Bản in
Cơ hội để Chính phủ hiểu tâm tư nhà khoa học trẻ
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với 70 nhà khoa học trẻ tới đây là diễn đàn rất tốt để các bộ ngành quản lý và người đứng đầu Chính phủ hiểu được tâm tư của những người làm khoa học.

- Ngày 11/9, lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ, Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng gì ở sự kiện này?

- Nhân dịp 70 năm ngày thành lập nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc gặp của Thủ tướng, lãnh đạo một số bộ, ngành với các nhà khoa học trẻ. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những người làm khoa học. Việt Nam đang xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trên con đường đi lên đó cần có sự đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ. 

70 nhà khoa học trẻ được lựa chọn là những người có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, có công bố quốc tế hoặc có những cải tiến kỹ thuật đóng góp lớn cho doanh nghiệp và kinh tế - xã hội. Họ đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp... để báo cáo với Thủ tướng, trao đổi và đề xuất liên quan đến quá trình hoạt động khoa học và công nghệ. Các nhà khoa học trẻ ở nước ngoài về phục vụ tổ quốc cũng có thể trình bày những khó khăn về trang thiết bị, môi trường làm việc, văn hóa khoa học…

Bên cạnh đó, đây cũng là diễn đàn rất tốt để các bộ, ngành quản lý, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ và người đứng đầu Chính phủ hiểu được tâm tư của các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ.

- Nhà nước có những chính sách gì trong việc trọng dụng và tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ làm việc, cống hiến?

- Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển, nhưng hiện nay môi trường, điều kiện cho các nhà khoa học trẻ đã có thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Cụ thể như Nghị định 40/2014/NĐ-CP ban hành về việc sử dụng và trọng dụng các cán bộ khoa học và công nghệ. 

Các điều 23, 24, 25 trong nghị định tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng một số ưu đãi như: Được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được ưu tiên cử tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài; được tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ xem xét giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước để thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

- Một số nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài có nguyện vọng được về nước làm việc, nhưng họ lo ngại về môi trường, mức thu nhập. Ông có lời khuyên gì dành cho họ?

- Tôi nghĩ một nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài, nhất là lại có gia đình, vợ con thì việc trở về Việt Nam làm việc là một quyết định rất khó khăn. Vì ở một nước phát triển mọi thứ khác. Khi về Việt Nam họ phải đối mặt nhiều vấn đề như lương bổng, nhà cửa, trang thiết bị phòng thí nghiệm, môi trường học thuật…

Cá nhân tôi rất hoan nghênh các trí thức Việt kiều đang sống và làm việc ở một nước phát triển trở về sống và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi trở về, các trí thức Việt kiều nên có sự tìm hiểu về những hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ ở các trường đại học, các viện nghiên cứu tại Việt Nam.

- Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ và được các nhà khoa học trẻ rất quan tâm. Bộ dự định mở rộng mô hình này như thế nào?

- Đề án theo mô hình Thung lũng Silicon là để giúp các học sinh - sinh viên và nhà khoa học trẻ có ý tưởng về công nghệ, bước đầu được tư vấn về pháp lý, về quyền sở hữu trí tuệ, được huấn luyện tổ chức giới thiệu về ý tưởng, mời chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, chọn ra ý tưởng khả thi để kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vốn... nhằm biến ý tưởng thành sản phẩm, hàng hóa.

Năm 2014, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chọn được 10 nhóm và kêu gọi đầu tư khoảng 10.000 đôla cho mỗi nhóm, đến nay đã bước đầu thu được thành công. Những năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục triển khai mô hình này.

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về thành lập Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Xin ông cho biết cơ hội được làm việc tại viện này đối với các nhà khoa học trẻ?

- Trong chuyến thăm chính thức tại Hàn Quốc vào năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc lúc đó đã thỏa thuận Hàn Quốc viện trợ cho Việt Nam khoảng 35 triệu đôla Mỹ để giúp nước ta xây dựng một viện nghiên cứu theo mô hình Viện KIST.

KIST là một trong những viện nổi tiếng thế giới được thành lập cách đây khoảng nửa thế kỷ và đã có đóng góp rất lớn cho phát triển của đất nước Hàn Quốc. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 18/5/2015, Thủ tướng đã ký Nghị định số 50 về việc thành lập viện này, gọi tắt là V-KIST. Hiện nay, phía Việt Nam phối hợp với Hàn Quốc triển khai các công tác chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thành lập viện, dự kiến đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Việc xây dựng bộ máy của viện cũng đang được tiến hành.

Trong giai đoạn tới, những lĩnh vực ưu tiên của viện V-KIST là cơ điện tử, công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp, và tiếp theo là công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng - môi trường... Việc thành lập viện này sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó có nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học, trí thức Việt kiều sẽ thấy viện V-KIST có những điều kiện nghiên cứu gần tương đồng với trường, viện họ từng nghiên cứu.