rất quen tên, nổi tiếng và chính họ đã chứng nghiệm, không đổi mới sáng tạo là chết. Trải qua những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng từ thế giới cho đến kinh tế Việt Nam năm 2008, và cả hiện nay. Đó là Mỹ Lan là tập đoàn công nghệ cao, tạo nên tên tưổi là một “Silicon Valley của Việt Nam”; Misfit với sản phẩm là thiết bị thể thao độc đáo, dùng để đo mức độ vận động cơ thể, và là thiết bị đầu tiên tích hợp với smartphone chỉ đơn giản bằng cách đặt lên thiết bị lên trên màn hình cảm ứng. Hay như Mimosa Tek lại là một công ty dùng IT để hỗ trợ cho nông nghiệp chính xác, mở ra triển vọng rất gần cho quản trị sản xuất kinh doanh nông sản kiểu mới. Minh Long đã phát kiến ra công nghệ nung một lần khi cả thế giới chưa từng làm được. Giấy Sài Gòn đầu tư mạnh, sử dụng công nghệ mới và đang xuất khẩu hàng (nhiều loại giấy công nghiệp, các tông…) đi hơn 20 nước trên thế giới. Trong khi đó, Namilux là doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ Nhật và gây được tin cậy lâu bền với đối tác Nhật Bản nhờ thực hiện đúng chuẩn công nghệ, nghiêm nhặt về chất lượng, từ đó, hiện nay cũng là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bếp gas trong nước.
Namilux ứng dụng công nghệ Nhật Bản trong sản xuất bếp gas Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, Techmart có thể sẽ giúp thấy rõ thêm các điểm yếu cần được khắc phục trong việc tổ chức và quản lý thị trường KH&CN thực sự ở Việt Nam để đưa ra các chính sách phù hợp phát triển các chủ thể trong thị trường KH&CN. Được biết, hiện nay Bộ KH&CN đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích như: tổ chức các hoạt động xúc tiến gắn kết các nhà khoa học với sản xuất - kinh doanh, xúc tiến phát triển thị trường công nghệ. Hậu Techmart là giai đoạn rất quan trọng. Những công nghệ có tính ứng dụng cao, ký kết được nhiều hợp đồng, nhận Cúp vàng Techmart, Bộ KH&CN có cơ chế hỗ trợ để phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp và nông dân ở các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, bên bán và bên mua công nghệ nội sinh (nếu đáp ứng được những tiêu chí đặt ra) sẽ được hỗ trợ từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ và Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp... Tham gia Techmart lần này, để đổi mới công nghệ, thiết bị thực sự các doanh nghiệp đã có cơ hội tìm hiểu và được tư vấn về các công nghệ thiết bị hiện đại do các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cung cấp qua các gian hàng. Bênh cạnh đó, các doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu của chính mình về công nghệ, thiết bị qua các phiếu tìm mua công nghệ để ban tổ chức hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, viện, trường. Ngoài ra, doanh nghiệp đã được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng KH&CN thành công từ các doanh nghiệp, doanh nhân khác qua các diễn đàn, hội thảo. Qua Techmart các doanh nghiệp nhận thức được rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay muốn đạt được mục tiêu lợi nhuận cao cần phải ứng dụng KH&CN. Chỉ có áp dụng kết quả nghiên cứu KH&CN mới đi tắt đón đầu, tiết kiệm được thời gian. Thực tiễn cho thấy chuyển giao công nghệ bao giờ cũng là con đường ngắn nhất để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài, ảnh: Lê Chi
|