|
|||
Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa được diễn ra tại Hà Nội. Phát triển nền kinh tế xanh Tại phiên Chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã nhận được nhiều câu hỏi khó của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Bùi Thị An đã thẳng thắn đặt vấn đề là vì sao KH&CN vẫn chưa tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu. Bộ trưởng Nguyễn Quân đã thẳng thắn đi vào câu hỏi, Bộ trưởng khẳng định là mức đầu tư của chúng ta cho khoa học, công nghệ còn dưới ngưỡng để khoa học, công nghệ có thể trở thành động lực, nếu Hàn Quốc đầu tư cho một đầu người dân 1.100 USD để làm khoa học, chúng ta mới chỉ đầu tư 10 USD, trong đó 5 USD từ ngân sách nhà nước, 5 USD từ xã hội và để có một công bố quốc tế phải có 150 ngàn USD, để có một bằng sáng chế phải có 2 triệu USD, chúng ta chưa huy động được đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ. Nếu chúng ta huy động được tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ như Hàn Quốc, chúng ta cũng sẽ không thua kém các nước trong khu vực và lúc đó thì khoa học, công nghệ sẽ đóng vai trò quốc sách hàng đầu. Cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Bùi Thị An tiếp tục đưa ra câu hỏi khâu đột phá nào về khoa học, công nghệ để chúng ta có thể phát triển nền kinh tế xanh và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: chúng tôi cho vẫn là cải cách thể chế theo đúng 3 đột phát chiến lược. Nếu trong khoa học, công nghệ, với Luật KH&CN, nhiều cơ chế chính sách mới được thực hiện một cách quyết liệt. Chúng ta thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối với khoa học, công nghệ, chúng ta tôn trọng các nhà khoa học, chúng ta chia sẻ khó khăn với họ, dành cho họ sự đầu tư tốt nhất thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được việc hội nhập quốc tế thành công. Chúng ta không thể một mình một kiểu trên sân chơi với cộng đồng quốc tế, quản lý khoa học theo kiểu kế hoạch hóa, quản lý khoa học mà không theo đặt hàng, quản lý khoa học mà chỉ dùng ngân sách nhà nước thì chắc chắn chúng ta không hội nhập được. Nền kinh tế xanh về cơ bản cũng là đóng góp của khoa học, công nghệ cùng với ngành môi trường và các ngành kinh tế khác. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư cho các chương trình quốc gia để phát triển bền vững, phát triển kinh tế tri thức, phát triển kinh tế xanh. Năng suất lao động đã tăng lên Câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng nói về năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 43% của ASEAN, nguyên nhân vì sao năng suất thấp, giải pháp về khoa học, công nghiệp như thế nào? Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng năng suất lao động của chúng ta còn rất thấp, bởi vì trình độ sản xuất của chúng ta thấp, mức đầu tư cho các hoạt động của chúng ta cũng rất thấp vì chúng ta là một nước nghèo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây năng suất lao động của chúng ta đang tăng lên, thu hẹp khoảng cách với các nước. Ví dụ, cách đây 7 năm năng suất lao động của chúng ta chỉ bằng 1/30 của Singapo bây giờ thời điểm này chúng ta bằng 1/14 của Singapore, tức là đã tăng lên hơn hai lần về khoảng cách. Tuy nhiên, năng suất vẫn còn rất thấp, để tăng năng suất lao động thì chắc chắn một yếu tố không thể thiếu được ngoài vấn đề chúng ta có cơ chế chính sách tốt, đầu tư vốn và nâng cao trình độ của người lao động thì khoa học, công nghệ đưa vào sản xuất là vấn đề đặc biệt quan trọng. Ví dụ, Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông là một doanh nghiệp nhà nước đứng trên bờ vực phá sản. Nhưng nhờ đưa khoa học, công nghệ vào, họ thành lập hẳn một trung tâm nghiên cứu, mời được các nhà khoa học hàng đầu về chiếu sáng của Đại học Nông nghiệp, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong vòng 10 năm họ đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Hàng năm đóng góp cho ngân sách 220 tỷ đồng, tương đương với mức thu ngân sách của 1 tỉnh nhỏ ở miền núi. Đồng thời, họ tạo ra một giá trị doanh thu năm vừa rồi 2.800 tỷ, bình quân 1 công nhân của công ty này đóng góp cho công ty doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, tương đương khoảng 50.000 USD. Theo APO là tổ chức năng suất Châu Á đánh giá năng suất lao động trung bình của người Việt Nam tương đương với khoảng 75 triệu đồng Việt Nam, khoảng 3.600 USD. Nói như thế để chúng ta thấy rằng khi khoa học, công nghệ vào để công ty Rạng Đông làm ra những bóng đèn cường độ chiếu sáng phù hợp với từng loại cây trồng, đưa công nghệ đèn led vào xuất khẩu rất tốt, tăng năng suất lao động của công nhân lên rất cao, 1 công nhân ở đó cao hơn khoảng 15 lần năng suất lao động trung bình của xã hội chúng ta, cao gấp gần 100 lần so với năng suất lao động trong nông nghiệp của nông dân. Chính vì thế chúng tôi rất coi trọng việc đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, các chương trình quốc gia về công nghệ đều tập trung vào việc đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đối với khu vực nông thôn chúng tôi có Chương trình nông thôn, miền núi với mức đầu tư 700 tỷ từ ngân sách nhà nước, chúng tôi đã huy động được hơn 800 tỷ từ doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2011-2015 đã có 390 dự án cho 61 tỉnh, thành trong cả nước và đem lại hiệu quả rất tốt cho các địa phương. Đặc biệt là vùng sâu, vùng xa có được những kết quả khoa học, công nghệ ứng dụng vào sản xuất hàng ngày của người dân. Vì vậy, chúng tôi rất mong được Quốc hội ủng hộ để cho các chương trình này có thể được tiếp tục. Đồng thời, động viên các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất lao động của mình. Bài, ảnh: Đăng Minh |