|
|||
- Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi" đã đạt nhiều kết quả tích cực. Xin Ông cho biết, những kết quả nổi bật từ Chương trình? Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Chương trình nông thôn miền núi được khởi động từ năm 1998 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho đến nay đã thực hiện được gần 20 năm. Chương trình này nhằm chuyển giao tiến bộ KHCN cho các vùng nông thôn miền núi. Thông qua chuyển giao tiến bộ KHCN tạo thành những dự án điểm. Tiếp đó là sự vào cuộc của các dự án thuộc các chương trình khác như chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư… Qua 3 giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình cho thấy, việc chuyển giao những tiến bộ KHCN cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn miền núi đã đạt được hiệu quả rất đáng ghi nhận. Chương trình đã triển khai thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố; đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KHCN ở địa phương, tập huấn cho 236.264 lượt nông dân. Đồng thời, Chương trình đã thu hút sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Chương trình cũng đã tạo ra được những sản phẩm hàng hóa mới, thay đổi thói quen canh tác cho người dân. Bên cạnh đó, Chương trình đã đưa các kết quả nghiên cứu khoa học đến với bà con nông dân và đến với sản xuất kinh doanh đối với vùng nông thôn, miền núi đặc biệt khó khăn; gắn kết được giữa những người làm nghiên cứu với người sản xuất là bà con nông dân. Thông qua Chương trình này đã huy động được hơn 10.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các hộ gia đình tham gia. - Vai trò phối hợp giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định thành công Chương trình, Thưa Ông ? Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi" đã triển khai thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố; đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KHCN ở địa phương, tập huấn cho 236.264 lượt nông dân. Đồng thời, Chương trình đã thu hút sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Tham gia Chương trình nông thôn miền núi gồm 4 đối tượng: thứ nhất, người dân nhận chuyển giao công nghệ, phát triển sản xuất. Thứ hai, là các nhà khoa học. Thứ ba, là các nhà quản lý mà ở đây là Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố. Thứ tư, là các doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện Chương trình, khi có sự kết hợp nhịp nhàng của 4 "nhà" nêu trên góp phần bảo đảm cho thành công của các dự án thành phần. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như tập quán, trình độ của người dân cũng như động lực để các nhà khoa học bỏ thành phố, bỏ các viện, trường về quê tham gia cầm tay chỉ việc cho nông dân. Đặc biệt, nếu những dự án mà có sự tham gia của các doanh nghiệp thì khả năng thành công lớn hơn. Bởi vì, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho người dân ở các vùng quê đưa các sản phẩm hàng hóa của mình trở thành những hàng hóa ở thị trường; kết nối từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Về các cơ quan quản lý - đối với những dự án do Trung ương quản lý - là Bộ Khoa học và Công nghệ và các Dự án mà địa phương quản lý - là Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố, nếu các cơ quan quản lý sâu sát, tìm được đúng đối tượng, xác định được nhiệm vụ cho từng dự án, chính xác đối với từng vùng, miền, phù hợp với văn hóa, tập quán của từng nơi thì khả năng thành công sẽ lớn hơn. - Nguồn vốn có phải là trở ngại lớn nhất trong quá trình triển khai, thưa Ông ? Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Nói đến khó khăn thì rất nhiều, khó khăn đầu tiên là sự tiếp thu công nghệ, những kiến thức mới đối với người dân. Với những tập quán sản xuất từ xưa để lại, không dễ để người dân có thể chấp nhận bỏ được thói quen cũ. Bên cạnh đó, các dự án nông thôn miền núi liên quan đến mùa vụ, liên quan sản xuất, đến các nông sản, lâm sản, thủy sản và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thiên tai, thời tiết. Một yếu tố rất quan trọng đó là nguồn vốn để triển khai dự án. Hiện, nguồn vốn cấp cho dự án gồm: nguồn từ sự nghiệp khoa học Trung ương, nguồn của địa phương và huy động từ xã hội hóa, trong đó từ các doanh nghiệp, người dân. Nếu nguồn vốn này không bảo đảm, không đáp ứng được tiến độ của Dự án thì việc triển khai dự án cũng hết sức khó khăn. - Vậy, thưa Ông vai trò của doanh nghiệp thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chương trình trong giai đoạn tới ? Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, ban chỉ đạo Chương trình nông thôn miền núi đã tổ chức việc tổng kết đánh giá 3 giai đoạn. Qua đó cho thấy, Chương trình thực sự mang lại hiệu quả cho người dân ở các vùng nông thôn miền núi, biên giới hải đảo. Chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng cho triển khai chương trình này giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn tới, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ ba giai đoạn đã triển khai và sẽ có những ý tưởng khác hơn như: quy mô sản xuất của các dự án lớn hơn; huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, người dân ở mức lớn hơn. Để thu hút đầu tư vào chương trình trong giai đoạn tới, chúng tôi tiếp tục huy động từ xã hội hóa và quy mô của dự án sẽ lớn hơn. Trong đó, có tính đến việc đưa một chuỗi sản xuất hàng hóa, những sản phẩm hàng hóa do người dân tham gia các Dự án nông thôn miền núi sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Như vậy, sự tham gia của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Các dự án tới, mong rằng sẽ có sự đóng góp nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp. Ngoài việc cấp kinh phí cho các dự án từ nguồn ngân sách Nhà nước ở Trung ương và địa phương theo đúng tiến độ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Chương trình chỉ đạo nông thôn miền núi đề xuất với Chính phủ có thể kéo dài Chương trình không chỉ 5 năm như những giai đoạn trước. - Xin trân trọng cảm ơn Ông!
|