|
|||
“Tôi thực sự thấy bất ngờ khi biết mình có tên trong danh sách các nhà khoa học trẻ gặp gỡ Thủ tướng. Những thành tích mà tôi có được là thành quả của cả nhóm nghiên cứu và sự đóng góp từ việc hợp tác nghiên cứu với các nhóm quốc tế. Tuy nhiên, tôi cũng vui mừng vì buổi gặp gỡ này đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của Chính phủ với việc phát triển KHCN” – TS. Phạm Thi Tuyết Nhung đã không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ cảm xúc với tôi. TS. Nhung đang làm việc tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã có nhiều bài báo trên tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó có 27 bài thuộc danh mục ISI.
TS. Phạm Thị Tuyết Nhung Đối với TS. Phạm Hoàng Hiệp, bạn rất vinh dự vì được chọn là một trong các nhà khoa học trẻ tiêu biểu của cả nước gặp gỡ Thủ tướng nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70. “Mặc dù Thủ tướng rất bận với bao nhiêu công việc trọng đại của đất nước, song cũng đã dành một thời gian nhất định để gặp gỡ với các nhà khoa học trẻ. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng cũng như của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu khoa học hiện nay” – TS. Hiệp nhận xét. Phạm Hoàng Hiệp đang công tác tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), chuyên nghiên cứu khoa học cơ bản và tháng 6 vừa qua, bạn đã vinh dự được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ. Nhận định về chính sách phát triển KHCN, TS. Hiệp cho biết: “Trong những năm vừa qua, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ như các chương trình cấp học bổng đào tạo ở nước ngoài, các chương trình tài trợ, dự án nghiên cứu khoa học thông qua Quỹ Nafosted cũng như việc tổ chức xét tặng các giải thưởng của Bộ KH&CN. Những chính sách đó đã động viên, khuyến khích cán bộ làm nghiên cứu khoa học tích cực làm việc và đạt được những thành tích nhất định, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển KHCN của nước nhà. Là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi rất phấn khởi và biết ơn sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan quản lý khoa học, cũng như thế hệ các nhà khoa học đi trước đã giúp đỡ chúng tôi”. Với mong muốn tiếp tục được cống hiến năng lực, trí tuệ của mình cho khoa học, giáo dục nhằm góp phần thúc đẩy nền khoa học, công nghệ của nước nhà, TS. Phạm Hoàng Hiệp hy vọng trong thời gian tiếp theo, thế hệ những nhà nghiên cứu khoa học trẻ sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước và Chính phủ để có nhiều điều kiện đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp KHCN của nước nhà. Cùng quan điểm với TS. Hiệp, TS. Phạm Phương Chi đến từ Viện Văn học (Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam) cũng khẳng định: “Cuộc gặp mặt có ý nghĩa khích lệ đối với cá nhân tôi nói riêng và những người làm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Chúng tôi có thêm nguồn động viên tinh thần to lớn để tiếp tục con đường nghiên cứu - con đường vừa gắn bó với điều kiện thực tại và sự vận động của dân tộc, vừa có đối thoại và đóng góp cho khoa học và nhân văn của thế giới”. TS. Chi là một trong sáu gương mặt nhà khoa học nữ tham gia buổi gặp gỡ. Cô đã có các bài viết đăng trên tạp chí quốc tế và là tác giả của một cuốn sách chuyên khảo. Đến dự với nhiều tâm tư của một người nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, lựa chọn khoa học là “cái nghiệp” của đời mình, Phương Chi cho rằng, “ khoa học xã hội và nhân văn mang tầm quan trọng quốc gia, nhà khoa học là yếu tố trung tâm nên cần tôn trọng một cách tối đa sự sáng tạo và hoạt động nghiên cứu”. Là nhà khoa học trẻ phát biểu cuối cùng trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng, TS. Nguyễn Bá Hải đã thu hút toàn bộ hội trường bởi cách nêu vấn đề, cách giới thiệu khéo léo sản phẩm cũng như cách trình bày những tâm tư, trăn trở của mình trong quá trình nghiên cứu khoa học. Đến dự sự kiện này, Hải thật sự thấy vui và phấn khởi vì có thể sẽ có nhiều chuyển biến mới. Em cho biết: “Em thấy vui vì Thủ Tướng bận trăm công ngàn việc vẫn quan tâm đến khoa học và có niềm tin rằng, khoa học sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi tình hình khó khăn của kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước”. Với khả năng diễn đạt ngôn ngữ rất thuyết phục, TS. Hải đã thu hút Thủ tướng vào câu chuyện xung quanh những ý tưởng nghiên cứu, chế tạo của mình, từ chiếc kính dành cho người mù đến robot và máy pha cà phê công nghệ Nhật – Việt – Italia. Khi biết Thủ tướng đồng ý giao Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn Thanh niên phối hợp triển khai dự án sản xuất kính dành cho người mù với số lượng rất lớn, Bá Hải thực sự xúc động. “Em thấy vui vì Thủ tướng quan tâm đến những người khó khăn như người mù và cũng quan tâm đến khoa học, rất cương quyết và đã chỉ đạo tức thời”. Không chỉ có Hải mà đồng nghiệp của em và Ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - nơi em đang công tác, đều cũng mong đợi một sự thay đổi sau sự kiện này. Bá Hải đề xuất cần tổ chức một “hội nghị diên hồng” về KHCN, trong đó có vai trò sâu sắc của Chính Phủ, của Bộ trưởng Bộ KH&CN và những nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu hiệu quả.
Phát biểu của các tiến sỹ Phạm Phương Chi, Phạm Thị Tuyết Nhung, Phạm Hoàng Hiệp hay Nguyễn Bá Hải cũng là những lời tâm sự thay cho 70 nhà khoa học trẻ tham dự buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuổi đời chưa quá 35 những các bạn đã là tác giả của những công trình nghiên cứu nổi bật, của những sản phẩm khoa học đã được ứng dụng trong thực tiễn, của những công bố quốc tế có giá trị, của nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ, công nhận. Không thể phủ nhận tiềm năng của giới trẻ hiện nay - tương lai của nền KH&CN mai sau. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với niềm đam mê sáng tạo không ngừng của nhà khoa học, các bạn chắc chắn sẽ đáp ứng được những yêu cầu trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Bài: Giáng Châu Ảnh: Ngũ Hiệp |