Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 8-14/8
Minh bạch kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Việt Nam tham gia giao thương các Khu Công nghệ cao Châu Á 2015; Tác giả hàng loạt vắc xin 'made in VN' đột ngột qua đời;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Minh bạch kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Thời gian qua, các nhà khoa học làm chủ nhiệm đề tài vừa phải lo nghiên cứu, vừa phải lo thủ tục quyết toán, nghiệm thu sản phẩm. Mới đây, theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN (TTLT 55) có hiệu lực từ ngày 8-6-2015, người đứng đầu cơ quan chủ trì đề tài sẽ quản lý phần “tài chính” của đề tài, do vậy, nhà khoa học chủ nhiệm đề tài sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung cho công việc nghiên cứu.

Điểm nổi bật của TTLT 55 là có sự đổi mới trong công tác xây dựng dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện đề tài sát với thực tế, thực hiện khoán chi cho đến sản phẩm cuối cùng. Thực hiện minh bạch kinh phí đối với nhiệm vụ KH và CN, được coi là một trong những khâu đột phá trong việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH và CN. (Theo Nhân Dân 8/8).

Việt Nam tham gia giao thương các Khu Công nghệ cao Châu Á 2015

Việt Nam Sẽ có khoảng 50 doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ cao (CNC), các hiệp hội ứng dụng công nghệ trong và ngoài Khu CNC Hòa Lạc tham dự Hội thảo giao thương các Khu CNC Châu Á 2015 được tổ chức ngày 19/8/2015 tại Khu CNC Hòa Lạc.

Có khoảng 50 doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ cao tham dự Hội thảo giao thương các Khu CNC Châu Á 2015

Hội thảo do Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc phối hợp với Hiệp hội các Khu CNC Châu Á (ASPA) tổ chức. Mục tiêu của hội thảo là thúc đẩy giao thương, tăng kim ngạch thương mại, học hỏi kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chia sẻ và mở ra thị trường mới giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiến tới hợp tác sâu rộng lâu dài. 

Tại hội thảo, các doanh nghiệp trong và ngoài nước dành thời gian để giới thiệu về các thế mạnh, thị trường và thị phần đang hoạt động. Đối thoại trực tiếp tìm hiểu theo phương thức 1:1 giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm năng mở rộng hợp tác và thị trường. Tham quan các doanh nghiệp, nhà máy, viện nghiên cứu tại Khu CNC Hòa Lạc…(Theo Tuyên giáo 12/8).

Tác giả hàng loạt vắc xin 'made in VN' đột ngột qua đời

Ngày 12.8, Bộ Y tế xác nhận GS-TS Lê Thị Luân (quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), đã qua đời tại nhà riêng, ở tuổi 53.

GS-TS Lê Thị Luân tốt nghiệp y khoa tại Đại học Y Hà Nội. Bà là tác giả nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em (vắc xin rotavin M1) được cấp phép lưu hành tại VN năm 2012, sau 16 năm nghiên cứu, giám sát dịch bệnh do vi rút rota tại VN.

Công trình của bà đã giúp VN trở thành nước thứ 2 của châu Á và là 1 trong 4 nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin này với công nghệ mới. Vắc xin đã giúp hàng triệu trẻ em VN được phòng bệnh với chi phí chỉ bằng 1/3 vắc xin nhập ngoại mà hiệu quả tương đương, giúp tiết kiệm cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Dự kiến từ 2016 vắc xin rotavin-M1 sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. (Theo Thanh niên 13/8).

Chip và thiết bị RFID HF: Đã làm chủ, nhưng vẫn... chờ

Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC - Đại học Quốc gia TPHCM) đã “Công bố thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF” vào ngày 12-8-2015.

Lễ công bố này là một phần trong đề án phát triển thị trường của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020. Đồng thời, qua đây cho thấy chip và thiết bị RFID HF đã sử dụng hiệu quả hạ tầng vi mạch của TPHCM xây dựng trong thời gian qua. Song đây cũng là lúc cần đẩy mạnh các chương trình thương mại hóa sản phẩm vi mạch, chứ không thể ngồi yên chờ đợi nữa. (Theo Sài gon giải phóng 12/8).

Thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đặc trưng của địa phương

Ngày 12.8, tại Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ tổ chức Hội nghị giao ban Khối Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm giải pháp thương mại hóa các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Theo đa số ý kiến của các thành viên trong khối, để thương mại hóa được các sản phẩm công nghệ thế mạnh của địa phương nói riêng, sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, trước hết cần tạo ra sàn giao dịch sản phẩm công nghệ chung, đóng vai trò như một đầu mối cung cấp thông tin hàng hóa cho khách hàng cũng như nhu cầu thị trường cho nhà sản xuất… 

Tại Hội nghị, Khối Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua quyết định kết nạp thêm 2 thành viên mới là Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu và Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ Bình Dương, nâng tổng số thành viên của khối lên 17.(Theo Đại biểu nhân dân 12/8).

Mới học lớp 11 đã có gần chục sáng chế hữu ích

Nhật Minh bên kính thiên văn tự chế.

Em Nguyễn Nhật Minh, ngụ ấp Lưu Tư (xã Huyền Hội, huyện Càng Long, Trà Vinh) đam mê sáng tạo từ nhỏ. Mới học lớp 4, Minh đã tự sáng chế đồ chơi để khỏi phải ra chợ mua tốn tiền cha mẹ đến năm học lớp 8 (năm 2013), Minh chế ra chiếc máy gieo hạt ngô nhưng đón nhận thất bại đầu tiên vì khi dụng cụ gieo xôm lỗ xuống đất nhưng hạt khi đưa xuống lại rơi ra ngoài. 

Không nản chí, cũng ngay năm lớp 8, Minh cải tiến từ máy gieo hạt ngô sang dụng cụ thu gom nông sản. Sau nhiều lần làm thí nghiệm, Minh đã làm được mô hình với kinh phí 1 triệu đồng gồm những thiết bị rẻ tiền như nhựa, tol… 

Năm học lớp 9, Minh cùng với người bạn tên Đỗ Phúc Nhĩ Khang (đang học lớp 8) tìm tòi nghiên cứu ra lò đốt rác thân thiện với môi trường. Mô hình này đem đi dự Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Trà Vinh và đoạt giải Nhất…

Minh chuẩn bị bước vào năm học lớp 11, Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Càng Long, Trà Vinh) và đang dự định thành lập Câu lạc bộ Thiên văn và Khoa học nghiệp dư gồm những học sinh có chung niềm đam mê. (Theo Dân trí 12//8).

 

Hà Trang (tổng hợp)