Bản in
KH&CN khu vực phía Nam: Đổi mới cơ chế đề xuất, xác định và giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN
Việc đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN bao gồm: đổi mới phương thức đề xuất, lựa chọn và xác định nhiệm vụ KH&CN; phương thức giao các tổ chức/cá nhân thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước; nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý và đơn vị/ cá nhận chỉ trì nhiệm vụ KH&CN trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, triển khai vào sản xuất và đời sống…

Đây là những kiến nghị về chính sách và giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu và sản xuất đời sống mà KH&CN khu vực phía Nam đặt ra trong hội thảo khoa học với chủ đề: "Quản lý và phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam". Hội thảo do Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP Đà Lạt ngày 4/9.

Chủ trì hội thảo có ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Trung tướng Triệu Xuân Hòa - Anh hùng CLLVT, Phó ban chỉ đạo Tây nguyên; ông Vũ Văn Khiêm - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN và ông Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng.

Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý, Viện nghiên cứu, các Trường Đại học và các nhà Doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, ứng dụng các kết quả nghiên cứu nhằm đưa nhanh các kết quả KH&CN phục vụ phát triển KT-XH.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận như: KH&CN: từ đề xuất đặt hàng đến ứng dụng; Một vài thống kê về hoạt động KH&CN khu vực phía Nam; Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ độc lập cấp Nhà nước khu vực phía Nam giai đoạn 2011- 2015; Chính sách và giải pháp nhằm đẩu nhanh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống…

Trong những năm, các Chương trình KH&CN quốc gia trên địa bàn các tỉnh phía Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể là dự án CNC.04.DAPT/14 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thuốc Peginterferon lambada, Pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn châu Âu” do Công ty TNHH CNSH Dược Nanogen chủ trì thực hiện trong thời gian 60 tháng (từ 4/2014- 4/2019). Sau 14 tháng triển khai dự án đã nghiên cứu thành công một số sản phẩm như Peglamda, sản lượng 30.000 bươm tiêm/lô; đã sản xuất 6 lô; 240 bơm tiêm, 180,cg. Đạt tiêu chuẩn châu Âu. Chỉ định viêm gan C. B mạn tính. Giá thành 1,8 triệu đồng/bơm tiêm. Là sản phẩm mới hoàn toàn, thay thế cho phác đồ điều trị bằng Peginterferon alfa không có tác dụng đối với bệnh nhân viêm gan bị đột biến gene IL28a, IL28b. 

Pegcyte, sản lượng 2000 bơm tiêm/lô, 4- 6 lô/năm, 12.000 bơm tiêm, 6mcg; đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Chỉ định: rút ngắn thời gian giảm bạch cầu trung tính và giảm tỷ lệ sốt do hạ bạch cầu trung tính ở những bệnh nhân điều trị hóa trị liệu độc tế bào do mắc các bệnh ác tính. Giá thành 7 triệu/bơm tiêm. Giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm tương đương là Neulasta- 19 triệu đồng/liều 6mcg.

Một dự án nữa là dự án CNC.01.ADPT/13 “Nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ nano” do công ty TNHH MTV nhà máy United Healthcare chủ trì thực hiện trong thời gian từ tháng 10/2013 đến 4/2016. Tính đến tháng 6/2015, dự án đã đạt được một số kết quả: đào tạo được 8 chuyên gia Việt Nam có khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent tại CHLB Đức và Mỹ. Hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ nano; tiến hành lắp đặt 03 máy chính của dây chuyền sản xuất. Tiến hành các thủ tục để xin cấp phép từ Bộ Y tế để tiến hành thử nghiệm lâm sàng (sản phẩm đã được sản xuất thử nghiệm thành công, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của bên chuyển giao công nghệ).

Cần sớm có hướng dẫn cơ chế vay vốn ưu đãi và hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay để triển khai thí điểm một số nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia (Ảnh: Sản xuất vacxin cúmA/H5N1 cho gia cầm)

 

Bên cạnh đó còn có dự án CNC.05.DAPT/14 “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo”; dự án SPQG.05b.03 “Công nghệ sản xuất vacxin cúmA/H5N1 cho gia cầm”; dự án sản phẩm quốc gia dàn khoan dầu khí di động; dự án “Nghiên cứu ứng dụng kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ canh tác tiên tiến và công nghệ thông tin trong sàng lọc, chọn tạo và sản xuất hạt cây giống trồng mới”.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, các khó khăn vướng mắc để triển khai Chương trình quốc gia đó là: chưa có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Một số quy định quản lý tài chính đối với nguồn ngân sách Nhà nước chưa phù hợp; Việc phân cấp, giao các Bộ, ngành quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao chưa thực sự đạt hiệu quả.

Từ những vướng mắc trên, các đại biểu đưa ra kiến nghị: các Bộ, Ngành có liên quan xem xét, bố trí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc Chương trình quốc gia trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, áp dụng thí điểm cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ trong các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia để đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai nhiệm vụ KH&CN cho đế khi Thông tư thay thế Thông tư số 68/2012/TT- BTC được ban hành.

Nhà nước cũng cần sớm có hướng dẫn cơ chế vay vốn ưu đãi và hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay để triển khai thí điểm một số nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia; Thúc đẩy các Bộ, Ngành được phân cấp giao quản lý Chương trình tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình được phân cấp giao quản lý.

Cuối cùng, Bộ KH&CN rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thay thế, bổ sung một số sản phẩm quốc gia mới vào danh mục để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Tin và ảnh: Minh Châu